Được biết, bị đơn là bà Cao Thị Thục Khanh, cán bộ của Công ty Vật tư nông nghiệp Hà Nội từ năm 1985 và căn nhà tranh chấp có địa chỉ tại số 3, ngõ 115 đường Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Gian nhà này trước đây là nhà kho của Công ty Vật tư nông nghiệp Hà Nội được xây dựng từ trước năm 1980, diện tích 265 m2. Sau này, do một số cán bộ, công nhân viên gặp khó khăn về chỗ ở nên Công ty đã cho sử dụng làm nhà ở. Năm 1980, nhà số 3 được cấp cho ông Lưu Quý Hùng, công nhân Trạm vận tải của Công ty. Năm 1987, do hoàn cảnh riêng, ông Hùng chuyển đi nơi khác và có đơn đồng ý cho gia đình bà Khanh về ở tại gian nhà này. Năm 1988, bà Cao Thị Thục Khanh có đơn xin nhà ở và được Công ty chấp thuận giao cho bà tạm thời sử dụng.
Năm 2005, Công ty Vật tư nông nghiệp Hà Nội được cổ phần hóa, chuyển thành CTCP Vật tư nông nghiệp Hà Nội. Năm 2007, ông Lưu Quý Hùng và bà Khanh có sự tranh chấp về quyền sử dụng gian nhà số 3 nói trên.
Đến năm 2011, CTCP Vật tư nông nghiệp Hà Nội khởi kiện đề nghị tòa án buộc gia đình bà Khanh trao trả gian nhà. Tòa án đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty, buộc gia đình bà Khanh trả lại gian nhà số 3.
Tuy nhiên, tháng 9/2013, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định kháng nghị theo hướng hủy án, giao lại cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.
Theo Quyết định kháng nghị, khi cổ phần hóa, Công ty Vật tư nông nghiệp Hà Nội không đưa diện tích 265 m2 nhà ở của cán bộ, công nhân viên vào tài sản thuộc sở hữu doanh nghiệp sau cổ phần. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty cũng không có phần diện tích này.
CTCP Vật tư nông nghiệp Hà Nội đã nhiều lần đòi nhà và sau đó có ban hành Quyết định số 221, buộc bà Khanh phải bàn giao, trả lại căn nhà. Khi giải quyết khiếu nại của bà Khanh, UBND TP. Hà Nội đã có công văn xác định, khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, Công ty Vật tư nông nghiệp Hà Nội không đưa ngôi nhà này vào cổ phần hóa và chưa bàn giao qua cơ quan quản lý của Thành phố, việc thu hồi nhà đất của bà Khanh là không phù hợp với pháp luật.
Với nhận định nhà và đất đang tranh chấp không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của CTCP Vật tư nông nghiệp Hà Nội nên Công ty không có quyền khởi kiện, Quyết định kháng nghị cho rằng, quyết định của bản án là “không có căn cứ, không phù hợp với pháp luật”.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, quá trình cổ phần hóa Công ty Vật tư nông nghiệp Hà Nội đã được xem xét: chính Công ty đề nghị khu đất tại 115 Giáp Bát, tổng diện tích quản lý và sử dụng là 1.469 m2, Công ty sẽ tiếp tục quản lý, sử dụng 1.204 m2 để làm trụ sở, văn phòng, còn diện tích 256 m2 nhà ở của cán bộ, công nhân viên thì đề nghị UBND TP. Hà Nội chuyển giao cho địa phương quản lý.
Khi xác định giá trị doanh nghiệp, phần diện tích 256 m2 này được đưa vào diện tài sản không cần dùng chờ thanh lý, không đưa vào giá trị doanh nghiệp. Quyết định chuyển DNNN thành CTCP Vật tư nông nghiệp Hà Nội xác định, Công ty sử dụng 2 thửa đất tại 115 Giáp Bát với tổng diện tích 1.220 m2.
Khi bàn giao doanh nghiệp, không có diện tích 256 m2 nêu trên và CTCP Vật tư nông nghiệp Hà Nội có trách nhiệm bàn giao nhà đất trên diện tích này cho Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Như vậy, sau khi tiến hành cổ phần hóa, diện tích nhà ở 256 m2 không còn là tài sản của Công ty và việc này hoàn toàn phù hợp với các quy định về cổ phần hóa: “Riêng đối với nhà ở của cán bộ, công nhân viên, kể cả nhà ở được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước thì chuyển giao cho cơ quan nhà đất của địa phương quản lý hoặc bán cho người đang sử dụng theo quy định hiện hành” (Khoản 3, Điều 9 Nghị định 64/2002/NĐ-CP).
Quá trình giải quyết vụ án, tòa án hai cấp nhận định, gian nhà số 3 vẫn thuộc quyền sở hữu của CTCP Vật tư nông nghiệp Hà Nội và nằm trong danh mục “tài sản không cần dùng” để chấp nhận yêu cầu khởi kiện là không có căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật.
Từ đó, Quyết định giám đốc thẩm đã hủy án, giao hồ sơ vụ án cho tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định của pháp luật.