Người phát ngôn của Vitol cho biết, khối lượng dầu của Nga do Vitol xử lý “sẽ giảm đáng kể trong quý II khi các nghĩa vụ hợp đồng thời hạn hiện tại suy giảm”. Vitol cho biết, có ý định ngừng kinh doanh dầu thô và các sản phẩm trừ khi có hướng dẫn khác và "chúng tôi dự đoán việc này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022”.
Vitol nhắc lại rằng họ sẽ không tham gia vào bất kỳ giao dịch sản phẩm và dầu thô mới nào của Nga. Công ty đã nhấn mạnh kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang rằng việc mua hàng của Nga là một phần của các hợp đồng đã có từ trước.
Thông báo của Vitol được đưa ra sau khi cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy viết thư cho những người đứng đầu Vitol và các công ty kinh doanh dầu khác với yêu cầu họ chấm dứt các giao dịch kinh doanh với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Các công ty trên khắp thế giới đã phải chịu áp lực ngày càng tăng từ các chính phủ và cổ đông trong việc tránh thực hiện giao dịch với Moscow. Các công ty dầu khí lớn như BP Plc, Shell Plc và Exxon Mobil Corp. đã công bố kế hoạch từ bỏ cổ phần của họ trong các khoản đầu tư liên quan đến Nga khi họ thực hiện các bước để tạm dừng giao dịch với quốc gia này. Trong khi đó, nhiều ngân hàng châu Âu đã hạn chế tài trợ thương mại cho các mặt hàng của Nga.
Trong khi Mỹ đã cấm các sản phẩm năng lượng của Nga, xuất khẩu nhiều hàng hoá vẫn tiếp tục chảy vào thị trường toàn cầu và nhiều nước châu Âu vẫn đang cho phép nhập khẩu dầu từ Nga.
Các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ và Trung Quốc cũng tiếp tục mua dầu từ Nga, trực tiếp từ Moscow hoặc thông qua các công ty kinh doanh dầu. Ấn Độ đã bắt đầu đặt ra câu hỏi về lợi nhuận mà các công ty kinh doanh dầu đang kiếm được vì giá cả đắt hơn những gì được quảng cáo.
Các công ty thương mại tư nhân như Vitol và Trafigura Group, cũng như Glencore Plc đã tiếp tục mua và bán hàng hóa dầu thô của Nga kể từ khi xung đột leo thang vào cuối tháng 2. Các công ty thương mại đôi khi ký hợp đồng dài hạn hoặc trả trước với các nhà sản xuất như Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga để mua và nạp một lượng dầu nhất định hàng tháng, đồng thời cũng mua và bán hàng hóa hàng ngày trên thị trường giao ngay.
Glencore và Trafigura cho biết đầu tuần này, họ sẽ tiếp tục tôn trọng các giao dịch dài hạn của mình. Tuy nhiên, Glencore cho biết họ sẽ bắt đầu không ký bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào với Nga, trong khi Trafigura cho biết họ đã giảm lượng hàng của Nga.
Tháng trước, Giám đốc điều hành của Vitol, Russell Hardy cho biết công ty đã ngừng kinh doanh giao ngay tại Nga, nhưng vẫn đang thực hiện các hợp đồng dài hạn và vẫn đang chờ đưa ra quyết định về việc có thoái vốn trong dự án dầu khí Vostok Oil của Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga hay không.