“Ông lớn” ngành quỹ sụt giảm lợi nhuận
Ngành quỹ Việt Nam hiện có 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động. Trong số này, đến nay, có khá nhiều công ty chưa minh bạch kết quả kinh doanh quý II/2019 trên website công ty như: Công ty Quản lý Quỹ AIC, Công ty Quản lý Quỹ BVIM, Công ty Quản lỹ Quỹ Sài Gòn, Công ty Quản lỹ Quỹ Thái Bình Dương, Công ty Quản lý Quỹ An Phát, Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Việt, Công ty Quản lý Quỹ Ðầu tư Pacific Bridge…
Trong những công ty đã công bố báo cáo tài chính, bên cạnh một số công ty ghi nhận kết quả kinh doanh trong quý II/2019 có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước như Công ty TNHH Quản lý Quỹ Eastspring Investments, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Quản lý Quỹ Chubb Life, Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt…, thì phân nửa số còn lại hoặc là lợi nhuận suy giảm, hoặc là tiếp tục chìm trong thua lỗ.
Tương tự diễn biến trong ngành anh em là chứng khoán, nhiều công ty quản lý quỹ trong Top đầu về quy mô tài sản cũng như phong độ kiếm tiền lâu nay cũng ghi nhận lợi nhuận quý II/2019 đi xuống. Ðơn cử, tại Công ty Quản lý Quỹ Dai-ichi Life Việt Nam, trong quý II, công ty này ghi nhận hơn 10 tỷ đồng doanh thu; 3,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; trong khi cùng kỳ năm trước lãi 3,8 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Công ty ghi nhận lãi 7,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lãi 7,4 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Một trường hợp khác thể hiện sự hụt hơi trong kiếm tìm lợi nhuận là Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán An Bình. Theo báo cáo tài chính quý II/2019, trong kỳ Công ty ghi nhận mức lãi không đáng kể là 345 triệu đồng, giảm mạnh so với mức hơn 2,3 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa đầu năm, Công ty chỉ lãi hơn 1,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi trên 5,2
tỷ đồng.
Tuy ghi nhận kết quả kinh doanh quý II/2019 khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Công ty liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank ghi nhận mức lãi 8,1 tỷ đồng, sụt giảm so với mức 10,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Chỉ số chứng khoán đi ngang trong nửa đầu năm (kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, VN-Index dừng ở mức 949,94 điểm, tương ứng tăng 6,43% so với cuối năm 2018; HNX-Index giảm nhẹ 0,69%, xuống 104,09 điểm), số cổ phiếu giảm giá nhiều hơn so với số tăng giá khiến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, bao gồm cả nhà đầu tư chuyên nghiệp như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hàng đầu cũng khó kiếm lời.
... Và thua lỗ triền miên
Không chỉ suy giảm lợi nhuận, nhiều tên tuổi lớn trong ngành này cũng báo lỗ trong nửa đầu năm nay. Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt báo cáo kết quả kinh doanh quý II với 810 triệu đồng doanh thu, lỗ hơn 3,2 tỷ đồng. Công ty tiếp tục thua lỗ do doanh thu giảm, trong khi chi phí hoạt động kinh doanh, giá vốn hàng bán tăng mạnh, doanh thu tài chính giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tuy mức lỗ trong quý II/2019 giảm so với cùng kỳ năm trước (hơn 4,7 tỷ đồng), nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty lỗ trên 5,8 tỷ đồng, tăng vọt so với con số 697,7 triệu đồng cùng kỳ năm trước.
Một tên tuổi khác trong ngành quỹ là Công ty Quản lý Quỹ ACB cũng báo lỗ 1,4 tỷ đồng trong quý II, trong khi cùng kỳ năm trước lãi nhẹ. Ðáng nói là tương tự cùng kỳ năm trước, trong quý II/2019, Công ty không phát sinh doanh thu hoạt động kinh doanh, mà chỉ ghi nhận hơn 894 triệu đồng doanh thu tài chính, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, khiến Công ty rơi vào thua lỗ. Lũy kế nửa đầu năm nay, Công ty lỗ 843,6 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi trên 2,5 tỷ đồng.
Những “tay chơi” có nghề, dài vốn, dày dạn kinh nghiệm, đồng thời có được sự hậu thuẫn nhiều mặt của ngân hàng mẹ, cổ đông ngoại còn đối mặt với suy giảm lợi nhuận, thua lỗ, nên nhóm công ty quản lý quỹ hoạt động èo uột tiếp tục chìm trong thua lỗ không có gì là khó hiểu. Hàng loạt cái tên có thể kể ra trong danh sách như: Công ty Quản lý Quỹ SGI, Công ty Quản lý Quỹ Phương Ðông, Công ty Quản lý Quỹ Hùng Việt, Công ty Quản lý Quỹ Quốc tế, Công ty Quản lý Quỹ Trí tuệ Việt Nam… (xem bảng). Ðây đều là các công ty chưa từng thành công trong gọi vốn để lập quỹ và là những công ty không biết đến bao giờ mới thoát được dớp thua lỗ.
Trong quý II, tuy mức lỗ Công ty Quản lý Quỹ SGI ghi nhận là hơn 871 triệu đồng, giảm mạnh so với mức lỗ 5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, nhưng tình trạng thua lỗ kéo dài khiến cho SGI đang “ăn cạn” vốn chủ sở hữu. Hết tháng 6/2019, SGI còn lỗ lũy kế gần 28 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 32 tỷ đồng.
Một trường hợp thua lỗ nữa trong quý II/2019 là Công ty Quản lý Quỹ Pavo Capital. Theo đó, trong kỳ, Công ty lỗ 4,3 tỷ đồng, quý II/2018 lỗ 1 tỷ đồng. Diễn biến tiêu cực này khiến cho lũy kế nửa đầu năm nay, Công ty lỗ 4,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 1 tỷ đồng.
Theo ý kiến từ một chuyên gia trong ngành quỹ, với tình trạng kinh doanh thua lỗ triền miên, cộng với thông tin hoạt động còn nhiều điểm kém minh bạch, đồng thời nguồn lực nhiều mặt hạn chế, cơ hội để các công ty quản lý quỹ quy mô nhỏ gọi được vốn để lập quỹ khó... ngang lên trời. Bởi vậy, tương lai của nhóm công ty này càng thêm mờ mịt.