Công ty tài chính: Mong cho an toàn, toan thành tiêu diệt

Công ty tài chính: Mong cho an toàn, toan thành tiêu diệt

(ĐTCK) Vì sự sống còn, nhiều công ty tài chính đã làm lơ quy định giới hạn cấp tín dụng.

Là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các công ty tài chính có phạm vi hoạt động tương đồng, được thực hiện một số hoạt động ngân hàng, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Với tư cách là một loại hình tổ chức tín dụng, trong hoạt động của mình, các công ty tài chính phải tuân thủ các hạn chế, tỷ lệ, giới hạn nghiệp vụ. Một trong những hạn chế, giới hạn đó đang bị coi là chiếc “thòng lọng” hữu hình, có thể bức tử hàng loạt công ty tài chính.

Công ty tài chính: Mong cho an toàn, toan thành tiêu diệt ảnh 1

 Điều 127, Luật Các tổ chức tín dụng đặt ra cho công ty tài chính những “nhiệm vụ bất khả thi”

 

Quy định áp dụng chung, bất hợp lý riêng

Theo Khoản 1, Điều 127, Luật Các tổ chức tín dụng thì các tổ chức tín dụng (trong đó có công ty tài chính) sẽ bị hạn chế cấp tín dụng cho những đối tượng như: tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại chính tổ chức tín dụng, thanh tra viên đang thanh tra tại tổ chức tín dụng, kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, các cổ đông lớn, cổ đông sáng lập và các DN mà pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn sở hữu trên 10% vốn điều lệ của DN đó....

Sự hạn chế cấp tín dụng thể hiện ở chỗ, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm, hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời hạn và đặc biệt, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với tất cả các đối tượng này không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

Với việc đề ra các quy định trên, các nhà làm luật muốn ngăn ngừa khả năng gây rủi ro tín dụng cao từ những yếu tố phi khách quan, bị lạm dụng đối với hoạt động cấp tín dụng. Quy định trên xét về lý thuyết, có thể phù hợp với các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, tổ chức tín dụng khác, nhưng hoàn toàn không phù hợp với công ty tài chính. Bởi lẽ, trên thực tế, tuyệt đại đa số công ty tài chính đều do các tập đoàn thành lập và trực thuộc các tập đoàn, với nhiệm vụ chủ đạo là điều phối nguồn vốn kinh doanh, đáp ứng các nhu cầu tài chính, giải pháp tín dụng giữa các công ty thành viên. Nhiệm vụ này cũng phù hợp với chủ trương thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế của Nhà nước.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào Điều 127, Luật Các tổ chức tín dụng nêu trên, thì có lẽ các công ty tài chính đang nắm trọng trách thực hiện những nhiệm vụ bất khả thi. Một mặt phải thực hiện nhiệm vụ kinh tế, đóng góp cho sự phát triển của tập đoàn hoặc của ngành, mặt khác, phải thực thi pháp luật về lĩnh vực ngân hàng với tỷ lệ giới hạn đầu tư tài trợ tín dụng quá chặt. Để tồn tại, các công ty thường phải dựa vào nguồn vốn huy động từ các thành viên trong tập đoàn và để phát triển, có lợi nhuận, các công ty buộc phải tìm cách “vượt rào”, sử dụng nguồn vốn huy động đó mà cấp tín dụng cũng chủ yếu cho chính các thành viên trong tập đoàn.

Nếu chỉ được phép cấp tổng mức dư nợ tín dụng đối với tất cả các DN thành viên trong tập đoàn không vượt quá 5% vốn tự có, thì có nghĩa các công ty tài chính sẽ đi vào chỗ tự sụp đổ. Đưa ra nhận định này là bởi cấp tín dụng chỉ là vế thứ hai của bài toán kinh doanh đối với các công ty tài chính, nếu không cấp tín dụng cho các DN thành viên, thì các công ty tài chính cũng khó có thể huy động vốn được từ các DN này. Đây chính là vế thứ nhất của bài toán khó giải, vì với năng lực nhỏ gọn của mình, chuyện cạnh tranh huy động vốn và cho vay DN ngoài ngành, ngoài tập đoàn với các ngân hàng thương mại đồ sộ là điều khó tưởng đối với các công ty tài chính.

 

Cần một chủ trương, chính sách riêng để áp dụng cho ngoại lệ chung

Về nguyên tắc chấp pháp, đối với các công ty tài chính, quy định về hạn chế, giới hạn cấp tín dụng trong phạm vi 5% vốn tự có đối với các đối tượng hạn chế cho vay, gồm cả các DN thành viên tập đoàn dù bất hợp lý, nhưng đã có hiệu lực thực thi. Tuy nhiên, trước nguyên lý sống còn trong kinh doanh, có thể nhiều công ty tài chính làm ngơ trong việc thực hiện quy định này. Nhưng một điều mà bất cứ ai làm trong ngành tài chính, ngân hàng cũng nên nhận thức, đó là rủi ro trách nhiệm cá nhân bên cạnh rủi ro đối với tổ chức kinh doanh mà mình đang làm việc. Có thể sự vượt giới hạn nho nhỏ không dẫn đến thiệt hại gì cho công ty và người thực hiện, nhưng chỉ cần gặp một khoản nợ xấu, không có khả năng thu hồi vốn xảy ra và sai phạm bị suy xét, thì nhẹ là trách nhiệm hành chính, nặng là trách nhiệm hình sự đối với nhân sự của công ty tài chính. Thậm chí, cho vay quá giới hạn quy định còn là một trong các sai phạm được nêu rõ trong Điều 179 của Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm  quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Pháp luật kinh doanh luôn cần thay đổi theo thời gian để phù hợp với thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của nền kinh tế. Đã đến lúc các nhà lập pháp cần nhìn nhận và cho ra đời một đạo luật riêng dành cho các công ty tài chính. Việc ghép chung sự điều chỉnh pháp lý đối với các loại hình tổ chức tín dụng khác nhau trong cùng một văn bản luật, thực chất đã nảy sinh tình trạng có những quy định áp dụng chung, nhưng bất hợp lý riêng như nêu trên. Có lẽ, đây là điều ngoài mong đợi của những nhà soạn luật, bởi ngoài giới hạn bất cập này, trong Luật Tổ chức tín dụng, các giới hạn tín dụng khác áp dụng đối với các công ty tài chính luôn được rộng mở hơn so với các ngân hàng thương mại.

Trong khi chờ đợi sự chỉnh lý của pháp luật, để tránh rủi ro cho các công ty tài chính và những người lao động tại công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cho phép tạm thời giãn thời hạn áp dụng hạn chế, giới hạn này đối với các công ty tài chính. Xét cho cùng, đây làm một bất cập pháp lý và việc giải quyết các quy định pháp luật có bất cập theo phương thức như vậy trong ngành ngân hàng cũng không phải là chưa từng có tiền lệ.