Mô hình Dự án Xây dựng cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng

Mô hình Dự án Xây dựng cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng

Container Việt Nam (VSC) tham vọng đầu tư cảng nước sâu, nhắm dự án tại Liên Chiểu

0:00 / 0:00
0:00
Lần đầu kể từ khi niêm yết, Viconship trình cổ đông kế hoạch chào bán cổ phiếu. Nguồn lực đang được tích lũy để đầu tư các dự án cảng nước sâu, gồm cả dự án mới cảng Liên Chiểu.

Chào bán cổ phiếu tăng gấp đôi vốn điều lệ

CTCP Container Việt Nam (Viconship, mã VSC) dự kiến sẽ chào bán thêm cổ phần mới để thực hiện tăng vốn điều lệ từ 551.227.980.000 đồng lên 1.102.455.960.000 đồng, tương ứng tỷ lệ phát hành 1:1 ngay trong năm 2021 này. Mặc dù niêm yết trên sàn HoSE từ năm 2008, đây là lần đầu tiên Viconship trình cổ đông kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, Viconship dự kiến thu về thu về 551 tỷ đồng. Theo tờ trình gửi các cổ đông, toàn bộ số tiền thu được từ việc phát hành thêm cổ phiếu sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, Viconship cũng đề nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT điều chỉnh việc phân bổ số tiền thu được từ đợt chào bán cho các mục đích sử dụng vốn đã được thông qua và/hoặc thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cho phù hợp với tình hình thực tế. Những thay đổi về phương án sử dụng vốn sẽ được báo cáo Đại hội đồng cổ đông gần nhất.

Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty với các cổ đông trực tiếp tại cuộc họp, việc huy động vốn lần này mục đích xa hơn là để đáp ứng đủ yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu cho nhà đầu tư dự án cảng nước sâu và cũng nhằm huy động vốn cho các dự án này.

Công ty sẽ tập trung nguồn lực đầu tư các dự án cảng nước sâu tại khu vực đảo Cát Hải (Hải Phòng) và Liên Chiểu (Đà Nẵng), trong đó Viconship sẽ giữ tỷ lệ sở hữu ít nhất là 36% tại doanh nghiệp dự án.

Liên quan đến dự án tại Đà Nẵng, vào ngày 25/3 vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảnh Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung do UBND thành phố Đà Nẵng là cơ quan chủ quản. Dự án này thuộc nhóm A với tổng mức đầu tư 3.426 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư đến từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (2.994,59 tỷ đồng) và ngân sách địa phương của thành phố (phần còn lại).

Dự án bao gồm kè/ đê chắn sóng, luồng tàu; hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng đáp ứng các tàu tổng hợp, hàng rời với tải trọng tối đa trước mắt là 100.000 tấn và tàu container sức chở 6.000 – 8.000 TEUs như luồng tàu và khu nước, giao thông kết nối với cảng.

Theo đơn vị tư vấn từng công bố trước đây, quy hoạch cảng Liên Chiểu gồm 8 khu bến container, diện tích 118 ha; 4 khu bến tổng hợp, diện tích 58,8ha; 4 khu bến dầu, đê kè chắn sóng dài 2190 mét, 10 km đường ngoài cảng...

Dự án cảng nước sâu tại khu vực Liên Chiểu (Đà Nẵng) được kỳ vọng sẽ giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố khi cảng Tiên Sa là khu bến chính hiện tại của Đà Nẵng và tăng cường kết nối vùng và liên vùng.

Các cảng biển do Viconship và công ty con quản lý hiện đều nằm tại Hải Phòng gồm Green Port và VIP Green Port. Trước đó, tại cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 9/2020, HĐQT đã thông qua việc đầu tư cảng nước sâu tại khu vực Lạch Huyện để mở rộng và phát triển mảng kinh doanh khai thác cảng. Việc đầu tư vào cảng nước sâu tại Đà Nẵng chưa được Viconship công bố trước đây.

Dù vậy, tại Đà Nẵng, CTCP Container miền Trung - công ty con do Viconship sở hữu 65% đang hoạt động chính trong lĩnh vực vận chuyển và bốc xếp hàng hóa, khai thác kho bãi. CTCP Logistic Cảng Đà Nẵng cũng là doanh nghiệp do Viconship sở hữu hơn 33% vốn.

Áp lực pha loãng đè nặng EPS

Không chỉ tăng vốn, Vicoship còn đặt ra một kế hoạch kinh doanh khá thận trọng trong năm nay. Công ty đã phải đề ra tới 2 kịch bản kinh doanh. Trong trường hợp thông thường, doanh thu kế hoạch của Viconship là 1.700 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 335 tỷ đồng. Nhưng nếu dịch bệnh Covid-19 có diễn biến xấu bất thường và container MT tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng, doanh thu và lợi nhuận kế hoạch dự kiến giảm còn 1.485 tỷ đồng và 296 tỷ đồng.

Năm 2020, Viconship thu về 1688,8 tỷ đồng doanh thu từ cung cấp dịch vụ và 335,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kịch bản xấu đề ra có mức suy giảm lợi nhuận gần 17%.

Theo tính toán của Viconship, nếu công ty có thể hoàn tất đợt chào bán này vào ngày 30/6/2021, số lượng cổ phiếu đang lưu hành bình quân năm 2021 sẽ tăng gấp rưỡi. Tính theo lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, EPS năm 2021 sẽ giảm từ 6.440 đồng/cổ phần (trước pha loãng) xuống 4.293 đồng/cổ phần (sau pha loãng). Tạm tính theo giá đóng cửa cổ phiếu VSC ngày 2/4 (54.800 đồng/cổ phần), P/E sẽ tăng từ 8,5 lần lên 12,7 lần.

Kế hoạch kinh doanh trình cổ đông của Viconship thậm chí còn thấp hơn mức lợi nhuận giả định. EPS sẽ còn giảm nhiều hơn nếu lợi nhuận tăng trưởng âm bên cạnh áp lực pha loãng cổ phiếu.

Với kết quả kinh doanh năm 2020, tỷ lệ cổ tức được công ty trình và phê duyệt ở mức 20%. Do cổ đông đã nhận tạm ứng 15%, phần cổ tức còn lại nhận trong thời gian tới là 5%. Cổ tức năm 2021 dự kiến cũng là 20% nhưng dựa trên vốn điều lệ hiện tại. Nếu đợt chào bán thành công trong năm nay, mức cổ tức dự kiến sẽ là 10%.

Tờ trình về việc tăng vốn dự kiến đã được thông qua với tỷ lệ tán thành 97,59%. Có khoảng 588.374 đơn vị, tương đương 1,52% số phiếu biểu quyết không tán thành. Tờ trình liên quan đến việc thưởng HĐQT và Ban kiểm soát với mức là 1% lợi nhuận sau thuế và trích quỹ khen thưởng phúc lợi cũng có tỷ lệ không tán thành nhỉnh hơn (3,97%).

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của Viconship năm 2021 cũng biểu quyết về việc thay thế nhân sự HĐQT. Đã có ba thành viên HĐQT mới được bầu từ đề cử của ba cổ đông cá nhân là cổ đông lớn của công ty (sở hữu trên 5% cổ phần).

Tin bài liên quan