Khu công nghiệp Trà Nóc (TP. Cần Thơ)
Tại Công văn này, UBND TP. Cần Thơ chấp thuận cho Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Phú Hưng thực hiện nghiên cứu, khảo sát vị trí địa điểm dự kiến đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Ô Môn - Cần Thơ với diện tích khoảng 500 ha tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn theo đề nghị của Công ty.
Tuy nhiên, Công văn trên của UBND TP. Cần Thơ cũng lưu ý rằng, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP. Cần Thơ và các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp, do đó đề nghị Công ty theo dõi tình hình để chủ động triển khai khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và đẩy lùi.
Thời gian nghiên cứu, khảo sát tối đa là 06 tháng kể từ ngày địa phương tạm dừng thực hiện việc giãn cách xã hội. Mọi chi phí liên quan đến việc nghiên cứu, khảo sát do nhà đầu tư tự chi trả. Trong quá trình nghiên cứu, đề nghị nhà đầu tư không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.
UBND TP. Cần Thơ giao các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, UBND quận Ô Môn hỗ trợ, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Phú Hưng nghiên cứu, khảo sát khi có yêu cầu, đảm bảo việc thực hiện tuân thủ đúng quy định của pháp luật và đúng cam kết tại Công văn số 22/CTPH-KCN của Công ty về việc xin nghiên cứu đầu tư hạ tầng KCN Ô Môn và Trung tâm Logistics tại Cần Thơ.
Theo UBND TP. Cần Thơ, Công văn này nhằm chấp thuận việc nghiên cứu, khảo sát, không phải văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật.
Quy hoạch KCN Ô Môn - Cần Thơ (diện tích là 500 ha) và KCN Vĩnh Thạnh (diện tích là 900 ha; vị trí tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN tại Văn bản số 156/TTg-CN ngày 4/2/2021 về Đề án bổ sung quy hoạch các KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Tại Văn bản này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Cần Thơ thực hiện lựa chọn và thu hút nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm để đầu tư KCN Ô Môn - Cần Thơ và KCN Vĩnh Thạnh theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan có liên quan và nhà đầu tư cụ thể hóa phương án đền bù giải phóng mặt bằng, kết nối hạ tầng, phương án cung cấp nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng điện nước và các yếu tố cần thiết khác để đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội của các KCN trong quá trình lập dự án và lựa chọn nhà đầu tư...
UBND TP. Cần Thơ đã giao Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ làm chủ đầu tư lập quy hoạch điều chỉnh và mời gọi đầu tư đối với KCN Ô Môn - Cần Thơ diện tích 500 ha và KCN Vĩnh Thạnh 900 ha theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
KCN Ô Môn - Cần Thơ có vị trí quy hoạch tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn; phía Bắc giáp Rạch Giáo Dẫn, phía Nam giáp Đường tỉnh 922, phía Đông giáp với quận Bình Thủy và phía Tây giáp Rạch KH 8. Nơi đây có điều kiện thuận lợi về giao thông đường bộ, có khả năng liên kết với các vùng lân cận của các tỉnh giáp ranh nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của khu vực do nằm cạnh tuyến Đường tỉnh 922 mới và dự án cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang đi ngang qua.
Về ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư, theo quy hoạch, KCN Ô Môn - Cần Thơ dự kiến là khu công nghiệp đa ngành, có khả năng thu hút các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến rau quả đóng hộp; sản xuất linh kiện, lắp ráp sản phẩm điện máy, điện công nghiệp, công nghiệp điện tử, chất bán dẫn, công nghệ tin học, công nghệ kỹ thuật cao…