Mô hình công ty tài chính được biết đến khá lâu trên thế giới, nhưng có lẽ xuất hiện hơi muộn tại Việt Nam, thưa ông?
Đúng vậy. Thực tế ngành này ở Việt Nam là tương đối mới và những công ty triển khai mô hình này ở Việt Nam ban đầu là các công ty nước ngoài như Prudential Finance năm 2007 và cùng thời gian này, một ngân hàng Pháp cũng thành lập công ty tài chính ở Việt Nam tên là Công ty TNHH MTV Tài chính Việt Société Générale (SGVF).
Sang năm 2008 xuất hiện thêm Công ty tài chính PPF Việt Nam, một công ty tài chính vốn 100% nước ngoài sở hữu bởi Tập đoàn PPF có hội sở tại Cộng hòa Séc, rất nổi tiếng trên toàn cầu, đặc biệt tại Séc và Nga.
Hiện nay, Prudential Finance vẫn tiếp tục hoạt động và khá thành công, nhưng quy mô không bằng một số công ty khác bởi đã có những gương mặt mới có tiềm lực mạnh xuất hiện. Còn đối với SGVF Finance, đến năm 2012 do ngân hàng của Pháp gặp khó khăn nên đã bán SGVF Finance cho HDBank và hiện nay công ty này đổi tên là HD Finance.
PPF Việt Nam là công ty tài chính 100% vốn nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam hoạt động dưới thương hiệu “Home Credit”. Ngay sau PPF Việt Nam, có Ngân hàng VPBank và CF Credit là công ty tài chính công ty con của VPBank rất thành công trong 3 năm qua trong việc giành lấy thị phần từ tay các công ty tài chính nước ngoài.
Như vậy, trong một thời gian dài, số công ty tài chính đếm trên đầu ngón tay. Nhưng hiện tại, hoạt động này trở nên rầm rộ. Tại sao vậy, thưa ông?
Lý do rất đơn giản là nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của người dân ngày càng tăng. Bạn có để ý, mỗi khi đi mua sắm điện máy tại các cửa hàng Nguyễn Kim, Chợ Lớn, mua xe mô tô tại các cửa hàng Honda, Yamaha, thường có mấy quầy của các công ty tài chính ở đó để trình bày về những dịch vụ cho vay tại chỗ; hay khi đi mua điện thoại di động cũng vậy, các công ty tài chính có thể cho bạn vay ngay tại chỗ đến 70% giá trị mặt hàng…
Điều này có nghĩa, các công ty bán lẻ Việt Nam đã bắt đầu biết sử dụng sự hỗ trợ tài chính thông qua những công ty tài chính. Và quan trọng hơn, sự phối hợp này mang lại kết quả rất khả quan như 10% doanh số của Thế giới Di động có được nhờ sự hỗ trợ của công ty tài chính.
Đồng thời, tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Á là Tập đoàn Aon của Nhật Bản mới đây gia nhập thị trường Việt Nam, với sự hỗ trợ của công ty thương mại trong Tập đoàn là ACS với mô hình của một công ty tài chính tín dụng hoạt động rất mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ toàn quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều người đã biết và quan tâm hơn đến các công ty tài chính.
Theo ông, việc các công ty tài chính hoạt động hiệu quả có phải là lý do chính khiến các ngân hàng muốn thành lập công ty tài chính riêng?
Đúng vậy. Các ngân hàng Việt Nam thấy công ty tài chính nước ngoài hoạt động thành công và lợi nhuận cao, trong khi tiềm năng trên thị trường còn rất lớn. Cụ thể, đa số người Việt Nam thu nhập chưa cao, cần vay để tiêu dùng, mua xe gắn máy đi làm hoặc mua điện máy cho gia đình sử dụng, nhưng không đủ khả năng để vay ngân hàng do những tiêu chí quá cao. Đó là cơ hội để các công ty tài chính phát triển.
Nếu nói về rủi ro trong lĩnh vực này, ông sẽ nói gì?
Hoạt động trong lĩnh vực này rủi ro rất cao. Thứ nhất, rủi ro cao nhất là rủi ro không đánh giá được mức tín dụng của người xin vay, vì thông thường họ vay không có thế chấp gì cả.
Một số khách vay sẽ không có khả năng trả tiền gốc vay cùng lãi vay cho công ty tài chính, gây khó khăn cho công ty tài chính trong việc đòi nợ từ khách vay.
Thứ hai, khi người vay biết có thể đi vay được tại các công ty tài chính với thủ tục dễ dàng thì rủi ro lừa đảo khá cao. Nghĩa là nhiều người lừa đảo ngân hàng và công ty tài chính qua việc làm hồ sơ giả để đi vay xong rồi không trả nợ. Bên cạnh đó, một số nhân viên của các công ty bán lẻ cũng có thể lừa đảo công ty tài chính để lấy tiền bỏ túi.
Nhiều công ty tài chính rất tự tin khi triển khai hoạt động tại Việt Nam. Một trong các lý do là họ có một hệ thống quản trị, vận hành đã được triển khai hiệu quả tại các thị trường khác. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc áp dụng nguyên một mô hình đã thành công tại quốc gia khác chưa chắc đã thành công tại Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi cho rằng áp dụng được, vì các công ty tài chính đã áp dụng thành công ở nhiều nước có điều kiện tương tự như Việt Nam. Tất nhiên, mỗi nước có những đặc điểm riêng, nhưng cũng có cách riêng để áp dụng tại từng nước. Chẳng hạn, ở Việt Nam, công ty tài chính để thành công trong hoạt động cho vay và hoạt động đòi nợ phải làm việc rất nhiều với công an thì mới quản lý được rủi ro tín dụng.
Các quốc gia khác đã triển khai việc xếp hạng tín dụng cho mỗi người dân trong khi Việt Nam vẫn chưa có. Theo ông, việc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc cho vay tiêu dùng?
Trên thực tế, với sự phát triển của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) do NHNN sáng lập, nhiều công ty tài chính đã sử dụng được phần mềm báo cáo thông tin tín dụng của khách vay cá nhân trên toàn quốc của CIC để xây dựng một hệ thống riêng để đánh giá chất lượng tín dụng của mỗi khách làm đơn xin vay.
Trước khi cho vay, công ty phải đánh giá lại, mà nếu không đánh giá được thì họ sẽ lấy lãi suất cao hơn. Chẳng hạn, nếu bạn muốn hồ sơ vay được chấp thuận trong vòng 15 phút thì lãi suất cao hơn. Nếu chờ thêm 3 ngày và nộp đủ hồ sơ cho công ty tài chính như hợp đồng lao động, xác nhận địa chỉ nhà và copy bảng sao kê ngân hàng và có dấu của ngân hàng, thì lãi suất sẽ thấp hơn.
Tại sao lại như vậy? Vì khi đó, công ty tài chính đã biết địa chỉ, biết khả năng tài chính của khách hàng hay biết khách hàng có tài khoản ngân hàng…, thì khi đó, chất lượng tín dụng của khách hàng đó cao hơn người khác nên lãi suất thấp hơn.
Theo ông, đến một lúc nào đó, liệu tín dụng của các công ty tài chính có lấn át tín dụng ngân hàng?
Tôi cho rằng không. Phân khúc khách hàng của công ty tài chính và khách hàng của ngân hàng là khác nhau. Những khách hàng của ngân hàng thường là phân khúc cao cấp hơn, còn của tài chính tín dụng là phân khúc thấp hơn, song phân khúc này lại chiếm số đông trong dân chúng Việt Nam.
Cơ quan quản lý cần có thêm những chế tài gì để quản lý cũng như hỗ trợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính phát triển?
Hiện nay, NHNN đã đưa ra một dự thảo Thông tư để quản lý các công ty tài chính và bắt buộc các ngân hàng phải thành lập công ty tài chính để cho vay tiêu dùng. Bởi như trên tôi đã nói, khách hàng vay tiêu dùng thường có thu nhập thấp, thiếu tài sản thế chấp nên phù hợp với mô hình công ty tài chính hơn và rủi ro cũng lớn. Do vậy, NHNN cần phải quản lý các công ty tài chính để hạn chế tối đa rủi ro.
Bên cạnh đó, mặc dù nhiều công ty tài chính cũng phải đi vay để mà cho vay, song lại không được huy động vốn dưới hình thức tiền gửi tiết kiệm của dân. Do đó, công ty tài chính phải đi vay của ngân hàng hoặc vay trên thị trường trái phiếu để mà cho vay. Đó cũng chính là lý do cần có sự quản lý khác.
Nếu đưa ra những khuyến nghị để các công ty tài chính hoạt động hiệu quả hơn, ông sẽ nói điều gì?
NHNN nên để cho những công ty tài chính tự xác định lãi suất theo cung - cầu thị trường, theo mức rủi ro của mỗi hồ sơ xin vay và theo quy luật cạnh tranh, chứ không nên bắt theo những mức hạn chế do cơ quan này ban hành.
Thay vào đó, NHNN cần tập trung vào việc liên tục phát triển, quản lý và nâng cao hệ thống ngân hàng, các công ty tài chính và Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam để đảm bảo sự an toàn của toàn hệ thống tài chính tín dụng vĩ mô trên toàn quốc.