Công ty đại chúng sắp hết cửa “trốn” niêm yết

Công ty đại chúng sắp hết cửa “trốn” niêm yết

(ĐTCK) Với phương án mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa đề xuất, hàng trăm công ty đại chúng sắp hết đường “trốn” niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung, vấn đề đang gây nhức nhối trên thị trường.

Thu tiền và... “trốn”

Trong số hàng nghìn công ty đại chúng (kể cả DN hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, lẫn DN tư nhân) đã nộp hồ sơ đăng ký là công ty đại chúng với UBCK tính đến thời điểm này, thì qua theo dõi của UBCK, có không ít công ty đã phát hành cổ phiếu ra công chúng, nhưng do “khoảng trống” pháp lý hiện hành, nên các DN này tìm cách né tránh việc niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Tình trạng trên đang diễn ra nhức nhối và gây bức xúc trong giới đầu tư. Lý do là bởi sau khi NĐT bỏ tiền ra mua cổ phiếu, không có thị trường hợp pháp cho họ giao dịch. Mặt khác, do DN không niêm yết, không đăng ký giao dịch, nên không có nghĩa vụ minh bạch thông tin theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Hệ quả là NĐT “mù” thông tin về DN và đối mặt với rủi ro lớn khi đã... lỡ bỏ tiền đầu tư vào DN.

Đáng nói là vì khoảng hở của quy định pháp lý hiện hành, nên UBCK gần như bó tay trong quản lý, giám sát, cũng như xử lý các hành vi vi phạm của các công ty đại chúng.

Theo kinh nghiệm quốc tế, để không dẫn đến tình cảnh “thả gà ra đuổi” như trên, hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, bao gồm cả chào bán cổ phần lần đầu (IPO) là một mắt xích trong chuỗi quy trình: chào bán - đăng ký lưu ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký và đăng ký niêm yết/giao dịch trên Sở GDCK.

Chính quy định pháp lý hiện hành chưa định rõ quy trình này, nên sau khi chào bán chứng khoán ra công chúng, DN thu tiền của NĐT xong rồi tìm cách “trốn” việc đăng ký lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho NĐT, lẫn công tác quản lý, giám sát hoạt động của các công ty đại chúng.

Đề xuất “thuốc trị”

Để lấp khoảng trống pháp lý trên, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, mà UBCK vừa công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường, đưa ra quy định mới: cổ phiếu đã chào bán ra công chúng phải được đăng ký để lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký và đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM theo nguyên tắc: trường hợp cổ phiếu chào bán trong các đợt đấu giá để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc cổ phiếu chào bán ra công chúng của DN không có vốn nhà nước theo quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán, trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, tổ chức phát hành phải hoàn tất các thủ tục để đăng ký lưu ký cổ phiếu tập trung tại Trung tâm lưu ký và đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM.

Trung tâm lưu ký có trách nhiệm phối hợp với Sở GDCK đưa cổ phiếu đã đăng ký lưu ký tập trung vào giao dịch trên hệ thống UPCoM.

Tổ chức phát hành có trách nhiệm công bố thông tin trong vòng 24 giờ về việc đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM ngay sau khi nhận được thông báo của Sở GDCK về việc hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch...

Trường hợp doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo quy định tại Điều 22 Nghị định 58/2012 đáp ứng điều kiện niêm yết theo quy định, trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, DN phải hoàn tất các thủ tục để đăng ký lưu ký cổ phiếu tập trung tại Trung tâm lưu ký và đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM, đồng thời được nộp hồ sơ niêm yết ngay sau khi kết thúc đợt đấu giá.

Trường hợp chủ sở hữu Nhà nước (bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, DN do Nhà nước sở hữu hoặc doanh nghiệp nhà nước 100% vốn Nhà nước sở hữu) thực hiện bán phần vốn Nhà nước nắm giữ tại các DN ra công chúng, trước khi thực hiện đấu giá chào bán cổ phiếu, chủ sở hữu Nhà nước phối hợp cùng tổ chức phát hành đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký.

Theo kế hoạch, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012 sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ trong tháng 10/2015. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến các thành viên thị trường, UBCK phấn đấu sớm trình Bộ Tài chính, trên cơ sở đó cố gắng trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian sớm hơn nhiều so với kế hoạch, để mở ra cơ chế pháp lý cho thị trường áp dụng ngay trong năm nay.

Tin bài liên quan