“Ông tây” cũng lỗ
Đến thời điểm này, chưa nhiều công ty quản lý quỹ công bố báo cáo tài chính quý III/2015. Tuy nhiên, trong số công ty quản lý đã công bố báo cáo tài chính quý III, không chỉ các công ty nhỏ, ít tên tuổi, mà ngay cả các công ty quản lý quỹ có vốn ngoại, được đánh giá là dày dạn kinh nghiệm trên “đấu trường” quốc tế cũng chịu chung số phận thua lỗ như: Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investments, Công ty Quản lý quỹ Manulife Việt Nam (Manulifeam)...
Cụ thể, trong quý III/2015, Eastspring Investments chỉ đạt 9,4 tỷ đồng doanh thu, lỗ hơn 6,4 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm nay lỗ hơn 23,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Manulifeam ghi nhận khoản lỗ lũy kế khá lớn, hơn 41,7 tỷ đồng. Mức lỗ này đã vượt quá 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu. Hoạt động đầu tư của Manulifeam hiện khá nhạt nhòa. Ngoài việc đang nỗ lực hoàn tất giải thể quỹ đóng - Quỹ Đầu tư tăng trưởng Manulife (MAFPF1), quỹ mở - Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife (MAFEQI) do Manulifeam đang quản lý có kết quả hoạt động chẳng mấy ấn tượng sau gần 1 năm đưa vào giao dịch. MAFEQI có giá trị tài sản ròng (NAV) tại ngày định giá 27/10 là 9.344 đồng/chứng chỉ quỹ, tăng nhẹ 0,29% so với kỳ định giá trước. Hiện nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 47,2% chứng chỉ quỹ MAFEQI.
Một tên tuổi có vốn ngoại khác là Công ty Quản lý quỹ Ace Life (Ace Life FMC), tuy báo lãi trong quý III vừa qua nhưng số lãi không đáng kể và Công ty vẫn còn lỗ lũy kế. Tại thời điểm bắt đầu đi vào hoạt động giữa năm ngoái, Ace Life FMC là công ty quản lý quỹ đầu tiên của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Ace Life tại thị trường châu Á. ACE Life FMC thực hiện dịch vụ quản lý đầu tư cho các Quỹ bảo hiểm nhân thọ của ACE Life Việt Nam kể từ khi được thành lập...
Như mục tiêu được công ty mẹ định vị, Ace Life FMC ra đời nhằm tối ưu hóa lợi suất đầu tư trong những sản phẩm bảo hiểm hiện nay, đồng thời phấn đấu trở thành một công ty quản lý quỹ hàng đầu tại Việt Nam, nhưng với kết quả kinh doanh kém ấn tượng trong quý III vừa qua, xem ra Ace Life FMC còn nhiều việc phải làm và cần có thêm thời gian để có thể hiện thực hóa tham vọng lớn đặt ra.
Nhạt nhòa khối nội
Trong khi nhiều “ông lớn”, dày dạn kinh nghiệm trong ngành quỹ trên thị trường quốc tế không tránh được thua lỗ, thì việc khối công ty quản lý quỹ nội địa quy mô nhỏ vốn lâu nay hoạt động èo uột tiếp tục nếm mùi thua lỗ cũng không có gì là bất ngờ.
Trong số các công ty quản lý quỹ nội địa đã công bố báo cáo tài chính quý III/2015 đến thời điểm này, ngoại trừ Công ty Quản lý quỹ Vietinbank báo lãi khá ấn tượng: hơn 40,1 tỷ đồng, thì nhiều công ty quản lý quỹ đều báo lỗ như: Hùng Việt, Phương Đông, An Phát…
Tại thời điểm quý III/2015, Công ty Quản lý quỹ Phương Đông và Công ty Quản lý quỹ An Phát không kiếm nổi một đồng doanh thu trong các mảng nghiệp vụ kinh doanh lõi, mà chỉ ghi nhận khoản doanh thu tài chính bèo bọt. Đáng ngại hơn, với khoản lỗ lũy kế 14,2 tỷ đồng tại thời điểm quý III/2015, Công ty Quản lý quỹ An Phát ghi nhận mức lỗ vượt quá 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu. Với lượng vốn ít ỏi còn lại là 10,7 tỷ đồng, cùng với khả năng đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ kém, cửa “sống” cho Công ty đang hẹp dần?
Với kết quả kinh doanh thua lỗ triền miên như vậy, rất có thể tới đây, nhiều công ty quản lý quỹ sẽ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) “tuýt còi” và đưa vào “danh sách đen”. Trong tổng số hơn 40 công ty quản lý quỹ đang tồn tại, thì theo cập nhật trên website của UBCK hiện có nhiều công ty bị tạm ngừng hoạt động như: Công ty TNHH Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán Đông Á, CTCP Quản lý quỹ AIC, CTCP Quản lý quỹ Hữu Nghị. CTCP Quản lý quỹ Thái Bình Dương đang bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt…