Một vài ngân hàng đã thành công trong việc mua lại công ty tài chính và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Bà có bình luận gì về vấn đề này?
Với xu hướng dịch chuyển “ồ ạt” sang đầu tư chuyên sâu vào tín dụng tiêu dùng, các ngân hàng đã bước đầu tạo lập các “cây cầu trung chuyển” nhằm tiếp cận khối lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ mà trước đây họ chưa từng chạm đến. Với các ngân hàng, việc thành lập các CTTC tiêu dùng là một trong những bước tiến để hoàn thiện bức tranh tài chính còn “dang dở”.
Đây là lý do mà gần đây, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ mua lại thành công giữa ngân hàng và CTTC như HDBank mua lại SGFV, VPBank mua lại Công ty TNHH MTV Than - Khoáng sản Việt Nam và đổi tên thành Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng với thương hiệu là FE Credit hiện nay, Techcombank mua lại CTTC cổ phần Hóa chất, Maritime Bank mua lại CTTC cổ phần Dệt may Việt Nam và một số thương vụ khác đang trong quá trình đàm phán.
Bên cạnh các ngân hàng trong nước, một số công ty tín dụng tiêu dùng nước ngoài cũng đang tích cực tìm cách tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua việc tìm kiếm các đối tác tiềm năng trong nước hoặc trực tiếp nộp hồ sơ xin thành lập CTTC tiêu dùng.
Như vậy, có thể thấy, tiềm năng tín dụng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam là rất lớn, có thể mang lại lợi nhuận đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, gia nhập lĩnh vực tín dụng tiêu dùng tại một thị trường mới nổi như Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn.
Bà Nguyễn Thùy Dương
Theo bà, sự tham gia của các CTTC nội có tác động thế nào tới thị trường này?
Tín dụng tiêu dùng hiện có sự tham gia của hầu hết các NHTM và một số CTTC tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường có sự phân chia tương đối rõ ràng. NHTM thường tiếp cận với các khách hàng có nguồn thu nhập tương đối cao và ổn định (thông thường từ 6 - 7 triệu đồng/tháng) hoặc các khách hàng có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, khách hàng mà các CTTC tiêu dùng chủ yếu nhắm đến lại là nhóm có thu thập thấp hơn, thường sẽ khó khăn hơn khi tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.
Ngoài ra, trong tổng số 17 CTTC hiện nay, chỉ có một số đã thực sự tham gia vào thị trường tín dụng tiêu dùng, ví dụ như: Home Credit, FE Credit, HD Saison, Prudential Finance, Toyota Finance, Jaccs và Mirae Asset Finance. Các CTTC còn lại đều là công ty tài chính tổng hợp, ngoại trừ một số công ty vừa được tái cơ cấu, chuyển sang tài chính tiêu dùng thông qua các thương vụ mua lại từ các ngân hàng như đã đề cập ở trên. Cũng có thể thấy rằng, ngoại trừ FE Credit, các CTTC cho vay tiêu dùng đang hoạt động thành công trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng hiện nay đều có 100% vốn nước ngoài hoặc đã từng là công ty 100% vốn nước ngoài (như trường hợp HD Saison).
Như vậy, có thể thấy, sự tham gia của các CTTC nội sẽ giúp giảm đi tính “đơn sắc” của thị trường tín dụng tiêu dùng, cũng như giúp lấp đầy khoảng trống của thị trường đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, để có thể đạt được điều này, các CTTC cho vay tiêu dùng nội cần tận dụng tối đa cơ hội và tiềm năng của thị trường, cũng như ứng phó hiệu quả với các thách thức sẽ gặp phải.
Đâu là triển vọng đối với các CTTC tiêu dùng nội?
Cơ cấu dân số trẻ, phần lớn thuộc đối tượng khách hàng chiến lược của cho vay tiêu dùng, song song với đó là mức thu nhập của người dân tăng.
Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Intage Vietnam (2015), người Việt đã thay đổi thói quen tiêu dùng, sẵn sàng chi tiền thay vì tiết kiệm như trước đây, cho thấy thị trường tiêu dùng có sự tăng trưởng.
Đặc biệt, đối với nhóm khách hàng có thu nhập thấp, không đáp ứng tiêu chí vay ngân hàng, chỉ có một số CTTC đang thực sự cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng.
Trong tương quan với khối lượng lớn khách hàng tiềm năng, có thể thấy, đây là một mảnh đất “màu mỡ” cho các CTTC nội khai thác. Và chắc hẳn đây cũng là lý do mà các CTTC nội đang có những dịch chuyển cần thiết để tiếp cận với thị trường này.
Thách thức đối với các CTTC tiêu dùng nội là gì, theo bà?
Những thách thức mà các CTTC tiêu dùng nội phải đối mặt là: cạnh tranh với các công ty đã có vị thế vững chắc trên thị trường; yêu cầu chặt chẽ về quản trị rủi ro; phải có nền tảng công nghệ thông tin tốt; đòi hỏi mức độ bao phủ rộng lớn của hệ thống phân phối.
Cụ thể hơn, một trong những đặc trưng của các CTTC tiêu dùng là hình thức phân phối tại các điểm giới thiệu dịch vụ (POS), trong khi đó, các NHTM chủ yếu phân phối qua các kênh truyền thống như chi nhánh/phòng giao dịch, internet, hay mobile banking. Điển hình cho việc xây dựng mạng lưới phân phối bao phủ rộng khắp là Home Credit với 5.000 POS, FE Credit với 4.380 POS,… đây cũng chính là một trong những yếu tố quyết định thành công của các công ty này.
Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố khiến khách hàng hài lòng chính là hồ sơ đơn giản, gọn nhẹ và thời gian xử lý khoản vay nhanh chóng. Đây cũng là thách thức lớn mà các CTTC tiêu dùng nội gặp phải.
Để có thể ứng phó được, cần thiết phải có sự hỗ trợ rất lớn từ nền tảng công nghệ, do đó, đòi hỏi các công ty phải có phương án đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ ngay từ bước đầu đặt chân vào thị trường tín dụng cho vay tiêu dùng.
Có thể nói rằng, với một lượng rất lớn khách hàng có thu nhập thấp, không phải là đối tượng cho vay của ngân hàng, đồng thời lại phải đảm bảo thời gian giải ngân nhanh chóng, kịp thời thì tất cả các CTTC cho vay tiêu dùng đều có thể gặp rủi ro cao.
Hơn nữa, đặc trưng của cho vay tiêu dùng là các khoản vay có quy mô nhỏ, thời hạn ngắn. Do đó, để vừa đảm bảo lợi nhuận vừa đảm bảo an toàn tín dụng, cách thức quản trị rủi ro của các CTTC cho vay tiêu dùng sẽ có nhiều khác biệt so với ngân hàng.
3 vấn đề các công ty tài chính nội cần lưu ý 1. Tận dụng tối đa tiềm lực của ngân hàng mẹ Hầu hết CTTC tiêu dùng nội hiện tại đều trực thuộc các NHTM và các công ty này đều có thể phát triển tín dụng tiêu dùng dựa trên một số nền tảng từ ngân hàng mẹ. Cụ thể, các công ty có thể tiếp cận với các công ty/tổ chức hiện đang là khách hàng của ngân hàng mẹ để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình. Ngoài ra, các công ty có thể sử dụng dữ liệu của ngân hàng để tiếp cận các khách hàng đến ngân hàng vay nhưng không đủ tiêu chuẩn để giải ngân. Đây có thể là những cơ sở ban đầu để các công ty tài chính triển khai hoạt động, thay vì khởi động từ con số 0. 2. Xây dựng các sản phẩm mới mà thị trường còn nhiều tiềm năng Hiện nay, sản phẩm chủ đạo của CTTC cho vay tiêu dùng là cho vay tiền mặt, cho vay mua xe máy, cho vay mua đồ gia dụng, kim khí, điện máy, ô tô... Trong đó, Home Credit và FE Credit theo đuổi chiến lược chỉ tập trung vào một vài nhóm sản phẩm cụ thể, như cho vay xe máy, cho vay điện thoại, điện máy và hiện 2 công ty này đang nắm thị phần lớn về việc cung cấp các sản phẩm này. Như vậy, danh mục sản phẩm tín dụng tiêu dùng trên thị trường còn khá khiêm tốn, đây là một cơ hội cho các CTTC nội thâm nhập thị trường “màu mỡ” này. Việc tiếp cận thị trường thông qua các sản phẩm mới cũng có thể xem như là chiến lược “tránh đối đầu” của các công ty nội, mở ra nhiều cơ hội để nâng cao thị phần. 3. Hợp tác với đối tác chiến lược nước ngoài để được tiếp cận với nền tảng công nghệ hiện đại và phương thức quản trị rủi ro tiên tiến Nền tảng công nghệ thông tin và phương thức quản trị rủi ro, như đã đề cập ở trên, là các yếu tố quyết định đến sự phát triển vững mạnh của một công ty tài chính tiêu dùng. Để có thể cạnh tranh được với các công ty tài chính hiện hữu như Home Credit, FE Credit, HD Saison hay Prudential, một trong những giải pháp hiệu quả là tìm kiếm và hợp tác với các đối tác chiến lược nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm và vượt trội trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. |