Công ty đại chúng lúng túng với Thông tư 121

Công ty đại chúng lúng túng với Thông tư 121

(ĐTCK) Năm 2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng (CTĐC), nhưng có một số nội dung gây lúng túng cho DN trong việc tổ chức ĐHCĐ.

Cho biểu quyết từ xa nhưng chưa ra quy chế

Thông tư 121 cho phép cổ đông được bỏ phiếu từ xa (điểm a Khoản 2 Điều 11) trong cuộc họp ĐHCĐ, nhưng chưa có quy định hay hướng dẫn cụ thể, nên có nhiều cách hiểu khác nhau về điều kiện để tổ chức cuộc họp. Có quan điểm cho rằng, điều kiện để tổ chức cuộc họp ĐHCĐ là căn cứ vào số cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông hoặc đại diện của cổ đông trực tiếp dự họp, chứ không tính số cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông có phiếu biểu quyết từ xa.

Tuy nhiên, quan điểm khác cho rằng, điều kiện để tiến hành họp ĐHCĐ phải tính cả số cổ phần của cổ đông có phiếu biểu quyết từ xa. Sở dĩ Luật Doanh nghiệp đưa ra điều kiện tiến hành cuộc họp ĐHCĐ (có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) là để đảm bảo khi một nghị quyết của ĐHCĐ được thông qua thì nó phải đại diện đa số cổ phần có quyền biểu quyết, chứ không phải của đa số thành viên dự họp. Việc số lượng cổ đông hay đại diện của cổ đông tham dự nhiều hay ít không có ý nghĩa trong việc tiến hành cuộc họp ĐHCĐ. Mặt khác, nếu số cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông bỏ phiếu từ xa không được tính vào điều kiện để tiến hành cuộc họp ĐHCĐ, thì sẽ không có cơ sở để tính tỷ lệ biểu quyết để thông qua nghị quyết của đại hội.

Công ty đại chúng lúng túng với Thông tư 121 ảnh 1

Số thành viên HĐQT do cổ đông lớn đề cử gần như chiếm tỷ lệ tuyệt đối trong HĐQT

Như vậy, để tránh các tranh chấp không cần thiết, Nhà nước nên xây dựng một quy chế tổ chức cuộc họp ĐHCĐ. Trong đó, quy định rõ điều kiện, trình tự thủ tục để tiến hành họp ĐHCĐ trong trường hợp có cổ đông thực hiện quyền biểu quyết từ xa.

 

Lấn cấn quyền đề cử của cổ đông lớn

Theo Thông tư 121, từ năm 2013, trong cơ cấu của HĐQT phải có ít nhất 1/3 thành viên HĐQT không điều hành (đối với CTĐC thông thường), 1/3 thành viên HĐQT độc lập (đối với CTĐC quy mô lớn). Để đáp ứng điều kiện này, các CTĐC có hai cách để lựa chọn: (i) giữ nguyên số lượng thành viên HĐQT hiện tại, nhưng phải thay thế một vài thành viên HĐQT trong số đó để đảm bảo có ít nhất 1/3 số lượng thành viên HĐQT độc lập, không điều hành; hoặc (ii) bầu bổ sung thành viên HĐQT độc lập để đảm bảo trong HĐQT có được 1/3 thành viên HĐQT độc lập, không điều hành. Vấn đề rắc rối là từ việc bầu bổ sung này.

Theo điểm a khoản 2 Điều 79 Luật Doanh nghiệp, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông (cổ đông lớn) trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền đề cử người vào HĐQT. Theo khoản 3 Điều 29 Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, các cổ đông lớn được quyền đề cử một số lượng hữu hạn ứng viên vào HĐQT. Tuy nhiên, luật không quy định rõ số lượng hữu hạn các ứng viên mà cổ đông lớn này được quyền đề cử là áp dụng cho cả nhiệm kỳ của HĐQT, hay cho mỗi lần bầu cử. Chính điều này đã dẫn đến tranh cãi giữa các cổ đông lớn và các cổ đông nhỏ khi bầu bổ sung thành viên HĐQT.

Phía cổ đông lớn cho rằng, luật không hạn chế quyền đề cử thành viên HĐQT của cổ đông, miễn sao các cổ đông hoặc nhóm cổ đông thỏa mãn điều kiện về số lượng và thời gian nắm giữ cổ phiếu tại thời điểm bầu cử thì được quyền đề cử, mà không phân biệt số lượng ứng viên được quyền đề cử đó áp dụng cho cả nhiệm kỳ HĐQT hay bất kỳ cuộc bầu thành viên HĐQT. Việc đề cử ứng viên HĐQT là nhằm giới thiệu cho ĐHCĐ những ứng viên sáng giá nhất để đại hội có nhiều cơ hội lựa chọn và việc lựa chọn được chính xác nhất. Việc có trúng cử thành viên HĐQT hay không là do ĐHCĐ quyết định, chứ không phải do bản thân cổ đông đề cử đó quyết định. Quyền đề cử này không dành riêng cho cổ đông lớn, mà cho mọi cổ đông. Các cổ đông nhỏ có thể gộp số cổ phần của mình lại để thực hiện quyền đề cử. Việc này hoàn toàn bình đẳng giữa các cổ đông. Nếu không cho các cổ đông lớn thực hiện quyền đề cử của mình là vi phạm pháp luật, vì đã hạn chế quyền của cổ đông.

Nhưng phía cổ đông nhỏ cho rằng, giới hạn số lượng ứng viên đề cử này áp dụng cho cả nhiệm kỳ HĐQT. Những cổ đông lớn đã đề cử hết số ứng viên mà luật quy định thì không được phép đề cử nữa. Nếu cổ đông lớn đề cử ứng viên để bầu vào HĐQT thì sẽ không đảm bảo tính độc lập của thành viên HĐQT trong trường hợp ứng viên đó trúng cử.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 121, thì tính độc lập của ứng viên không phụ thuộc vào cổ đông nào đề cử, mà phụ thuộc vào ứng viên đó có quan hệ như thế nào đối với các cổ đông lớn và những người quản lý, điều hành DN. Do đó, quan điểm và lập luận của nhóm cổ đông lớn đưa ra là có lý.

Tuy nhiên, xét thực tế tại Việt Nam , thì quy định pháp luật hiện nay và các lập luận của nhóm cổ đông lớn lại đi ngược mục đích ban đầu khi ban hành quy chế quản trị là muốn bảo vệ lợi ích của đa số cổ đông. Hiện nay, pháp luật không hạn chế tỷ lệ nắm giữ cổ phần của một cổ đông và những người liên quan của cổ đông trong CTĐC, trừ một số lĩnh vực hạn chế tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nước ngoài. Chính điều này đã làm vô hiệu hóa các quy định của pháp luật trong việc đề cử thành viên HĐQT.

Mục đích của việc yêu cầu HĐQT phải có ít nhất 1/3 thành viên HĐQT độc lập, không điều hành là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐQT. Các thành viên HĐQT phải đại diện cho lợi ích của nhiều nhóm cổ đông khác nhau, tránh tình trạng cổ đông lớn thao túng mọi hoạt động của công ty thông qua các thành viên HĐQT do mình đề cử và làm ảnh hưởng đến lợi ích của đa số cổ đông nhỏ. Do đó, đối với các CTĐC có những cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối (trên 35% tổng số cổ phần của CTĐC) thì với nguyên tắc bầu dồn phiếu, chắc chắn các ứng viên mà cổ đông lớn đề cử bổ sung sẽ trúng cử thành viên HĐQT. Kết quả là số thành viên HĐQT do cổ đông lớn đề cử gần như chiếm một tỷ lệ tuyệt đối trong HĐQT. Mặc dù mang danh là CTĐC, nhưng thực chất nó là công ty của cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối. Điều này không phải là một thực hành quản trị tốt cho CTĐC.

Do đó, để cổ đông lớn không lợi dụng ưu thế của mình gây tổn hại đến quyền và lợi ích của công ty và các cổ đông khác, Nhà nước nên có quy định hạn chế tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông và người liên quan trong CTĐC. Theo đó, trong một CTĐC, cổ đông và những người liên quan của cổ đông không được cùng nhau nắm giữ quá 35% tổng số cổ phần của CTĐC, tỷ lệ cụ thể do công ty quy định. Ngoài ra, để hài hòa lợi ích giữa các cổ đông, Nhà nước cũng nên quy định, trong một nhiệm kỳ của HĐQT, nếu cổ đông hoặc nhóm cổ đông đã đề cử đủ số ứng viên mà pháp luật quy định, thì không cho phép đề cử thêm khi bầu bổ sung thành viên HĐQT. Việc đề cử này sẽ giao cho các cổ đông khác, hoặc HĐQT đương nhiệm đề cử.