Công việc đang chờ các thành viên Chính phủ mới

0:00 / 0:00
0:00
Tuần này là tuần đầu tiên, Chính phủ vừa được kiện toàn chính thức bắt tay vào việc. Rất nhiều công việc, kỳ vọng đang đợi Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ.
Các doanh nghiệp rất mong muốn Chính phủ cải cách triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Đức Thanh

Các doanh nghiệp rất mong muốn Chính phủ cải cách triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Đức Thanh

Từ các ý kiến doanh nghiệp đang ở trên bàn

Chỉ một ngày sau khi tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã gửi báo cáo 18 trang kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục là các phản ánh, kiến nghị từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp - việc Ban IV được giao làm theo Công văn 6683/VPCP-ĐMDN của Văn phòng Chính phủ từ tháng 8/2020, sau những tác động tiêu cực của Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng lần này, Ban IV đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước đối thoại với các nhóm doanh nghiệp, hiệp hội liên quan nhằm giải quyết thấu đáo, triệt để vấn đề cho doanh nghiệp.

“Một số phản ánh kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Chính phủ từ cuối năm 2020 nhưng quá trình xử lý còn chậm, hoặc các biện pháp, giải pháp, hồi đáp do các bộ, địa phương đưa ra chưa tháo gỡ được bất cập, vướng mắc cốt lõi của doanh nghiệp”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng Ban IV viết trong công văn gửi Thủ tướng.

Cụ thể, những vướng mắc trong triển khai hệ thống thuế (xuất nhập khẩu) điện tử và quy trình xét duyệt hoàn thuế xuất, nhập khẩu tiếp tục nóng. Ví dụ, liên quan đến quy trình điện tử cho hoàn thuế, hủy tờ khai thuế trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp than phiền một số chi cục hải quan tại Hà Nội, Phú Thọ… vẫn duy trì xử lý hồ sơ giấy, chưa chuyển hẳn sang điện tử thông qua hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử (Hệ thống MGH) mà Tổng cục Hải quan đưa vào vận hành từ tháng 11/2020. Hệ quả là, doanh nghiệp vẫn mất rất nhiều thời gian để chuyển chứng từ gốc, nộp hồ sơ và chờ kết quả bản giấy.

Liên quan đến quy trình xét duyệt hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu, có doanh nghiệp phản ánh, khi xét duyệt hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan đang áp dụng điều kiện “người nộp thuế” không đúng với hướng dẫn của Bộ Tài chính, khiến quá trình hoàn thuế của doanh nghiệp bị khó khăn…

Ngoài ra, các vướng mắc trong hướng dẫn chính sách thuế, hồ sơ thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất cũng được Ban IV phản ánh là do hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa thống nhất, nhất là khi trong 3 năm có tới 3 thông tư thay thế nhau.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Bình đã nhắm tới tân Bộ trưởng Bộ Tài chính khi viết: “Doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan rà soát các văn bản pháp luật để áp dụng thực hiện đúng các quy định phù hợp với từng thời điểm có hiệu lực nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp. Trong tình huống có nhiều sửa đổi, điều chỉnh trên một vấn đề ở khoảng thời gian ngắn, đề nghị có những tài liệu làm rõ các thay đổi để hướng dẫn công khai, minh bạch cho doanh nghiệp”.

Tất nhiên, không chỉ tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận được kiến nghị khi mà cho đến giờ, những chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ và việc thực hiện luôn có khoảng cách không nhỏ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, đang làm thủ tục đầu tư dự án trong lĩnh vực nông nghiệp ở Vĩnh Phúc - dự án mà ông tin sẽ thay đổi toàn bộ môi trường sống của người dân vùng này khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, mọi sản phẩm từ chăn nuôi bò đều sẽ được tái sử dụng, tạo nên giá trị mới.

Tuy nhiên, dự án liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, từ xây dựng, môi trường, đất đai, quy hoạch, nên doanh nghiệp phải đi lại nhiều, xin ý kiến của nhiều cơ quan.

“Giá như khi doanh nghiệp cần giải quyết một số quy trình, thủ tục có tính liên ngành, các bộ, ngành có sự chia sẻ, gắn kết thông tin chủ động hoặc có kho dữ liệu dùng chung, thì doanh nghiệp sẽ đỡ vất vả, đỡ chi phí rất nhiều. Việc này tốt cho cả quản lý nhà nước, chứ không chỉ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Thắng phân tích và gửi gắm kiến nghị đến Chính phủ.

Đây cũng là thực tế mà Ban IV phải có khuyến nghị riêng. Ngay cả khi một số bộ, ngành, địa phương có thành lập các mô hình liên ngành giao một sở, ngành nào đó làm đầu mối chính, nhưng theo các ý kiến từ doanh nghiệp gửi tới Ban IV, họ vẫn được chỉ dẫn để làm việc, tương tác trực tiếp với nhiều cơ quan liên quan, thay vì chỉ tương tác với cơ quan đầu mối.

Chưa kể một số cách thức xử sự hiện nay của các cơ quan quản lý chưa nhận được sự đồng tình từ phía doanh nghiệp. Dễ gặp nhất là thực trạng khi doanh nghiệp hỏi về quy định pháp lý nào đó, cơ quan quản lý nhà nước thường gửi cho doanh nghiệp toàn văn các văn bản pháp lý liên quan để doanh nghiệp tự nghiên cứu, hoặc đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau trong nhiều lần làm việc, thay vì hướng dẫn một lần, trọng tâm vào vấn đề cụ thể để giúp doanh nghiệp nắm bắt.

“Thực sự, doanh nghiệp khởi nghiệp, nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh rất khó khăn trong việc tìm hiểu, tuân thủ các quy định của pháp luật”, Ban IV viết.

Đến những lo ngại của giới chuyên gia kinh tế

PGS-TS Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) khá thận trọng khi nhận đề nghị gửi gắm thông điệp tới Chính phủ vừa được kiện toàn.

“Lúc này, tôi muốn gửi thông điệp tới Chính phủ là nếu không ổn định kinh tế vĩ mô, dẫn đến bong bóng bất động sản, rủi ro lạm phát thì các nguồn lực sẽ không thể phân bổ tốt, cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn sẽ đều không đạt được”, ông Thành nói.

Ông Thành và cộng sự cũng vừa hoàn thành Báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2021 và khuyến nghị chính sách, trong đó đã nhắc tới nhận định “mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% là rất khó khăn”.

Cơ sở của nhận định này không mới, đến từ những điểm còn bất ổn của các động lực tăng trưởng kinh tế năm nay. Đó là sự phụ thuộc vào các cú sốc từ bên ngoài, vào sự bất định của kinh tế thế giới của khu vực FDI và hoạt động xuất - nhập khẩu; đó là dư địa tài khóa không còn nhiều nên khả năng mở rộng mạnh mẽ đầu tư công để tăng trưởng sẽ khó kéo dài; đó là dư địa tiền tệ về tài khóa đang rất hạn hẹp, nên cần vô cùng cẩn trọng.

“Chúng tôi đề xuất trong ngắn hạn chính sách tiền tệ phải thận trọng, phải hướng dòng tiền vào khu vực sản xuất; nên giảm lãi suất tiền vay hơn là giảm lãi suất huy động. Trong ngắn hạn, việc hỗ trợ vượt qua Covid-19 nên tập trung qua chính sách tài khóa, nhưng chi tiêu trọng tâm, tiết kiệm và hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là người mất việc làm, tiếp đó là hỗ trợ chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đề nghị Chính phủ thu hẹp đối tượng thụ hưởng chính sách giảm các loại phí, lệ phí…”, ông Thành nói.

Nhóm nghiên cứu cũng có khuyến nghị tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đề nghị cập nhật, tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch để điều chuyển cho các dự án quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương và các dự án khẩn cấp khác.

“Đầu tư công rất cần được cải thiện nhanh, vì đây vẫn là nguồn lực bù đắp cho sự giảm sút của đầu tư khu vực tư nhân có thể vẫn giảm trong năm 2021”, ông Thành chia sẻ quan điểm.

Ở một góc nhìn khác, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhắc đến những con số tăng trưởng năm 2020 của các địa phương, nhất là các trung tâm kinh tế.

“Đầu tàu kinh tế đóng góp rất ít cho tăng trưởng GDP cả nước năm 2020. Con số 2,91% tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 chủ yếu nhờ các địa phương nhỏ năng động, các tỉnh phát triển nhờ nông nghiệp. Chúng ta vui vì sự hậu thuẫn của nông nghiệp, nhưng cũng phải đặt vấn đề rằng, cấu trúc của nền kinh tế đang có vấn đề, cần phải có những thay đổi, vì nền kinh tế sẽ phải đứng lên mạnh mẽ từ sức mạnh của các trung tâm kinh tế”, ông Thiên chia sẻ quan điểm.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2020, top 4 tỉnh có GRDP tăng trưởng cao nhất cả nước thuộc về Bắc Giang (13,02%), Hải Phòng (11,2%), Quảng Ninh (10,05%) và Ninh Thuận (9,58%). Trong số 5 tỉnh có mức tăng trưởng âm, có Khánh Hòa (-10,52%), Đà Nẵng (- 9,77%), Bà Rịa - Vũng Tàu (- 4,91%). Hà Nội có mức tăng 3,98%, TP.HCM chỉ được 1,39%, Cần Thơ tăng 1,02%.

Tất nhiên, tốc độ tăng trưởng thấp của các trung tâm kinh tế có nguyên do từ Covid-19, nhưng theo ông Thiên, cấu trúc kinh tế không phù hợp đang lộ rõ, cần có đánh giá để xem xét lại phân bổ nguồn lực.

“Trong bối cảnh nguồn lực đang hạn hẹp, cần có thể chế, cơ chế thúc đẩy các đầu tàu kinh tế, kết nối các trung tâm kinh tế với nhau, từ đó tạo động lực kéo các địa phương khác”, ông Thiên nói và cho rằng, lúc này, nên ưu tiên phát triển hạ tầng cho vùng Đông Nam bộ, cơ chế phân bổ ngân sách phù hợp để các cực tăng trưởng có nguồn lực nhanh chóng hồi phục.

Báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2021 đã nêu ra 3 điểm lưu ý chính gửi tới Chính phủ.

Một là, rủi ro thể chế làm chậm tiến độ kích thích tiêu dùng và đầu tư.

Hai là, rủi ro tham nhũng và sợ trách nhiệm làm giảm hiệu lực và hiệu quả của gói kích thích kinh tế.

Ba là, rủi ro chệch mục tiêu, không hướng đúng và trúng vào đối tượng được hỗ trợ.

Tin bài liên quan