“Bóng ma” nợ xấu bủa vây
Trước “cơn bão” Covid, các thành phần trong nền kinh tế đều gặp khó khăn, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng với đặc thù tệp khách hàng là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương…, là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc SHB Finance chia sẻ, đối tượng khách hàng chính của các công ty tài chính tiêu dùng thuộc nhóm dưới chuẩn của ngân hàng, dễ bị tổn thương trong giai đoạn dịch bệnh. Vì vậy, có thể nói hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính đang mang lại lợi ích cho khách hàng và xã hội.
Thực tế, những năm qua, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân chiếm từ 60-70% tổng tăng trưởng kinh tế, thế nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động tài chính tiêu dùng khi trong thời gian giãn cách, nhiều khách hàng là F1, F0 hoặc trong khu vực phong tỏa không thể trực tiếp giao dịch với các công ty tài chính, đồng thời đa phần các điểm giới thiệu dịch vụ đều phải duy trì số lượng tối thiểu cán bộ nhân viên và/hoặc tạm thời đóng cửa, dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng...
“Cũng do tác động bởi dịch bệnh, tín dụng của nhiều công ty tài chính không tăng, thậm chí suy giảm, hiệu quả giải ngân cũng giảm sút và đặc biệt là khiến công tác thu hồi công nợ của các công ty tài chính tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao”, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng nhận định, đồng thời cho biết thêm, nếu như vào cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của nhóm doanh nghiệp này chỉ khoảng 6%, thì đến hết tháng 9/2021 đã tăng lên 9% và sẽ còn tăng cao hơn vào cuối năm nay.
Nếu như vào cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng chỉ khoảng 6%, thì đến hết tháng 9/2021 đã tăng lên 9% và sẽ còn tăng cao hơn vào cuối năm nay.
Còn bà Tường Vy thông tin: “Thực tế, chúng tôi cũng như các doanh nghiệp khác, loại hình hoạt động kinh doanh là đi vay từ các tổ chức và cho vay lại cá nhân nên việc thu hồi nợ là rất quan trọng. Trong suốt gần 2 năm dịch bệnh Covid-19 diễn ra, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành lần lượt các Thông tư 01, 03, 14 nhằm hỗ trợ công ty tài chính thực hiện cơ cấu nợ, giữ nhóm nợ để giảm nợ xấu và giảm trích lập dự phòng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp nhất thời vì nợ xấu thực tế vẫn còn đó. Các công ty tài chính vẫn chưa thể thu được các khoản tiền đã giải ngân, doanh thu vẫn bị ảnh hưởng lớn”.
Được biết, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 là 2,67%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Vì thế, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ an sinh cho hơn 17 triệu người và chắc chắn trong nhóm này phần lớn là khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng.
“Như vậy, các công ty tài chính tiêu dùng càng khó khăn hơn khi thu nợ. Ngay thời điểm này, xét ở góc độ đạo đức thì chúng tôi cũng không thể gây áp lực quá nặng nề với khách hàng để yêu cầu trả nợ, đặc biệt đối với nhóm đã không còn thu nhập. Do vậy, chúng tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét giãn thời gian và tỷ lệ trích lập bổ sung dự phòng rủi ro, vì ngay trong năm khó khăn 2021 mà chúng tôi phải trích lập 30% dự phòng rủi ro cho nhóm cơ cấu nợ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của doanh nghiệp”, bà Tường Vy kiến nghị.
Trần tăng trưởng tín dụng “trói chân”
Liên quan tới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Đình Đức, Phó tổng giám đốc HD Saison cho biết, trên thế giới, tỷ lệ nợ xấu trung bình tại các công ty tài chính tiêu dùng vào khoảng 8-10% và tại Việt Nam hiện ở mức 9% bởi chủ yếu cho vay nhóm khách hàng yếu thế, thu nhập không ổn định. Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ tiêu nợ xấu với các công ty tài chính tiêu dùng tương tự như nhóm ngân hàng thương mại là dưới 3%, điều này khiến việc cấp room tín dụng cho các công ty tài chính tiêu dùng bị hạn chế, gây ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng dư nợ.
“Với đặc thù ngành nghề và chức năng hoạt động riêng biệt, không thể đánh đồng tỷ lệ nợ xấu tại công ty tài chính với ngân hàng. Do đó, cơ quan quản lý cần có hành lang riêng cho nhóm công ty tài chính”, ông Đức nêu quan điểm.
Trong diễn biến có liên quan, bà Tường Vy cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng mức tăng trưởng tín dụng 12%/năm đã gây khó khăn cho các công ty tài chính tiêu dùng khi xây dựng kế hoạch kinh doanh trong năm, đặc biệt là các công ty mới với dư nợ còn thấp nên dễ dàng bị “đụng trần” tín dụng ngay trong quý IV này.
Theo bà Tường Vy, việc bị hạn chế tăng trưởng tín dụng trong khi nợ cũ chưa thu hồi được để tái cho vay sẽ dẫn đến tổng dư nợ tăng và nếu không thể cho vay mới thì công ty tài chính buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro để giảm nợ xấu xuống mức bình quân chung. Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chưa kể các công ty tài chính vẫn phải duy trì đầu tư nâng cao năng lực thẩm định, quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ số hóa vào quy trình cho vay nhằm giảm tỷ lệ mất vốn và tối ưu cho vay không tiếp xúc trong giai đoạn dịch bệnh.
“Việc áp dụng trần tăng trưởng tín dụng vô hình trung đã trói chân các công ty tài chính trong việc duy trì hoạt động, cân bằng các chỉ số tài chính để có thể giữ ổn định và tăng tốc sau giãn cách. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và có kế hoạch mới cho nhóm công ty tài chính tăng trưởng tín dụng cao hơn vào năm 2022”, bà Tường Vy kiến nghị.
Trong mối quan hệ giữa nợ xấu và tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Đình Đức, đại diện HD Saison cho rằng, cơ quan quản lý cần có thước đo cả về định tính và định lượng, chứ không chỉ đơn thuần xét tăng trưởng tín dụng trên tiêu chuẩn định tính như hiện nay, bởi trong hoạt động tài chính tiêu dùng, đối tượng khách hàng là tầng lớp yếu thế, thu nhập thấp và không ổn định. Do vậy, việc xét tỷ lệ tăng trưởng để giao chỉ tiêu là điều bất cập đối với các công ty tài chính.
Còn đại diện MCredit đưa ra đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên công bố kế hoạch tăng trưởng tín dụng sớm hơn để các công ty tài chính xây dựng kế hoạch kinh doanh có mức phân bổ hợp lý cho năm tiếp theo (thông thường vào tháng 11 và 12 hàng năm sẽ bắt tay xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm sau).
Đồng quan điểm, ông Phạm Hải Âu, Thành viên HĐQT VietCredit cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc duyệt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các công ty tài chính vì tính trọng yếu của tài chính tiêu dùng.
“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng theo phương pháp tuyệt đối, thay vì tỷ lệ phần trăm như hiện nay. Bên cạnh đó, khi đưa ra các chính sách, cơ quan quản lý nên đánh giá các công ty tài chính tiêu dùng với những đặc thù, phương thức hoạt động riêng… nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động”, đại diện VietCredit kiến nghị.