Trình bày với một nhóm doanh nghiệp Việt Nam về chủ đề công ty gia đình vừa diễn ra tại TP. HCM, ông Choo Eng Chuan, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp tư nhân và gia đình của EY khu vực Đông Nam Á đến từ Singapore nói: “Doanh nghiệp gia đình là động lực tăng trưởng của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam và Singapore. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang phải gặp không ít vấn đề và thách thức”.
Công ty gia đình được định nghĩa là công ty trong đó đa số quyền biểu quyết được nắm giữ bởi người thành lập hoặc người tiếp quản công ty từ những người thân trong gia đình và có ít nhất một thành viên của gia đình tham gia vào việc điều hành hoặc quản lý công ty.
Với cách hiểu này, theo một tài liệu mới đây của Ernst & Young (EY), công ty gia đình có tầm quan trọng lớn đối với kinh tế thế giới. Ví dụ, ở châu Âu, 85% công ty ở đây là các công ty gia đình. Những công ty gia đình này tạo ra 70% GDP của châu Âu và có số lao động chiếm đến 60%.
Có thể kể tên một số công ty gia đình lâu đời nhất châu Âu như: Château de Goulaine, Fonderia Pontificia Marinelli, Barone Riscasoli, Barovier & Toso, William Prym. Còn những công ty gia đình lớn nhất xét về quy mô doanh thu và số lao động sử dụng có Volkswagen AG, EXOR SpA, BMW, Aldi Group, ArcelorMittal…
Chuyển giao thế hệ là một cách thể hiện ước vọng phát triển bền vững và trường tồn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bài trình bày của ông Eng Chuan có một thông tin đáng lưu ý: “Nghiên cứu cho thấy, 80% các doanh nghiệp gia đình không thể duy trì được đến thế hệ thứ ba. Người xưa có câu, thế hệ ông làm chủ, thế hệ cha làm người phát triển, thế hệ cháu là những người bị tiếp quản”.
Năm ngoái, EY cũng ra một báo cáo khảo sát về công ty gia đình ở 33 quốc gia, trong đó EY dẫn số liệu từ một nghiên cứu khác: chỉ có 30% công ty gia đình có thể tồn tại được qua thế hệ thứ hai, 13% qua thế hệ thứ ba và 3% tồn tại lâu hơn.
Khảo sát khác do EY phối hợp với Đại học St. Gallen thực hiện trước đó đưa ra kết quả đáng lo ngại đối với các công ty gia đình, đó là chỉ có 22,7% sinh viên xuất thân từ những gia đình kinh doanh có nguyện vọng nối nghiệp gia đình. Điều này cho thấy, nhiều công ty gia đình sẽ phải đối mặt với thách thức tìm kiếm người kế thừa vào những năm tới.
Một trong những vấn đề mà các công ty gia đình hay gặp phải đó là có sự lẫn lộn và nhập nhằng giữa chuyện gia đình và chuyện công ty.
Ông Johan Willemen, Giám đốc điều hành tập đoàn xây dựng của Bỉ Willemen Groep NV chia sẻ trong một bài viết được EY tổng hợp rằng, chuyện công ty thường xuyên là chủ đề chính trong các bữa ăn tối của gia đình ông. “Ở nhà, chúng tôi lúc nào cũng nói về Willemen. Đó là chủ đề lớn ngay cả đối với những thành viên không liên quan gì đến Công ty”.
Để tránh lẫn lộn chuyện gia đình và chuyện công ty, theo ông Eng Chuan, các công ty gia đình phải đưa ra các nguyên tắc rõ ràng, cụ thể.
“Mọi người xem World Cup vừa rồi đều biết, tất cả cầu thủ đều phải chơi theo luật chơi. Doanh nghiệp cũng thế, các thành viên trong gia đình đều có thể tham gia vào chuyện công ty, nhưng phải có nguyên tắc. Quý vị có thể đưa ra bất cứ nguyên tắc nào mình muốn và cũng có thể điều chỉnh chúng sau này. Nguyên tắc không đảm bảo sự thành công, nhưng là điều kiện tối thiểu phải có. Nguyên tắc trung tâm trong quan hệ giữa gia đình và doanh nghiệp là văn hoá. Văn hoá ở đây bao gồm việc xác định giá trị cốt lõi, tầm nhìn và quy tắc ứng xử”, ông Eng Chuan nói.
Tại Việt Nam, không ít công ty gia đình có hiện tượng "nhập nhằng” liên quan đến tài chính giữa gia đình và công ty. Đọc báo cáo của các công ty như Thuận Thảo (GTT), Hưng Đạo Container (HDO), Quốc Cường Gia Lai (QCG)…, không khó nhận ra các giao dịch có biểu hiện như vậy.
Ông Eng Chuan cho biết, trên thế giới, có những công ty đã phát triển hàng trăm mảng kinh doanh và tồn tại cả trăm năm. Đặc điểm nổi bật của các công ty này là quản trị tốt và minh bạch, bên cạnh tư duy đổi mới.
Ông Mario Preve, Chủ tịch Riso Gallo - nhà sản xuất gạo của Ý, thành lập từ năm 1845, từng ví công ty gia đình như một cuộc chạy đua tiếp sức: “Ai đó chạy ngang đưa cho bạn một cái ba-ton và sau đó bạn chuyển nó cho một người khác. Chúng tôi không tiếp nhận công ty từ cha mẹ, nhưng chúng tôi đang mượn nó từ con cái chúng tôi. Chúng tôi đang nghĩ đến chuyện nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến con cái chúng tôi. Chúng tôi không nghĩ bằng quý, mà bằng thế hệ”.
Tầm nhìn dài hạn là thứ mà các công ty gia đình phải có và phải được thể hiện qua những hành động ngay hôm nay.