Công ty Mỹ ráo riết tranh thủ lãi suất thấp

Công ty Mỹ ráo riết tranh thủ lãi suất thấp

(ĐTCK) Lãi suất cho vay dài hạn doanh nghiệp đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Điều này đang gây áp lực lên các lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ trong việc cân nhắc lại chiến lược vay nợ của mình, mà còn ảnh hưởng đến việc điều chỉnh các quỹ hưu trí cũng như thương mại quốc tế.

Chính lãi suất tăng là nhân tố thúc giục Verizon Communications Inc.’s đi đến quyết định mua lại Vodafone Group - thương vụ M&A đình đám vừa qua. Đó là bởi các khoản tài trợ mới cho hoạt động thâu tóm, cũng như những thương vụ khác, sẽ chỉ trở nên đắt đỏ hơn trong bối cảnh lãi suất tăng.

“Lãi suất chính là chất xúc tác cho thương vụ này”, Craig Moffett, nhà phân tích cao cấp của Moffett Research nói về trường hợp của Verizon.

Hôm thứ Tư, Verizon đã vội vã tung ra thị trường gói trái phiếu có trị giá kỷ lục 49 tỷ USD để huy động tiền cho thương vụ thâu tóm Vodafone. Jody Lurie, chuyên gia phân tích về tín dụng doanh nghiệp của Janney Capital Markets, bình luận rằng, hành động của Verizon là nhằm đi trước một bước, trước khi cuộc họp của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra, trong tuần tới.

Lãi suất cao hơn, nhưng vẫn gần với mức thấp kỷ lục, có thể tác động cả tích  cực lẫn tiêu cực đến các doanh nghiệp.

Ford Motor Co., trong tháng trước, đã cảnh báo nhà đầu tư rằng, lãi suất tăng sẽ đẩy chi phí vốn của hãng lên 50 triệu USD trong năm nay. Nhưng mặt khác, dự toán chi phí lương hưu của Ford cũng đang cải thiện rõ rệt. Ford đã tăng thêm 2 tỷ USD vào kế hoạch chi trả lương hưu cho nhân viên của mình, nhưng tỷ lệ chiết khấu tăng lên khiến Công ty thu nhỏ được số tiền phải chi của mình, quy về hiện tại, từ mức 9,7 tỷ USD còn khoảng 5,7 tỷ USD.

Các công ty sử dụng lãi suất, tức tỷ lệ chiết khấu, để tính giá trị hiện tại của các khoản phải nộp trong tương lai. Tỷ lệ này trong tháng 8 là 4,77%, tăng so với mức 3,96% cuối năm trước.

“Chúng tôi rất phấn khích với những gì đang thấy”, Bob Shanks, Trưởng ban tài chính của Ford nói về việc lãi suất tăng làm giảm dự toán lương hưu quy về hiện tại.

Sau nhiều năm nỗ lực giữ lãi suất gần bằng không để hỗ trợ nền kinh tế, Chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke, hồi tháng 5, đã đánh tiếng về việc Ngân hàng Trung ương sắp sửa kết thúc chương trình này. Kết quả là lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ - một chỉ số cơ bản được sử dụng để thiết lập các loại lãi suất khác, đã tăng vọt lên 2,92%, từ mức 1,63% chỉ trong 4 tháng.

Rất nhiều công ty, do lo ngại lãi suất còn tăng, đã tranh thủ đảo nợ cho các trái phiếu lãi suất cao và các khoản vay khác. S&P Capital IQ’s Leveraged Commentary & Data đã tính ra rằng, từ đầu năm đến nay, có khoảng 54% các khoản cho vay đòn bẩy được các công ty sử dụng để đảo nợ. Tỷ trọng đó là 47% cách một năm về trước.

Nhà sản xuất thiết bị công nghiệp Rexnord Corp. đã vay 1,95 tỷ USD từ các thị trường nợ trong tháng trước và sử dụng chúng để thanh toán các trái phiếu có lợi suất cao hơn. Việc đảo nợ đó giúp tiết kiệm khoảng 48 triệu USD chi phí vốn hàng năm cho Công ty.

“Cứ đà này, sẽ còn nhiều công ty tranh thủ cơ cấu lại nợ nhằm tranh thủ lãi suất thấp”, Edward Nusbaum, Giám đốc điều hành của công ty kiểm toán Grant Thornton International Ltd. nói.

Ngay cả các công ty từng đứng ngoài thị trường nợ trong nhiều năm hiện cũng nhảy vào tranh thủ lãi suất thấp. Tuần trước, Starbucks Corp. đã phát hành 750 triệu USD trái phiếu. Đây là doanh số phát hành trái phiếu của Nhà bán lẻ cà phê này lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua. Starbucks chỉ phải trả lãi suất 3,85%/năm cho lô trái phiếu có kỳ hạn 10 năm nói trên, thấp hơn nhiều so với mức 6,25%/năm mà Công ty phải trả cho các trái phiếu tuơng tự phát hành năm 2007.

Tuy nhiên, lãi suất tăng ở Mỹ cũng đang ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái ở một vài nước, trong đó có Ấn Độ và Brazil . Khi các nhà đầu tư di chuyển trái phiếu nắm giữ sang các tài sản an toàn hơn và có lợi tức tốt là nợ chính phủ Mỹ, giá trị đồng USD tăng lên so với các đồng tiền khác. Và điều đó đang gây phản ứng dây chuyền đến các công ty đa quốc gia. Các công ty Mỹ xuất khẩu sang Brazil , Nhật Bản và Ấn Độ đã bị giảm từ 13 đến 25% giá trị tài sản để tại các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, khi giá hàng nhập khẩu ở nhiều quốc gia tăng, nó cũng gây ra lạm phát tại các nền kinh tế này. Sự giảm giá của đồng rupee “đang giúp chúng tôi trong ngắn hạn”, Kenneth Judd, Giám đốc tài chính của Keste, một công ty phần mềm với 250 nhân viên, 100 trong số đó là người Ấn Độ nói. “Tuy nhiên, tôi vẫn phải thuê thêm người và phải trả lương cho họ. Những người này sớm muộn sẽ đòi tôi nâng lương nếu lạm phát tăng”.