Với 26,5 tỷ USD, các công ty niêm yết tại Thượng Hải và Thẩm Quyến đã đánh dấu mức kỷ lục mua lại tài sản nước ngoài năm 2015

Với 26,5 tỷ USD, các công ty niêm yết tại Thượng Hải và Thẩm Quyến đã đánh dấu mức kỷ lục mua lại tài sản nước ngoài năm 2015

Công ty Trung Quốc “vào mùa” mua sắm tài sản nước ngoài

(ĐTCK) Các công ty niêm yết tại Trung Quốc đang bước vào “mùa mua sắm” tài sản nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay, khi tận dụng được ưu thế của việc cổ phiếu trong nước được định giá cao hơn nhiều lần so với các tài sản nước ngoài.

Trong tuần trước, Haier Group Corp, công ty đa quốc gia chuyên về các thiết bị điện máy tiêu dùng và gia dụng, có trụ sở đặt tại Sơn Đông, Trung Quốc công bố sẽ mua lại mảng thiết bị gia dụng của General Electric Co với giá 5,4 tỷ USD. Đây được xem là thương vụ mua lại lớn nhất của một công ty điện tử Trung Quốc ở nước ngoài. Giao dịch dự kiến hoàn tất vào giữa năm 2016.

Với thương vụ đình đám trên của Haier, giá trị các thương vụ mua sắm tài sản nước ngoài của các công ty niêm yết tại Trung Quốc đã lên mức 8,6 tỷ USD, tính từ đầu năm 2016 tới nay. Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi vào thị trường giá xuống (bear market) không làm chậm lại khối lượng và số lượng các thương vụ mua lại tài sản nước ngoài, khi giá trị các thương vụ này tới hiện tại đã bằng 1/3 mức kỷ lục năm 2015, theo số liệu của Bloomberg.

"Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc được giao dịch ở mức giá cao gấp nhiều lần, nhưng thường mang lại lợi nhuận thấp hơn. Đã tới thời điểm họ hưởng lợi từ việc được định giá cao bằng cách mua một vài thứ phù hợp".

Việc chứng khoán được định giá cao đã tạo không gian để các công ty Trung Quốc nâng cao giá trị và mua nhiều thêm các tài sản mang lại lợi nhuận tại nước ngoài. Các công ty Trung Quốc đang được định giá tại nội địa cao gấp 3 lần so với tại thị trường Mỹ. Số lượng các công ty niêm yết mở rộng hoạt động mua bán, thâu tóm tài sản nước ngoài ngày càng lớn, giúp quốc gia này có thể ghi nhận thêm một năm “đi chợ” sôi động.

“Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc được giao dịch ở mức giá cao gấp nhiều lần, nhưng thường mang lại lợi nhuận thấp hơn. Đã tới thời điểm họ hưởng lợi từ việc được định giá cao bằng cách mua một vài thứ phù hợp. Trên thực tế, các công ty này đang hành động như một nhà đầu tư tài chính”, Samson Lo, trưởng bộ phận mua bán và sáp nhập châu Á của UBS Group cho biết.

Các công ty niêm yết tại Thượng Hải và Thẩm Quyến đã chi tổng cộng 25,6 tỷ USD để mua lại tài sản nước ngoài và đầu tư trong năm 2015, tăng 48% so với năm 2014, theo số liệu của Bloomberg. Không chỉ các “tay chơi” lớn, các công ty nhỏ hơn cũng theo đuổi “trào lưu” mua sắm này và thường sử dụng cổ phiếu của mình để tiến hành hoạt động mua bán.

BTG Hotels, niêm yết tại sàn Thượng Hải trong tháng trước công bố thỏa thuận trị giá 1,8 tỷ USD mua lại hệ thống nhà trọ của Homeinns Hotel Group. BTG Hotels đã có được sự hậu thuẫn từ chính quyền thành phố Bắc Kinh và hiện đang chờ sự chấp thuận của Chính phủ Trung Quốc đối với đề nghị được hỗ trợ 3,9 tỷ Nhân dân tệ (593 triệu USD) cho thỏa thuận này.

Bao gồm cả nợ, cổ phiếu của Homeinns đang có P/E 22,6 lần, trong khi P/E của cổ phiếu BTG Hotels là 45,4 lần, theo số liệu của Bloomberg. Sau khi công bố thông tin vào ngày 24/12/2015, cổ phiếu BTG Hotels đã tăng hơn 75% trong 6 phiên giao dịch tiếp đó.

Cổ phiếu tại thị trường nội địa Trung Quốc được giao dịch ở mức trung bình hơn 54,2 lần lợi nhuận, nhiều gấp 3 lần tại Mỹ và nhiều hơn 5 lần tại Hong Kong, cũng theo số liệu của Bloomberg.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của các công ty Trung Quốc thường tăng mạnh sau các thông tin mua lại tài sản nước ngoài. Chẳng hạn như cổ phiếu của Shandong Delisi Food, nhà sản xuất thịt đông lạnh tại phía đông Trung Quốc, đã tăng “kịch trần” 10% trong 5 phiên giao dịch liên tiếp sau 2 thông tin mua tài sản vào tháng 10 và tháng 11/2015.

“Dường như các công ty niêm yết Trung Quốc đang đi mua sắm trên toàn cầu và tìm kiếm các tài sản tốt để thực hiện thỏa thuận. Điều này tương tự với việc các công ty Nhật Bản đã từng thực hiện vào những năm 1980, khi nền kinh tế Nhật Bản nhận được trợ lực từ công nghiệp hóa và đồng yên mạnh”, Ken Chen, chiến lược gia tại KGI Securities Co cho biết.

Một trong những lý do khác khiến các công ty Trung Quốc thích mua tài sản tại nước ngoài, đó là việc thị trường bất động sản và chứng khoán nội địa thường có nhiều biến động mạnh, khiến việc đầu tư trở nên dè dặt hơn. Trong khi Chính phủ Trung Quốc lại khuyến khích các tập đoàn đầu tư ra bên ngoài nhằm hỗ trợ việc chuyển đổi Nhân dân tệ sang ngoại tệ khác, Chen cho biết.

Tin bài liên quan