Năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt cho vấn đề biến đổi khí hậu và ESG.

Năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt cho vấn đề biến đổi khí hậu và ESG.

Công ty niêm yết, biến đổi khí hậu và ESG

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Chưa bao giờ tôi cảm thấy vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường và trách nhiệm xã hội (ESG) có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính rõ ràng như hiện nay.

Yếu tố rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và ESG

2020 là một năm hết sức đặc biệt cho vấn đề biến đổi khí hậu và ESG. Trước tiên, Việt Nam đang gánh chịu hậu quả nặng nề khi mưa lũ dồn dập ở miền Trung. Thứ hai, dư luận bắt đầu phản ứng về nhà máy thủy điện nhỏ mà một số phương tiện truyền thông và chuyên gia gọi là “thủy điện cóc”.

Thủy điện cóc, phá rừng và lũ lụt là những từ khóa xuất hiện thường xuyên trên truyền thông và mạng xã hội từ những ngày cuối tháng 10. Có ngày, tôi đọc được trên Facebook của bạn bè và người quen không dưới 30 bài về thủy điện cóc và phá rừng, một con số kỷ lục mà tôi nghĩ không có nhiều đề tài nào mà thu hút mối quan tâm của bạn bè tôi như thế.

Đa số tỏ ra quan ngại lẫn phẫn nộ với tình trạng phá rừng và xem thủy điện cóc là một trong những nguyên nhân của tình trạng đó.

Nhiều người trong số đó là nhà quản lý quỹ, hay người “nắm túi tiền” của doanh nghiệp, hoặc là người xét duyệt tín dụng của ngân hàng. Những người này sẽ nghĩ gì khi một công ty đến gặp họ và đặt vấn đề tìm nguồn vốn để phát triển thủy điện trong tương lai?

Chưa bao giờ tôi cảm thấy vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường và trách nhiệm xã hội có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính rõ ràng như hiện nay.

Với đa số trong nhóm bạn bè tôi, vừa có tác nghiệp thực tế, vừa làm nghiên cứu về thị trường tài chính, chủ đề về biến đổi khí hậu và ESG trước đây được xem là một kiểu xu hướng “thời thượng”, để “kéo vốn”, thu hút nhà đầu tư hay phát hành cổ phiếu, trái phiếu (chẳng hạn “trái phiếu xanh”).

Trong thâm tâm, nhiều người trong chúng tôi không hề nghĩ sẽ có một ngày thật sự nghiêm túc cân nhắc chuyện mình sẽ “không xuống tiền nữa” cho các dự án hay công ty có thể tác động xấu đến môi trường, nhưng giờ đây không ít người đã thay đổi suy nghĩ.

Chẳng hạn, một người làm trong ngành quỹ đã bán ra khoản đầu tư trị giá hơn 3 triệu USD liên quan đến dầu khí và chia sẻ “mọi chuyện bắt đầu trở nên nghiêm túc rồi”, hàm ý tới chuyện “nghiêm túc” với các hoạt động đầu tư gây ô nhiễm môi trường.

Vào đầu tháng 10, đại diện của Quỹ đầu tư quốc gia Na Uy - quỹ quản lý tài sản quốc gia lớn nhất thế giới với hơn 1.200 tỷ USD tài sản, tuyên bố sẽ “tinh chỉnh” lại danh mục đầu tư, loại ra nhiều khoản đầu tư có vấn đề về ESG. Trong một bài trả lời phỏng vấn, đại diện quỹ này đánh đồng một công ty có vấn đề về ESG với một cấu trúc quản trị công ty kém.

Một cách nào đó, Covid-19 và thiên tai đang làm người ta nghiêm túc hơn với vấn đề ESG và rủi ro do biến đổi khí hậu trở thành một chủ đề được các chuyên gia quản lý quỹ quan tâm.

Một chuyên gia phân tích định lượng của một quỹ đầu tư chuyên mua bán hợp đồng phái sinh về dầu khí của Úc vừa liên hệ với người viết để tìm hiểu xem có một mô hình nào đó có tính tới yếu tố rủi ro biến đổi khí hậu có thể định lượng được để tăng hiệu quả mô hình học máy (machine learning) của anh ta hay không.

Nói một cách khác, biến đổi khí hậu và ESG đã và đang trở thành “nhân tố rủi ro” trong các mô hình định lượng của các quỹ đầu tư và chiếm một vai trò quan trọng trong tâm trí của những người trực tiếp quyết định “xuống tiền” đầu tư.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với các công ty niêm yết vì nó hàm ý là bây giờ cả nhà đầu tư tài chính lẫn nhà đầu tư chiến lược đều sẽ nhìn vào các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và ESG nói chung của công ty, và họ cụ thể hóa nó thành yếu tố rủi ro cần được đánh giá kỹ lưỡng.

Trong báo cáo phân tích của nhiều ngân hàng đầu tư lớn gần đây, mục đánh giá rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và ESG xuất hiện với quy mô và tần suất nhiều hơn, phản ánh nhu cầu của giới đầu tư. Tất nhiên, các nhà phân tích cổ phiếu sẽ gây sức ép lên công ty để công bố nhiều thông tin hơn.

Quan trọng hơn nữa là những nhà vận động hành lang ở nước ngoài đang có cơ hội mang tính lịch sử trong việc thúc đẩy một số nước thông qua luật về công bố thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu, đặc biệt là rủi ro tài chính do biến đổi khí hậu gây ra.

Xu thế luật hóa công bố thông tin về rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu

Một trong những nước nhiều khả năng sẽ luật hóa việc công bố thông tin về rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu là Anh.

Vào tháng 3 năm nay, Cơ quan quản lý thị trường tài chính của Anh (FCA) đã đề xuất một bộ hướng dẫn yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết tại sàn chứng khoán London (LSE) phải thực hiện công bố các rủi ro liên quan đến môi trường sát theo bộ hướng dẫn của Nhóm làm việc về minh bạch thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (Taskforce on Climate-related Financial Disclosures - TCFD).

Nhiều tổ chức kế toán và kiểm toán tại Anh như Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA), Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) đã tài trợ các dự án nghiên cứu ở các trường đại học về rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu để chuẩn bị cung cấp thông tin cho Quốc hội và công chúng về những tác động của việc công bố thông tin rủi ro tài chính này.

Mục tiêu của FCA không dừng ở đó. Họ vẫn đang thúc đẩy luật hóa ở cấp cao hơn về công bố thông tin rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Một trong những người ủng hộ nhiệt tình việc này là Mark Carney, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh.

Điểm rất đáng chú ý ở Anh là chủ đề biến đổi khí hậu thay đổi từ một rủi ro “chung chung”, không nằm ở đâu cả, đã được gộp vào khái niệm “rủi ro tài chính”. Một đồng nghiệp của người viết chuyên nghiên cứu về chủ đề ESG và biến đổi khí hậu ở Đại học Lancaster nhận xét, đây là một sự thay đổi có tính đột phá về mặt định nghĩa và tư duy.

Ảnh tác giả

Trong báo cáo phân tích của nhiều ngân hàng đầu tư lớn gần đây, mục đánh giá rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và ESG xuất hiện với quy mô và tần suất nhiều hơn

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Gắn khái niệm “rủi ro tài chính” với biến đổi khí hậu có thể là một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi, vì rủi ro tài chính là một thành tố bắt buộc phải có với rất nhiều chương trình quản trị rủi ro, ảnh hưởng luôn cả vấn đề xét kế hoạch lương thưởng cho lãnh đạo công ty niêm yết lẫn xét duyệt dự án đầu tư.

Nếu để rủi ro biến đổi khí hậu khơi khơi, người ta có thể phớt lờ nó, nhưng gắn nó với rủi ro tài chính, đó có thể là một cú đấm trúng đích.

Đề xuất này của FCA là “đúng chủ đề, đúng thời điểm” trong một năm mà biến đổi khí hậu gây ra tổn thất trên diện rộng với hàng loạt thiên tai diễn ra ở nhiều nước (bị che mờ bởi chủ đề Covid-19) và khi mà ông Joe Biden, người nhiều khả năng trở thành Tổng thống Mỹ, là một người ủng hộ nhiệt thành về việc giảm khí carbon và đầu tư xanh.

Đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson và nhiều người trong Đảng Bảo thủ, đây cũng là một chủ đề mà họ có thể sử dụng để hóa giải những công kích của phía Đảng Lao động về chủ đề kinh tế xanh, biến đổi khí hậu và đầu tư ra nền kinh tế.

Mặc dù còn nhiều bất đồng về các bước đi cụ thể và nên luật hóa đến mức nào, rõ ràng, đây là một xu thế chính trị không dễ đảo ngược trong 2 - 3 năm tới. Trước mắt, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết, tất cả trái phiếu xanh do Chính phủ Anh dự kiến phát hành năm 2021 sẽ phải đi kèm với công bố thông tin bắt buộc về biến đổi khí hậu theo hướng dẫn của TCFD.

Ngoài Anh thì Mỹ, Úc và nhiều nước châu Âu cũng đang có những đề xuất liên quan đến công bố thông tin về biến đổi khí hậu và tham khảo bộ hướng dẫn của TCFD.

Điều này hàm ý gì cho doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam? Đó là nhiều khả năng TCFD sẽ trở thành một bộ hướng dẫn có thể áp dụng trên diện rộng của toàn cầu và doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường vốn quốc tế sẽ phải công bố thông tin theo hướng dẫn này.

Quan trọng hơn, khi mà rủi ro tổn thất tài chính công ty do biến đổi khí hậu đang dần trở thành một vấn đề cụ thể và “thực” hơn bao giờ hết, chứ không phải chỉ là “trào lưu ảo” như nhận định của nhiều người cách đây vài năm, doanh nghiệp niêm yết phớt lờ những vấn đề này có thể sẽ phải trả giá không nhỏ.

Và quản lý rủi ro tài chính do biến đổi khí hậu gây ra sẽ không còn là vấn đề chỉ công bố thông tin rồi thôi. Nó phải được đưa vào ngay trong hoạt động quản lý rủi ro hàng ngày của doanh nghiệp.

Với những ai còn nghi ngờ tính thực tế câu chuyện rủi ro biến đổi khí hậu này, tác động của bão lũ miền Trung vừa qua là một lời cảnh báo sớm. Rủi ro tài chính do biến đổi khí hậu gây ra không còn là rủi ro chung chung, mà có tác động trực tiếp tới túi tiền doanh nghiệp.

Tin bài liên quan