Công ty tài chính được phát hành thẻ, liệu có rủi ro?

Công ty tài chính được phát hành thẻ, liệu có rủi ro?

(ĐTCK) Từ ngày 25/6/2014, các công ty tài chính sẽ được phép phát hành thẻ tín dụng như ngân hàng thương mại, nếu có lãi liên tục trong ít nhất hai năm liền kề...

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/6/2014 quy định về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính. Điểm nhấn tại Nghị định là các công ty tài chính sẽ được phép phát hành thẻ tín dụng như ngân hàng thương mại nếu đáp ứng điều kiện tại Nghị định.

Tăng vị thế cho công ty tài chính

Theo đó, các công ty tài chính sẽ được phép phát hành thẻ tín dụng như ngân hàng thương mại, nếu có lãi liên tục trong ít nhất hai năm liền kề; tuân thủ các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro liên tục trong tất cả các quý của năm liền kề trước năm được đề nghị bổ sung hoạt động. Ngoài ra, các công ty tài chính cũng phải đáp ứng các điều kiện khác như tỷ lệ nợ xấu dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước và không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong thời gian một năm liền kề, tính từ thời điểm đề nghị bổ sung hoạt động trở về trước...

Trao đổi với ĐTCK, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, Nghị định 39 là một bước tiến quan trọng trong việc siết chặt lại hoạt động của công ty tài chính, phân cách rạch ròi hoạt động của công ty tài chính với ngân hàng, đó là không được mở tài khoản, huy động vốn từ dân chúng, mà chỉ có thể phát hành trái phiếu hoặc những khoản vay dài hạn tại các nguồn khác. 

Cũng theo TS. Hiếu, việc cho phép công ty tài chính được phát hành thẻ tín dụng như ngân hàng thương mại đã làm tăng vị thế của công ty tài chính Việt Nam, để hệ thống tài chính có nhiều sự cạnh tranh hơn. Điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế, khi các công ty tài chính không thuộc về ngân hàng, mà phần lớn thuộc về tập đoàn, công ty sản xuất hàng tiêu dùng như các hãng ô tô, xe máy…

“Việc phát hành thẻ tín dụng cũng là một hình thức cho vay tiêu dùng và ở đây là nhận sản phẩm trước rồi trả tiền sau. Như vậy, đối với người dân, đã có nhiều hơn một sự lựa chọn để vay tiêu dùng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Còn Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhận định, việc phát hành thẻ tín dụng ở các công ty tài chính tiêu dùng là điều rất tốt, hạn chế được phần nào việc chi tiêu bằng tiền mặt trong xã hội.

Theo Nghị định 39/2014, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng 

… nhưng tiềm ẩn rủi ro nếu không kiểm soát chặt

Tuy vậy, cũng có không ít ý kiến quan ngại về rủi ro cho cả hệ thống khi các công ty tài chính được phát hành thẻ tín dụng, vì bản chất đây cũng một là hoạt động tín dụng.

Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO, các quan ngại trên không phải không có lý, bởi những bất ổn tại một số công ty tài chính thời gian qua hầu hết đều bắt nguồn từ việc các công ty này hoạt động như một ngân hàng.

Ví dụ, đối với hoạt động đầu vào, do không được phép huy động vốn dưới hình thức mở tài khoản cho các cá nhân, công ty tài chính đã mở dịch vụ quản lý cơ hội kinh doanh. Cụ thể, công ty tài chính nhận giữ hộ tiền của khách hàng, khi có cơ hội sẽ tiến hành cho vay nhân danh cá nhân đó. Thực chất, đây là biến tướng của hoạt động huy động vốn.

Hay đối với hoạt động đầu ra, thay vì cho vay đúng mục đích dựa trên nghiệp vụ cho vay, nghiệp vụ cấp tín dụng thì các công ty tài chính đã có tiền lệ gửi tiền để mua cổ phiếu, trái phiếu… Đây là hoạt động cho vay biến tướng, có quy mô lớn, “lệch” ra ngoài mục tiêu hoạt động của công ty tài chính (là phục vụ nội ngành, cho vay tiêu dùng).

“Hoạt động đầu ra và đầu vào của công ty tài chính vượt ra ngoài giới hạn sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề”, luật sư Hải nhấn mạnh.

Luật sư Hải cũng cho biết, theo thông lệ quốc tế, các công ty tài chính không chỉ được phát hành thẻ tín dụng mà còn phát hành cả thẻ ghi nợ. Mặc dù công ty tài chính được thực hiện một số hoạt động ngân hàng, nhưng bị hạn chế về dịch vụ thanh toán, nên đi kèm với đó là hạn chế trong hoạt động huy động vốn ngắn hạn, không xác định thời hạn và cả huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng.

Bên cạnh đó, một tổ chức tài chính phải tuân thủ các hạn mức cho vay, giới hạn cấp tín dụng chung, mà với nguồn vốn không thể như ngân hàng, thì dù hoạt động dưới hình thức nào Nhà nước cũng hoàn toàn có thể kiểm soát được.

“Thực hiện đúng quy định thì rủi ro nếu có xảy ra cũng chỉ hữu hạn, bởi quy mô các công ty tài chính nhỏ, hình thức hoạt động vốn có thể kiểm soát được. Nhưng nếu hoạt động vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật, vay vốn trên thị trường liên ngân hàng như một ngân hàng rồi rút vốn từ thị trường này… thì sẽ làm ảnh hưởng đến các ngân hàng khác”, luật sư Hải nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, song lãnh đạo nhiều NHTM lại có thêm lo lắng khác. Đó là với tiềm lực hiện nay của đa phần công ty tài chính, việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ dịch vụ thẻ khá khó khăn. Rất có thể các công ty tài chính sẽ tận dụng hệ thống ATM hay POS của các ngân hàng và điều đó có thể dẫn đến hệ lụy là các công ty tài chính có thể phát hành thẻ ồ ạt, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

“Vì thế, NHNN cần kiểm soát chặt các công ty tài chính về số lượng thẻ được phát hành cũng như hạn mức tín dụng”, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng đề nghị.

Tin bài liên quan