Sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập, sửa đổi đáng chú ý của dự thảo là tăng mức tiền xử phạt lên 20 lần. Theo đó, mức phạt tiền tối đa là 2 tỷ đồng (đối với tổ chức) và 1 tỷ đồng (đối với cá nhân). Mức xử phạt hiện tại đang là 100 triệu đồng với tổ chức và 50 triệu đồng với cá nhân. Bên cạnh đó, dự thảo cũng tăng thời hiệu xử phạt tối đa lên 5 năm thay vì 1 năm như hiện nay.
Tại Việt Nam thời gian qua, quá trình triển khai thực tế đã phát hiện và xử lý một số hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm toán, một số trường hợp còn liên quan đến các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản (vụ án FLC Faros, Tân Hoàng Minh). |
Theo tờ trình của Chính phủ, thời gian qua, việc thực hiện Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc đã phát sinh một số trường hợp khi phát hiện hành vi vi phạm thì đã hết thời hiệu xử phạt (1 năm) nên không xử phạt được. Một số trường hợp quy định chưa phù hợp với bản chất của hành vi vi phạm cũng như thông lệ quốc tế; mức xử phạt còn thấp chưa đủ tính răn đe. Do đó, các doanh nghiệp kiểm toán, đối tượng vi phạm có xu hướng không ngại vi phạm các quy định của Luật kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn.
Theo thông lệ quốc tế như Hàn Quốc hay một số nước khác ở Châu Âu (Anh) thì mức xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm được quy định với nhiều hình thức, trong đó có phạt tiền với giá trị lớn. Đơn cử, tại Hàn Quốc, kiểm toán viên sẽ bị phạt tù chung thân hoặc ít nhất 5 năm lao động hoặc phạt tiền tối đa 50 triệu won đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; nhận hối lộ từ khách hàng; làm giả số liệu, thay đổi thông tin, hủy thông tin giấy tờ kiểm toán; Che giấu, gian dối sự thật; không báo cáo hành vi sai trái của giám đốc đơn vị được kiểm toán. Hành vi không nộp báo cáo tài chính; trốn tránh, từ chối, can thiệp vào việc kiểm tra chất lượng, không cung cấp tài liệu theo yêu cầu; không chỉ định kiểm toán viên trong thời gian quy định; tiết lộ thông tin, chiếm dụng thông tin mật; can thiệp sai trái vào hoạt động kiểm toán… sẽ bị phạt tù lao động bằng hoặc dưới 3 năm, hoặc phạt tiền tối đa 30 triệu won…
Về thời hiệu xử phạt, hiện một số nước đều có thời gian khá dài như: Hàn quốc, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản (10 năm); Singapore, Philippines, Canada, Hongkong (5-6 năm); Ấn Độ (3 năm), Anh không có giới hạn về thời gian.
Tại Việt Nam thời gian qua, quá trình triển khai thực tế đã phát hiện và xử lý một số hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm toán, một số trường hợp còn liên quan đến các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản (vụ án FLC Faros, Tân Hoàng Minh). Đây là các hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán độc lập (kiểm toán viên không thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp; Các bằng chứng thu thập có sự mâu thuẫn nhưng KTV không có đánh giá, nhận xét về sự mâu thuẫn…), nhưng nếu xử lý vi phạm hành chính chỉ với mức xử phạt theo quy định hiện nay thì chưa đủ tính răn đe. Do vậy, việc tăng mức xử phạt là cần thiết.
Dù vậy, Chính phủ cũng cho biết, mức phạt tiền tối đa theo quy định của dự thảo Luật chỉ áp dụng đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự). Bên cạnh đưa ra mức xử phạt tối đa, dự thảo cũng quy định Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập.
Quy định này được dựa trên căn cứ, cơ sở áp dụng thực hiện nếu so sánh tương quan với doanh thu trung bình của 1 DNKT và trên thực tế đây là mức xử phạt tối đa, không phải là mức phạt thông thường, phổ biến. Với các hành vi chưa đến mức vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, các chế tài xử phạt được quy định hiện hành tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP là phù hợp với thực tế.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nhất trí việc tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập và tăng thời hiệu xử phạt nhằm tăng tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên, nhất là thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn, đề nghị lưu ý có mức xử phạt hợp lý với các hành vi, vừa có tính kế thừa các quy định hiện hành, vừa tăng mức độ răn đe với các hành vi thực sự nghiêm trọng.
Một số ý kiến cho rằng trách nhiệm lập báo cáo tài chính là đơn vị kiểm toán, trong trường hợp vi phạm về cùng một hành vi thì pháp luật về kế toán quy định xử phạt hành chính đối với cá nhân kế toán viên tối đa là 50 triệu đồng, trong khi đối với kiểm toán viên độc lập thì tối đa 1 tỷ đồng. Do vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, bảo đảm sự liên thông trong xử phạt hành chính về cùng một hành vi giữa pháp luật kế toán và pháp luật về kiểm toán độc lập.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ về áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm pháp luật vì trong thực tiễn, nhiều trường hợp đối tượng phải chịu đồng thời các biện pháp xử phạt, ví dụ như kết hợp giữa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xử phạt vi phạm hành chính hoặc kết hợp giữa xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp quản lý nhà nước (như đình chỉ hành nghề kiểm toán).