Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn. (Ảnh: Hồ Hạ)
Điểm đến giàu tiềm năng, lợi thế
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Phạm Thị Hương, Phó Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn cho biết, Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021, đến năm 2023 điều chỉnh phạm vi ranh giới lên 8 huyện, thành phố, diện tích khoảng 4.842 km2, dân số khoảng 627.000 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh).
Hiện nay, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã trình bộ Hồ sơ lên UNESCO và đang hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng và cảnh quan, dự kiến cơ bản xong trước tháng 7/2024 để đón đoàn chuyên gia thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn, hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững.
Với chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng”, 4 tuyến với 38 điểm du lịch tại Công viên địa chất Lạng Sơn đang được triển khai trên nền tảng gắn kết các địa điểm tiêu biểu về lịch sử tiến hóa liên tục của sự sống và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, với các di sản văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử hình thành thế giới tự nhiên và cảnh quan địa chất, sự đa dạng về văn hóa và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn.
Theo UBND Tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng khách du lịch đến Lạng sơn quý I/2024 đạt 1,521 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với cùng kỳ, đạt 37,5% so với kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế đạt 39.000 lượt khách, tăng 334% so với cùng kỳ, đạt 24,4% so với kế hoạch năm; khách trong nước đạt 1,482 triệu lượt, tăng 10,5% so với cùng kỳ, đạt 38% so với kế hoạch năm.
Chia sẻ về cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, thu hút đầu tư vào du lịch tại Lạng Sơn, ông Ninh Văn Sa, Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong bối cảnh ngành du lịch hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững, Lạng Sơn xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số khu, điểm du lịch tiềm năng, trong đó có Công viên địa chất Lạng Sơn. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy Lạng Sơn phát triển toàn diện.
Cũng theo ông Ninh Văn Sa, Lạng Sơn hiện có 298 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách, trong đó có 2 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1 khách sạn 3 sao. Tỉnh có 3.900 buồng lưu trú, trong đó có 421 buồng tiêu chuẩn 5 sao. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hơn 60 homestay ở các vùng nông thôn, miền núi. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 320 nhà hàng, cơ sở ăn uống phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn có 6 cơ sở vận chuyển khách du lịch, 13 doanh nghiệp lữ hành, 4.100 lao động trực tiếp làm du lịch, 108 hướng dẫn viên du lịch. Có 60% lao động ngành du lịch đã được đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch.
Tại Tọa đàm, bà Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản Lạng Sơn (Aforex) (xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng), chủ Trạm dừng nghỉ Hoa hồi - điểm đến mới nổi bật của tỉnh Lạng Sơn cho biết, xuất phát là doanh nghiệp xuất khẩu hoa hồi, với mục đích giới thiệu, quảng bá đặc sản của Lạng Sơn, Aforex đã xây dựng Trạm dừng nghỉ hoa hồi hơn 10.000 m2, với những trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc sắc, tìm hiểu đặc sản hoa hồi… để phục vụ du khách. Sau một năm bền bỉ tạo dựng cảnh quan, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đã trở lại đây để được trải nghiệm văn hoá bản địa đúng điệu. Nhờ đó, năm 2023 và 3 tháng 3 đầu năm 2024, doanh thu của Trạm dừng nghỉ Hoa hồi đã tăng 30% so với kỳ năm trước.
Hiện nay, mỗi năm, Aforex thu mua hơn 1.000 tấn hồi tươi của nông dân trên địa bàn tỉnh để chế biến và xuất khẩu sang Ấn Độ, Dubai, Anh... Trong đó, khoảng 80% là xuất sang thị trường Ấn Độ. Đối với những thị trường khác, công ty đẩy mạnh quảng bá như đưa các sản phẩm tinh dầu hồi, gia vị hữu cơ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nước rửa bát, xà-phòng quế hồi... vào các siêu thị tại một số nước trên thế giới.
Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch của Công viên địa chất Lạng Sơn nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung, bà Tạ Việt Hằng, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty Halal Quốc Gia Việt Nam - VNH (đơn vị chuyên về các dịch vụ liên quan đến Halal) cho rằng: Sau đại dịch Covid-19, việc tiếp cận dòng khách du lịch hồi giáo là hướng đi đầy tiềm năng, triển vọng; và Công viên địa chất Lạng Sơn hoàn toàn có thể hướng đến thị trường này.
“Khách thị trường Hồi giáo là dòng khách trung và cao cấp. Khách từ Indonesia chi tiêu trung bình 2,5 triệu/ ngày. Khách Trung Đông chi tiêu trung bình 4-6 triệu đồng/ ngày. Thị trường khách Hồi Giáo sẵn sàng chi trả cao hơn 20-30% so với khách thông thường. Họ thường sử dụng dịch vụ lưu trú cao cấp từ 3 sao trở lên và thường đi theo nhóm gia đình hoặc theo đoàn từ 10 - 30 khách.
Đặc biệt, đây là dòng khách trung thành, nếu đáp ứng được nhu cầu, họ sẽ trở lại nhiều lần và ở dài ngày”, bà Tạ Việt Hằng chia sẻ về đặc điểm của du khách Hồi giáo và nhấn mạnh, đây là dòng khách tiềm năng, phù hợp với hướng phát triển du lịch bền vững mà Công viên địa chất Lạng Sơn hướng đến.
“Công viên địa chất Lạng Sơn là điểm đến mới, hoạt động kinh doanh du lịch mới phát triển, chưa đi theo lối mòn. Nếu định hướng dành một phần để phục vụ khách Hồi giáo thì chúng tôi có thể tư vấn định hướng để xây dựng cơ sở vật chất, dịch vụ, sản phẩm phù hợp; tổ chức hội thảo, đào tạo để người làm du lịch hiểu thị trường cũng như cách thức phục vụ khách Hồi giáo”, bà Tạ Việt Hằng khẳng định.
Rút kinh nghiệm từ những địa phương đi trước
“Hiến kế” cho Công viên địa chất Lạng Sơn, ông Đặng Xuân Phi, Giám đốc Công ty Chan Tourist cho rằng, các cơ quan quản lý du lịch Lạng Sơn cần tăng tính kết nối giữa với các địa phương lân cận như Hà Giang, Cao Bằng để thu hút khách đến các địa phương này cũng ghé qua Lạng Sơn. Việc đào tạo, huấn luyện, nâng cao năng lực cho đội ngũ hướng dẫn viên, những người trực tiếp phục vụ du khách ở các tuyến điểm rất quan trọng. Đồng thời, cần truyền thông điểm đến trên nhiều kênh khác nhau, nhất là các Kols để tạo tác động lớn. Đặc biệt, người làm du lịch cần có sự kết nối, liên kết chặt chẽ với nhau để tạo sức mạnh theo cấp số nhân.
Điểm đến Trạm dừng nghỉ Hoa hồi. (Ảnh: Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn cung cấp). |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Thanh, Giám đốc Công ty Global Travel nhận định, Lạng Sơn hiện có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như giao thông thuận lợi, thời gian di chuyển ngắn, các điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc... Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của Lạng Sơn còn bị mờ nhạt trên truyền thông, do đó cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quá bá điểm đến.
“Nếu muốn các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Lạng Sơn thì các đơn vị lưu trú cần cam kết cho lữ hành mức giá tốt hơn so với khách đi lẻ. Bên cạnh đó, khi truyền thông, cần nhấn mạnh tác dụng, nét độc đáo, điểm đặc biệt, những giá trị vượt trội của các sản phẩm du lịch cũng như đặc sản địa phương”, bà Nguyễn Thị Hồng Thanh nói.
Đánh giá việc Lạng Sơn đang đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn là hướng đi đúng và nếu được công nhận, sẽ là đòn bẩy thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Lạng Sơn nói riêng, Việt Nam nói chung; ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội cho rằng, sự chuẩn bị này là bước đệm để du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn sớm bứt phá.
Tuy nhiên, ông Trương Quốc Hùng thẳng thắn cho biết, doanh nghiệp du lịch vẫn chưa thực sự hiểu rõ về những điểm đến của Công viên địa chất Lạng Sơn nên thời gian tới cần tổ chức các đoàn famtrip, để các doanh nghiệp khảo sát, đánh giá cũng như hiểu về sản phẩm du lịch để xây dựng tour đưa khách đến Lạng Sơn.
“Đặc biệt, Công viên địa chất Lạng Sơn phát triển sau nên có cơ hội học tập các địa phương đi trước. Do đó, cần đánh giá để đưa ra được hướng đi bền vững nhất, đặc biệt là phải giữ gìn, bảo tồn kiến trúc, cảnh quan, văn hóa truyền thống bản địa. Để làm du lịch thành công thì không phải ngày một, ngày hai mà phải kiên trì tổ chức các sự kiện để truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm tăng sức hấp dẫn của điểm đến”, ông Trương Quốc Hùng nhấn mạnh.
Là người đồng hành với du lịch tỉnh Lạng Sơn trong nhiều năm, TS. Nguyễn Xuân Hải, Công ty TNHH Viện Phát triển Du lịch bền vững Việt Nam cho biết, Lạng Sơn rất giàu tiềm năng phát triển du lịch. Du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn được ví như “nàng công chúa đang ngủ mê”, cần sự sáng tạo của cộng đồng người làm du lịch, để tạo ra những sản phẩm vượt trội trong tương lai.
“Du lịch địa chất Lạng Sơn đi sau nên có lợi thế rút được kinh nghiệm, những sai lầm, hạn chế của các địa phương đi trước để có những dịch vụ xuất sắc, đậm đà bản sắc Lạng Sơn như đàn tính, lợn quay, vịt quay, hoa hồi…”, TS. Nguyễn Xuân Hải nhận định và mong muốn sau Lễ ký kết, sẽ có chuyến famtrip mời doanh nghiệp lữ hành các nước đến trải nghiệm 4 tuyến du lịch mới tại Công viên địa chất Lạng Sơn. Đồng thời, góp ý để nâng cấp chất lượng dịch vụ du lịch, trước khi có đoàn của UNESCO đến đánh giá xem xét công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, bà Phạm Thị Hương khẳng định, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ tiếp thu để xây dựng chương trình truyền thông, quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch Công viên địa chất độc đáo, phù hợp với xu thế và thị hiếu của khách du lịch. Đồng thời, tiếp tục kết nối, hiện thực hóa một số sáng kiến để hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn.