Công ty tài chính nói gì về Thông tư 43?

Công ty tài chính nói gì về Thông tư 43?

(ĐTCK) Với sự ra đời của Thông tư 43/2016/TT-NHNN, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) hiện đã có một khung pháp lý riêng, tuy nhiên, trong việc triển khai vẫn còn những vướng mắc nhất định. Báo Đầu tư Chứng khoán xin gửi tới bạn đọc chia sẻ của một số CTTC xung quanh Thông tư này. 

“Thông tư 43 tạo môi trường phát triển lành mạnh cho thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam”

 Bà Phạm Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Pháp chế và tuân thủ FE CREDIT

Thông tư 43 là một cải thiện rõ nét và hợp lý, phù hợp với nhu cầu thực tế, giúp người vay tiêu dùng có thể linh hoạt sử dụng khoản tiền vay phục vụ nhiều mục đích nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Hạn mức cho vay tiêu dùng tối đa 100 triệu đồng phù hợp với các loại hình sản phẩm mà FE CREDIT đang có, cũng như phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay.

Hệ thống của FE CREDIT thể hiện lãi suất theo năm, nên đối với quy định này, FE CREDIT không phải sửa lại hệ thống quá nhiều. Tuy nhiên, Hợp đồng tín dụng cần được bổ sung quy định mới, trong khi vẫn phải được đăng ký tại Cục Quản lý cạnh tranh. Do đó, thời hạn áp dụng chính thức từ ngày 15/3/2017 là khá ngắn để thực hiện loạt hợp đồng này.

Cụ thể, FE CREDIT gặp phải những khó khăn sau: cách tính lãi quá hạn theo quy định mới khác biệt khá nhiều so với các quy định của FE CREDIT hiện nay, nên chúng tôi cần nhiều thời gian để chỉnh sửa Hợp đồng tín dụng, cũng như cập nhật hệ thống. Ngoài ra, các Hợp đồng tín dụng đã ký vẫn phải áp dụng cách tính hiện hành, không thay đổi theo quy định mới, nên FE CREDIT phải duy trì 2 hệ thống tính toán khác nhau.

Việc áp dụng đồng thời 3 mức lãi suất (lãi suất trên nợ gốc trong khoảng thời gian trong hạn, lãi suất trên dư nợ gốc quá hạn và lãi suất cho phần lãi chậm trả) trong trường hợp khách hàng phát sinh nợ quá hạn sẽ gây khó khăn cho nhân viên tư vấn khi giải thích số tiền khách hàng phải đóng thực tế hàng tháng, trong khi kiến thức tín dụng của đa số đối tượng khách hàng của CTTC thường không cao.

Bên cạnh đó, các CTTC luôn gửi lịch trả nợ với số tiền đóng hàng tháng và thông báo số tiền phạt chậm trả cố định để tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng thanh toán, nhưng với cách tính lãi mới này, khách hàng cần phải liên lạc với CTTC tại thời điểm thanh toán để xác định số tiền chính xác cần đóng và được giải thích cách tính chi tiết số tiền trên, dẫn đến khối lượng công việc tư vấn của CTTC sẽ tăng cao, đồng thời gây phiền hà thêm cho khách hàng.

Nhìn chung, Thông tư 43 sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng, cũng như tạo môi trường phát triển lành mạnh cho thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. FE CREDIT luôn chủ trương bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, nhưng phải hài hòa với lợi ích của khách hàng. Do đó, chúng tôi không thực hiện việc nhắc nợ ngoài khung thời gian do Thông tư 43 quy định. Quy định này đối với FE CREDIT là phù hợp.

“Cần xem lại thời gian áp dụng các Thông tư mới cho phù hợp với thực tế”

Bà Vương Thủy Tiên, Thành viên Hội đồng thành viên Home Credit Việt Nam 

Các quy định mới về phương pháp tính lãi tiền vay quy đổi lãi suất theo năm (một năm là 365 ngày, thay cho 360 ngày như trước đây), quy định cụ thể về việc tính lãi chậm trả, hoặc lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn…, sẽ buộc chúng tôi phải điều chỉnh hệ thống cho phù hợp. Điều này sẽ có tác động lớn đến hoạt động của CTTC như Home Credit Việt Nam, vì số lượng khách hàng của chúng tôi rất lớn và mọi việc đều phải thực hiện tự động.

Chúng tôi sẽ phải thay đổi hệ thống về cách tính lãi, lãi phạt quá hạn, sửa đổi hợp đồng và đăng ký hợp đồng mẫu với Bộ Công thương. Thời gian đăng ký hợp đồng mẫu với Bộ Công thương ít nhất là 20 ngày làm việc mới được phê duyệt (trong trường hợp hợp đồng mẫu đầy đủ và hợp lệ). E ngại lớn nhất khi 2 Thông tư mới (Thông tư 39/2016/TT-NHNN và Thông tư 43) chính thức có hiệu lực từ ngày 15/3/2017 là chúng tôi có thể sẽ không đủ thời gian để chỉnh sửa hệ thống cho phù hợp với những quy định mới.

Ngoài ra, điều chúng tôi đang băn khoăn là với cách tính lãi quá hạn theo quy định mới sẽ gây khó khăn hơn trong việc giải thích rõ ràng về mức phạt khách hàng phải nộp, bởi mức lãi này thay đổi theo ngày và sẽ khá khó hiểu đối với phần lớn khách hàng của các CTTC. Do vậy, việc thông tin rõ ràng là khá “vất vả”.

Từ khi các dự thảo văn bản pháp luật ra đời, chúng tôi đã chủ động chuẩn bị sửa đổi hệ thống sao cho phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên, với gần 2 triệu khách hàng trên cả nước, việc sửa đổi hệ thống cần nhiều thời gian, trong khi nội dung chính thức của 2 Thông tư chỉ mới được phổ biến nên thời gian chuẩn bị khá gấp. Đây là thách thức lớn nhất, tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang cố gắng tối đa để thực hiện đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi mong muốn cơ quan này xem xét lại thời gian áp dụng các Thông tư mới cho phù hợp với thực tế hoạt động, cũng như những khó khăn mà các CTTC có thể gặp phải khi tuân thủ các quy định mới.

“Quy định về việc nhắc nợ là một thay đổi tích cực"

 Ông Lê Bảo Ngọc, Giám đốc Pháp chế và Tuân thủ Công ty Tài chính Prudential 

Thông tư 43/2016/TT-NHNN ban hành ngày 30/12/2016 sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động của các công ty tài chính, bởi đây là lần đầu tiên các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng có quy định pháp lý đặc thù điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình.

Trước khi Thông tư được ban hành, NHNN đã có sự khảo sát, đánh giá về tình hình hoạt động, đặc thù, điều kiện và thị trường tài chính tín dụng tiêu dùng, cũng có nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị về việc không nên quy định cụ thể hạn mức cho vay tiêu dùng mà nên để các công ty tài chính tự chủ quyết định dựa trên đặc thù kinh doanh của mình. Tuy nhiên, theo chúng tôi, sau khi Thông tư chính thức có hiệu lực và áp dụng trên thực tế, hạn mức cho vay tiêu dùng theo quy định trên sẽ cần được tái xem xét, đánh giá, căn cứ trên tình hình tài chính và sự biến động của thị trường để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Công ty Tài chính Prudential luôn tuân thủ, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật và đứng ở góc độ lợi ích của khách hàng, nhằm cung cấp những sản phẩm tốt nhất, hài hoà nhất. Những năm qua, Prudential Finance đã thực hiện tính lãi tiền vay theo lãi suất theo năm, do đó, quy định mới này của Thông tư sẽ không tác động lớn đến hệ thống của Công ty. Tuy nhiên, với những quy định khác như thời điểm chuyển nợ quá hạn, thay đổi cơ cấu thu hồi nợ sau khi chuyển nợ quá hạn, lãi trên lãi quá hạn…sẽ là thách thức mới đối với Công ty Tài chính Prudential nói riêng và các công ty tài chính khác nói chung.

Công ty đang có lượng khách hàng hơn 350.000, các quy trình đều thực hiện tự động thông qua các hệ thống đang có. Với các quy định mới đó, Công ty phải thay đổi hệ thống lõi về cách tính lãi, lãi phạt quá hạn, sửa đổi hợp đồng cho vay và phải đăng ký hợp đồng mẫu theo quy định hiện hành. Thời hạn 15/3/2017 rất sít sao, sẽ là thách thức và khó khăn rất lớn để các công ty tài chính đáp ứng các quy định mới.

Bên cạnh đó, Công ty Tài chính Prudential có những băn khoăn trong quy định mới về cách tính lãi quá hạn sẽ gây khó khăn trong việc giải thích về mức phạt khách hàng sẽ phải nộp do mức lãi này thay đổi theo ngày và sẽ khá là khó hiểu cho khách hàng khi phần lớn khách hàng của các công ty tài chính chưa có kiến thức sâu rộng về vay tiêu dùng. Nhìn ở khía cạnh khác, đây chính là yêu cầu đặt ra cho các công ty tài chính trong công tác tăng cường truyền thông, hướng dẫn khách hàng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán sau khi khoản vay hình thành.

Đối với quy định về việc nhắc nợ, Công ty Tài chính Prudential nhận định, đây là một thay đổi rất tích cực, hướng đến việc bảo vệ quyền lợi khách hàng, tăng lòng tin của khách hàng khi chọn sản phẩm và dịch vụ của Công ty. Quy định này cũng giúp tăng sự minh bạch, hợp lý trong hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính.

Tin bài liên quan