Xây dựng chiến lược dài hạn
Cái tên McKinsey - được biết đến là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh - đã được nhắc đến khá nhiều tại đại hội cổ đông của một số công ty niêm yết như CTCP Ðầu tư Nam Long, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. McKinsey sẽ tư vấn cho các công ty này về chiến lược phát triển 10 năm tới.
Trong khi Nam Long đang xây dựng chiến lược phát triển cho 10 năm tới thì Hòa Bình đã xác định được rõ mục tiêu muốn trở thành nhà thầu quốc tế, vươn mạnh hoạt động ra ngoài biên giới để nhân đôi lợi nhuận.
Tại Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), theo thông tin được chia sẻ tại Ðại hội đồng cổ đông vừa qua thì một nhà tư vấn chuyên ngành từ nước ngoài sẽ tư vấn chiến lược cho HSC với mục tiêu tăng trưởng gấp đôi trong giai đoạn 5 năm tới.
Với CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), dường như giai đoạn xây dựng chiến lược đã hoàn thành và Ðại hội đồng cổ đông diễn ra cuối tháng 4 vừa qua đánh dấu thời điểm doanh nghiệp này bắt tay vào thực hiện chiến lược khi ra mắt Hội đồng quản trị với 11 người; trong đó có 6 thành viên mới, phụ trách các lĩnh vực kinh doanh mới, tài chính...
Sự thay đổi về quản trị của Thaco để phục vụ việc chuyển đổi từ Thaco sản xuất ô tô sang tập đoàn Thaco đa ngành, trong đó sản xuất ô tô là chủ lực, nông nghiệp và chế biến nông nghiệp, đầu tư cơ hạ tầng bất động sản là chính. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco cho biết: “Ðại hội này đánh dấu thời điểm quan trọng trong sự phát triển của Thaco”.
Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Tập đoàn Hòa Phát, khi cổ đông hỏi về chiến lược sau khi hoàn thành đại dự án Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất, ông Trần Ðình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị chia sẻ, khi dự án Dung Quất hoạt động tốt sẽ triển khai giai đoạn 3 của dự án. Thép vẫn là lĩnh vực kinh doanh trọng điểm của Hòa Phát.
Còn tại Ðại hội đồng cổ đông của CTCP Tập đoàn Masan (MSN), cổ đông được biết, trong tương lai, bên cạnh 4 mảng hiện nay là đồ ăn và thức uống, thịt, tài chính, khoáng sản, Masan dự kiến thành lập hệ sinh thái Masan với các mảng khác bao gồm y tế, giáo dục, thông tin liên lạc và một số lĩnh vực khác. Ðồng thời, Tập đoàn cũng xác định hai mảnh ghép chiến lược là sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình và bán lẻ.
Trong 5 năm tới, công ty sẽ làm gì, phát triển như thế nào là câu hỏi mà rất nhiều cổ đông quan tâm và cũng là trăn trở của nhiều doanh nghiệp niêm yết ở thời điểm hiện nay. Ðây là thời điểm mà đa số công ty niêm yết có tuổi đời “vị thành niên” bắt đầu phải tính đến sẽ đi về đâu, phát triển thế nào khi bước vào tuổi thành niên.
Hầu hết những doanh nghiệp bắt tay xây dựng chiến lược mới đều là những doanh nghiệp đã rất thành công trong giai đoạn 10 năm qua. Ðể tăng trưởng với quy mô gấp đôi về doanh thu và cả lợi nhuận, các công ty niêm yết phải tính đến mở rộng thị trường hoặc mở rộng ngành nghề kinh doanh.
Thách thức thời đại
Hai thách thức lớn nhất với doanh nghiệp niêm yết khi thực hiện chiến lược phát triển trong 10 năm tới là nền tảng Internet đang tác động sâu rộng đến doanh nghiệp và sự mở rộng ngành nghề kinh doanh mới hoặc mở rộng thị trường, nhất là mở rộng thị trường ngoài biên giới để nắm bắt cơ hội phát triển thì trước tiên phải đối mặt với rủi ro.
Trong khi Vinasun hay Mai Linh, những hãng taxi truyền thống đang bị lấn sân bởi ứng dụng gọi xe như Grab thì ở chiều ngược lại, nhà bán lẻ Thế giới di động đã vượt lên các nhà phân phối khác chiếm phần lớn thị phần bán lẻ nhờ đội ngũ IT lên đến 400 người. Nền tảng Internet, trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi sâu sắc năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp niêm yết lớn ngày càng chú trọng tới ứng dụng công nghệ vào sản xuất - kinh doanh. Chẳng hạn, Thaco ứng dụng dây chuyền sản xuất ô tô tự động hóa, còn trong một lĩnh vực truyền thống như nuôi tôm, Tập đoàn Minh Phú đang áp dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý hồ nuôi. Một bộ cảm biến lắp đặt trong hồ bơi sẽ báo các chỉ số môi trường nước về trung tâm xử lý.
Các lệnh điều chỉnh chỉ số môi trường nước như ô xi, nhiệt độ nước… tự động được đưa ra. Trong lĩnh vực thầu xây dựng, Hòa Bình tự phát triển một phần mềm quản lý dự án từ A đến Z. Không chỉ theo dõi tiến độ dự án, quản lý dự án, chấm KPI cho nhân viên, thậm chí Hòa Bình đấu thầu mua nguyên liệu từ nhà cung cấp qua hệ thống này.
Sở dĩ Hòa Bình phải tự xây dựng phần mềm này vì các nhà cung cấp giải pháp không có, chỉ có những phần mềm đơn lẻ cho từng lĩnh vực hoạt động của Công ty. Phát triển được phần mềm này là điều kiện tiên quyết để Hòa Bình nghĩ đến việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng. Chưa hết, khi thực hiện tham vọng ra nước ngoài, Hòa Bình còn phải thuê hàng loạt tư vấn về pháp lý, tiêu chuẩn xây dựng, tư vấn marketing, bán hàng ở mỗi nước mà nhà thầu này đặt chân đến.
PV Oil, nhà bán lẻ xăng dầu chiếm thị phần thứ 2 trong nước lại đang ứng dụng công nghệ 4.0 bằng giải pháp Thẻ điện tử (digital card), đọc QR code trên thiết bị di động của tài xế và nhân viên bán hàng để thực hiện giao dịch mua bán xăng dầu tại các cửa hàng. Sản lượng bán xăng qua kênh này nhanh chóng tăng mạnh sau mỗi tháng.
Tiếp tục ứng dụng công nghệ 4.0 tăng thêm tiện ích cho người tiêu dùng, PV Oil sẽ bán xăng thông qua Got it, Viettel Pay… Theo ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil, đây là các cửa ngõ tiếp cận khách hàng trẻ đang hào hứng với công nghệ. Với đối tượng khách hàng này, dùng thẻ tín dụng hay tiền mặt mua xăng “là xa xưa rồi”.
Có rất nhiều thay đổi sâu sắc trong lòng các doanh nghiệp khi ứng dụng phần mềm quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Còn với việc mở rộng ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp phải tính toán cẩn trọng và tìm kiếm nhân sự mới. Thaco đã chính thức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với lý do, theo ông Dương chia sẻ, là thị trường ô tô ở Việt Nam còn nhỏ nên để tăng trưởng, Thaco phải phát triển tất cả các phân khúc xe từ phân khúc phổ thông đến trung cấp, cao cấp.
Dân có tiền mua xe, nhưng không mua vì sử dụng không tiện lợi khi hạ tầng giao thông còn yếu kém. “Mình phải biết thị trường ô tô đi tới đâu, phải làm thêm các ngành khác nữa nhưng ô tô vẫn là chủ lực vẫn là số 1”, ông Dương nói lý do phát triển đa ngành. Và nhiệm vụ của ông Dương trong thời gian tới là tìm kiếm và đào tạo nhân sự để thay ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị tại công ty thành viên về nông nghiệp, một ngành mới của Thaco.
Trong khi doanh nghiệp tư nhân đứng trước thách thức mới mang tính thời đại thì những khó khăn cố hữu đặc thù ở một nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam vẫn còn tồn tại. Ðó là thể chế, pháp lý kinh doanh chưa hoàn chỉnh và thủ tục hành chính, tham nhũng vẫn là các rào cản doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Nhà Thủ Ðức khi được hỏi doanh nghiệp cần Chính phủ hỗ trợ như thế nào để tiếp tục phát triển, cho rằng, quan trọng nhất vẫn là tạo môi trường công khai minh bạch.