Quy định về định mức 30% cho đầu tư ngoài ngành đang được đề nghị có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn.

Quy định về định mức 30% cho đầu tư ngoài ngành đang được đề nghị có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn.

Công ty nhà nước: Cần thêm hành lang pháp lý

(ĐTCK) Tỷ lệ đầu tư ngoài ngành của các công ty nhà nước (CTNN) đang là đề tài nóng được tranh luận ngay trong chính các đối tượng điều chỉnh của Quy chế quản lý tài chính của CTNN và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác vừa được Chính phủ ban hành. Mặc dù hạn chót để CTNN điều chỉnh khoản mục đầu tư theo nguyên tắc phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính là ngày 25/3/2011, song kế hoạch điều chuyển vốn chắc chắn phải được doanh nghiệp bắt đầu ngay.

Vấn đề nổi lên khi thực hiện giới hạn định mức về đầu tư ra ngoài ngành của CTNN, đó chính là khái niệm trong ngành và ngoài ngành. Nhìn vào danh mục đầu tư của nhiều CTNN vào thời điểm này có thể thấy, nguyên tắc đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực của CTNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, được khai thác rất tốt. Hầu hết lĩnh vực kinh doanh có sức hấp dẫn lớn trong thời gian vừa qua đều có mặt các tên tuổi lớn của CTNN. Đơn cử như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đến thời điểm tháng 3/2008 đã đầu tư 2.105 tỷ đồng vào lĩnh vực tài chính, 190,3 tỷ đồng vào bảo hiểm, 1.197,5 tỷ đồng vào ngân hàng, 114,7 tỷ đồng vào chứng khoán, 320,6 tỷ đồng vào bất động sản... bên cạnh khoản mục đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến dầu khí.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, đâu là lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của PVN khi công ty mẹ được xác định có chức năng là đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết. Như vậy, nhìn vào danh mục đầu tư của PVN, khó có thể xác định được khoản mục nào bị rơi vào vòng cảnh báo cần kiểm soát định mức. Tất nhiên, một số lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán đã có những quy định hạn mức cụ thể cũng như không được phép đầu tư thì cơ sở để thực hiện đã rất rõ ràng.

Bên cạnh đó, nhiều CTNN cho rằng, quy định của pháp luật hiện hành về mô hình tập đoàn kinh tế là kinh doanh đa ngành, có ngành chuyên môn chính. Như vậy, khái niệm cần phải làm rõ ở đây là, đa ngành là thế nào và thế nào là ngành chuyên môn chính. Những ngành nghề được chấp thuận trong đăng ký kinh doanh của CTNN đã được chủ sở hữu nhà nước phê chuẩn được coi là ngành nghề kinh doanh chính hay là phụ. Yếu tố của các ngành nghề phụ trợ cho ngành nghề kinh doanh chính sẽ được xem xét, cân nhắc thế nào...

Quan điểm của nhiều doanh nghiệp về vấn đề này cho rằng, sẽ rất khó xác định quy định này một cách rõ ràng. Việc các doanh nghiệp trong ngành đóng tàu góp vốn thành lập công ty về nội thất có được xem là bị giới hạn về định mức đầu tư ra ngoài ngành không, khi công ty nội thất đó phục vụ việc trang bị nội thất các con tàu cho doanh nghiệp đóng tàu, mà nội thất này đòi hỏi những đặc điểm riêng biệt, tiêu chuẩn kỹ thuật đặc thù, nguồn vốn đầu tư không nhỏ...

Ngay quy định về định mức 30% cho đầu tư ngoài ngành cũng đang được đề nghị có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn. Khá nhiều chuyên gia khi bàn luận về hạn mức này đã tính tới những con số khổng lồ có thể được các tập đoàn kinh tế đầu tư ra ngoài ngành. Nhưng cũng với tỷ lệ này, ở một CTNN quy mô nhỏ, phần vốn được phép đầu tư đa dạng hoá ngành nghề của họ lại không đáng kể. Ở đây, câu hỏi về hiệu quả đầu tư lại được cân nhắc. Yêu cầu về kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư ra ngoài ngành được đề nghị là không chỉ dừng lại ở quy định về hạn mức, mà cần có những cơ chế giám sát chặt chẽ, hiệu quả hơn. Một số chuyên gia cho rằng, khoản mục đầu tư của CTNN cần phải được xác định rõ ràng trên nguyên tắc là Nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không làm hoặc chưa đủ sức làm. Tất nhiên, nguyên tắc này cần được phân tích kỹ, song rõ ràng, với những đặc thù riêng, CTNN cần có được những hành lang hoạt động thật cụ thể để phát huy năng lực, lợi thế và quan trọng nhất là đạt hiệu quả kinh doanh, nhưng không tạo nên những tác động bất lợi cho các thành phần kinh tế khác trong môi trường kinh doanh chung.