Khó sống bằng nghề chính
Trong số 41 công ty QLQ đang hoạt động, ngoại trừ 6 trường hợp mới đi vào hoạt động, đang bị tạm ngừng hoạt động, thì cập nhật đến ngày 4/9 cho thấy, có 35 công ty công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2014 trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong số đó, 20 công ty hoạt động có lãi, 15 công ty thua lỗ.
Điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh của các công ty QLQ là doanh thu, lợi nhuận thu được từ ngành nghề chính (QLQ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư) chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn nhiều so với các khoản thu từ cổ tức, trái tức, lãi tiền gửi ngân hàng, kinh doanh chứng khoán mà nghề “tay trái” mang lại.
Với 20,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đạt được trong 6 tháng đầu năm, CTCP Quản lý quỹ MB (MB Capital) được ghi nhận là đơn vị đạt lợi nhuận cao nhất trong số 20 công ty QLQ hoạt động có lãi. Tuy nhiên, doanh thu nghiệp vụ quỹ chỉ chiếm hơn nửa so với doanh thu đến từ các nghiệp vụ khác. Cụ thể, doanh thu hoạt động nghiệp vụ quỹ đạt 12,9 tỷ đồng, trong đó doanh thu hoạt động QLQ đầu tư chứng khoán hơn 5,8 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán 3,6 tỷ đồng, doanh thu hoạt động quản lý danh mục đầu tư 2,9 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính lên đến 22,5 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ cổ tức, trái tức và lãi tiền gửi ngân hàng 12,2 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh chứng khoán 10,2 tỷ đồng…
Tình trạng trên cũng diễn ra đối với Công ty TNHH Quản lý quỹ Vietinbank (Vietinbank Capital), đơn vị có mức lợi nhuận xếp thứ hai sau MB Capital, với 10,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đạt được trong 6 tháng đầu năm. Trong khi doanh thu của mảng quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán đạt hơn 2,5 tỷ đồng, thì doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 32,5 tỷ đồng, trong đó lãi đầu tư tài chính 18,7 tỷ đồng, lãi tiền gửi 12,1 tỷ đồng, thu nhập từ hoạt động đầu tư mua bán chứng khoán hơn 1,5 tỷ đồng…
Khá nhiều công ty QLQ không kiếm được đồng nào từ nghiệp vụ quỹ, mà chỉ phát sinh doanh thu từ hoạt động tài chính như: CTCP Quản lý quỹ đầu tư An Phát, CTCP Quản lý quỹ đầu tư Hợp Lực Việt Nam, CTCP Quản lý quỹ Việt Tín. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2014, CTCP Quản lý quỹ đầu tư Hợp Lực Việt Nam ghi nhận hơn 190 triệu đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, toàn bộ số doanh thu này là lãi tiền gửi ngân hàng. Cả 3 công ty nêu trên đều có kết quả kinh doanh thua lỗ trong 6 tháng đầu năm.
Thực tế trên cho thấy, khối công ty QLQ vẫn còn gặp khó khăn trong việc phát triển mảng nghiệp vụ quỹ. Để nâng cao tính chuyên nghiệp, cải thiện hiệu quả kinh doanh cho ngành quỹ, cả cơ quan quản lý lẫn các công ty QLQ còn nhiều việc phải làm.
“Ông lớn” cũng lỗ
Đó là điểm đáng chú ý thứ hai trong báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm mà các công ty QLQ vừa công bố.
Là một trong số không nhiều công ty QLQ thành công trong huy động quỹ mới thời gian gần đây, khi sở hữu 2 quỹ mở, nhưng kết quả kinh doanh của Công ty liên doanh QLQ Đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF) không mấy khả quan. Trong số 15 công ty QLQ thua lỗ trong 6 tháng đầu năm, VCBF ghi nhận mức lỗ lớn nhất: 10,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 6,2 tỷ đồng). CTCP Quản lý quỹ VinaWealth là đơn vị ghi nhận mức lỗ lớn tiếp theo: 6,1 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 9,2 tỷ đồng). Có mức lỗ lớn thứ ba là Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Việt Nam, lỗ hơn 3 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 3,1 tỷ đồng).
Một trong những nguyên nhân chính khiến cả 3 đơn vị này lỗ lớn là do chi phí quản lý doanh nghiệp rất cao. Điểm đáng chú ý khác, đây không chỉ là những đơn vị có tên tuổi trong ngành quỹ, mà cả 3 công ty này đều có vốn ngoại tham gia đầu tư.