Việc khép kín của nhiều DN đại chúng đã ảnh hưởng đến quyền được thông tin của các cổ đông không có điều kiện tham dự đại hội và những nhà đầu tư khác quan tâm đến DN.
Có DN còn “cẩn thận” đưa ra quy định phong tỏa các thông tin diễn ra tại đại hội. Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE) là một ví dụ.
Tại đại hội đồng cổ đông 2014 vừa diễn ra, VIWASE đưa ra quy định: “Cổ đông phải giữ bí mật, bảo quản tài liệu, không được sao chép, ghi âm đưa cho người ngoài…”. Việc này đã gây bức xúc cho một số cổ đông bởi, nội dung này không những đi ngược lại tinh thần công khai, minh bạch trong công ty đại chúng, mà còn có dấu hiệu vi phạm quyền tự do cá nhân.
Để tạo sự công khai, minh bạch và bình đẳng về thông tin cho các nhà đầu tư, thời gian qua, cơ quan quản lý đã đưa ra những quy định khá rõ ràng trong việc công bố thông tin.
Chẳng hạn, Điều 7, Thông tư 52/2012/TT-BTC quy định: “Công ty đại chúng phải công bố đầy đủ nội dung thông tin về Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trên trang thông tin điện tử của công ty đại chúng”. Quy định là vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp không hề chấp hành.
Tại trang thông điện tử của Công ty cổ phần Bao bì Hà Tiên (http://www.hakipack. com.vn) không có bất cứ chỗ nào đăng tải báo cáo tài chính các năm 2012, 2013.
Phóng viên Báo Đầu tư đã gọi điện cho ông Nguyễn Hữu Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bao bì Hà Tiên để hỏi về vấn đề này và được trả lời rằng, thông tin đó có đăng trên website của Công ty. Tuy nhiên, ông Đức lại không thể chỉ rõ các thông tin đó đăng ở chỗ nào.
Việc công bố báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Bao bì Hà Tiên chỉ là một trong nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến công bố thông tin của doanh nghiệp này. Tại đại hội đồng cổ đông 2014 vừa diễn ra, công ty này đã thông qua nội dung Tờ trình về chủ trương tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, các cổ đông không có điều kiện tham dự đại hội không thể có cách nào để biết được cụ thể nội dung tờ trình đó.
Cũng theo nội dung Thông tư 52/2012/TT-BTC, công ty đại chúng phải công bố toàn bộ tài liệu họp đại hội đồng cổ đông trên trang thông tin điện tử của công ty trước đại hội đồng cổ đông mười lăm ngày. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, trong mùa đại hội đồng cổ đông 2014, rất ít doanh nghiệp chấp hành quy định này. Điều đó cho thấy, mặc dù pháp luật về công bố thông tin đã có những quy định khá cụ thể, nhưng hiệu lực pháp luật rất thấp.
Việc nhiều công ty đại chúng, công ty niêm yết o bế, chậm công bố, thậm chí không công bố thông tin rộng rãi đang tạo ra những đặc quyền khổng lồ cho nhóm cổ đông nội bộ so với các cổ đông khác.
Cách đây một thời gian, Báo Đầu tư đã có bài viết phản ánh những diễn biến bất thường khi một số cổ đông nội bộ Công ty cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV Gas D) bán cổ phiếu PGD ồ ạt ngay trước khi có một thông tin quan trọng được công bố.
Cụ thể, sau khi một loạt cổ đông nội bộ của PV Gas D bán cổ phiếu, PV Gas D bất ngờ công bố việc Công ty phải điều chỉnh tăng giá mua khí từ nhà cung cấp từ 8,35 USD/MMBTU lên 10,55 USD/MMBTU, chi phí tăng thêm (phát sinh từ đầu quý II/2012) được hạch toán vào giá vốn hàng bán điều chỉnh trong quý III/2012. Việc này làm cho PV Gas D từ đang có lãi hơn 383 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm sang bị lỗ gần 226 tỷ đồng trong quý III.
Sau khi Báo Đầu tư có bài báo phản ánh diễn biến bất thường này, PV Gas D đã có Công văn số 994/CV-KTA gửi Báo Đầu tư cho biết, Công ty đã kiểm tra các cổ đông nội bộ bán cổ phiếu và việc các cổ đông này có biết trước thông tin hay không thì Công ty chưa thể khẳng định được (các cổ đông nội bộ này có cả Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng - PV). PV Gas D cho biết, Công ty sẽ tiến hành kiểm tra, nếu có hiện tượng vi phạm sẽ có những biện pháp xử lý cụ thể.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, PV Gas D vẫn không có thêm thông tin phản hồi nào về việc Công ty có điều tra hay không và kết quả ra sao.