Tại Đại hội, chia sẻ những khó khăn đang gặp phải, Ban giám đốc VNC cho biết, thị trường giám định đang có sự cạnh tranh gay gắt của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, kéo theo áp lực giảm phí dịch vụ.
Đồng thời, việc các Bộ ngành đang mở rộng phạm vi chỉ định, ủy quyền cho nhiều tổ chức đánh giá giám định là phù hợp với tình hình phát triển đất nước, nhưng ngược lại, điều này cũng gián tiếp cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, là nguyên nhân gây khó khăn trong việc tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của VNC.
Mặc dù khẳng định VNC vẫn có sự tăng trưởng tốt, sẽ cạnh tranh bằng trang thiết bị và chuyên môn nhân lực, ông Bùi Duy Chinh, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, theo chiều hướng của nền kinh tế vĩ mô, xuất nhập khẩu tăng và giao thương đáng kể là tín hiệu tốt cho hoạt động giám định của công ty.
Tuy nhiên, ông Chinh cũng thêm một lần nhấn mạnh về thực tế cạnh tranh đang rất gay gắt về giá thì VNC phải có sự đầu tư về mọi mặt.
Bở vậy, Công ty đang thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt là đầu tư khoảng 100 tỷ đồng từ năm 2017-2020 vào trung tâm thí nghiệm và hệ thống máy móc để nâng cao năng lực của công ty.
Ông Chinh cho biết, “Nợ thấp, với chỉ hơn 36%/tổng tài sản, tuy nhiên cái khó là VNC hiện không có tài sản thế chấp, gây ra khó khăn trong việc vay ngân hàng, trong khi phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn hiện cũng gặp trục trặc.
Cổ đông nhà nước SCIC hiện đang nắm khoảng 30% đã có kế hoạch thoái vốn từ 3 năm qua nhưng chưa thực hiện được, ảnh hưởng đến quyết định về việc tăng vốn. Nếu SCIC thoái vốn, VNC sẽ sử dụng vốn này để đầu tư máy móc thiết bị nâng cao năng lực, tránh việc cạnh tranh về giá với các đối thủ nhỏ lẻ khi đấu thầu".
Tại phần thảo luận, Đại diện Quỹ Barca Global Master của Mỹ đang nắm 9,84% vốn góp vào VNC đã có thắc mắc về việc sử dụng vốn nếu SCIC thoái vốn cũng như chiến lược tăng trưởng của công ty.
Ông Mai Tiến Dũng, Tổng giám đốc VNC nhấn mạnh quan điểm của VNC là đầu tư dần và từng bước, vì lo ngại cơ chế chính sách thường xuyên thay đổi và cũng không đủ vốn để đầu tư mạnh.
Chiến lược năm 2019 của VNC là tập trung khắc phục giá thầu và nâng cao hồ sơ năng lực thầu. Nghiên cứu phát triển các loại hình dịch vụ đòi hỏi kỹ thuật cao hoặc các loại hình dịch vụ cao để tạo lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm thông qua việc hợp nhất mã công nhân VILAS cho toàn hệ thống của Tập đoàn để nâng cao năng lực đấu thầu.
Trong cơ cấu doanh thu từ các mặt hàng/dịch vụ giám định năm 2018, đứng đầu là mặt hàng Dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị chiếm 11,85%, tiếp theo là mặt hàng điều chiếm 11,4%, các mặt hàng tăng trưởng khá mạnh khác là gỗ dăm, phân bón và thức ăn chăn nuôi.
Đặc biệt, hoạt động giám định theo ủy thác của nước ngoài đang khá thành công, đóng góp 10% tổng doanh thu, mang lại khách hàng mới và giúp Công ty cập nhật được các phương pháp thực hiện của các loại dịch vụ mới.
Năm 2018, VNC có 2 hợp đồng của Cargo Control Germany và KSO SCISI và 3 hợp đồng giám định than của TCRC Indonesia, máy móc thiết bị của TUV NORD Incok Hàn Quốc và dệt may của Pretige E.C Trung Quốc.
Tại Đại hội, cổ đông đã nhất trí thông qua kế hoạch 2019 với doanh thu 582 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2018; lợi nhuận sau thuế là 34,8 tỷ đồng, chỉ tăng 1% và cổ tức dự kiến tối thiểu tỷ lệ 15% bằng tiền mặt.