Công ty đại chúng còn “xử tệ” với cổ đông

Công ty đại chúng còn “xử tệ” với cổ đông

(ĐTCK) Bỏ đồng vốn đầu tư vào DN, nhưng các cổ đông không khỏi bức xúc khi họ đang bị nhiều công ty đại chúng đối xử tệ.

Đại hội cổ đông: 3 “điểm đen”

Hiện có khoảng 1.200 DN đăng ký là công đại chúng (CTĐC) với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn so với quy mô khoảng 70.000 công ty cổ phần đang hoạt động.

Điều này có nghĩa là một lượng không nhỏ CTĐC đang “trốn” nghĩa vụ minh bạch thông tin theo quy định của Thông tư 52/2012/TT-BTC về công bố thông tin trên TTCK.

Theo kết quả khảo sát của Nhóm công tác quản trị DN và tính minh bạch thuộc Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2013 vừa diễn ra, thực tế trên là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng CTĐC “xử tệ” với các cổ đông.

Điều này thể hiện ở điểm số đánh giá CTĐC Việt Nam theo 5 nguyên tắc quản trị DN của OECD gồm: quyền của cổ đông; đối xử công bằng với các cổ đông; vai trò của những người có quyền lợi và lợi ích liên quan; công bố thông tin và tính minh bạch; trách nhiệm của HĐQT, đều bị điểm kém.

Hiện trạng trên phản ánh một thực tế, nhiều CTĐC đang xâm hại quyền lợi của cổ đông. Điều này thể hiện rõ nhất qua 3 “điểm đen” về ĐHCĐ.

Đầu tiên là các vi phạm ở khâu trước ĐHCĐ. Luật Doanh nghiệp quy định, người triệu tập họp ĐHCĐ phải gửi thông báo mời họp đến tất cả cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 7 ngày làm việc trước ngày khai mạc, nhưng quy định này thường không được tuân thủ.

Mặt khác, thông báo ĐHCĐ thường thiếu thông tin giải thích và cơ sở hợp lý đối với những nội dung được dự kiến xem xét thông qua.

Thứ hai, ở khâu tiến hành ĐHCĐ, các biên bản của cuộc họp không phản ánh đầy đủ nội dung, nhất là các ý kiến tranh luận gay gắt; thời gian dành cho phần nêu câu hỏi thường bị DN cắt xén bằng nhiều thủ thuật.

Thứ ba, sau ĐHCĐ, các nghị quyết không được công bố ngay theo thông lệ quốc tế. Cổ đông khó tiếp cận thông tin về các thành viên HĐQT, các lãnh đạo chủ chốt khác tại DN…

Để bảo vệ cổ đông, Nhóm công tác kiến nghị, cần sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng tăng thời hạn thông báo ĐHCĐ từ 7 ngày lên 14 ngày, hai năm sau khi áp dụng ngưỡng này, cần tăng lên 21 ngày và 3 năm sau, ngưỡng này tăng lên 28 ngày theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, cần bổ sung quy định, nếu có cổ đông không phải là người Việt Nam, DN phải có thêm thông báo ĐHCĐ bằng tiếng Anh.

Để khắc phục những bất cập của việc công bố kết quả ĐHCĐ, giới đầu tư đề xuất, cần sửa Luật Doanh nghiệp theo hướng buộc DN phải công bố biên bản ghi nhận toàn bộ kết quả biểu quyết của tất cả các nội dung, bao gồm thông tin về số phiếu biểu quyết của từng thành viên HĐQT, trong vòng 24 giờ kể từ khi kết thúc ĐHCĐ.

Biên bản ĐHCĐ phải được phê chuẩn và công bố trên trang thông tin điện tử của DN trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc ĐHCĐ.

Biên bản họp, các nghị quyết cuối cùng đã phê duyệt và tất cả văn bản, tài liệu có liên quan phải được gửi cho tất cả cổ đông bằng đường bưu điện trước 10 ngày kể từ ngày kết thúc ĐHCĐ.

Đối với DN có cổ đông nước ngoài nắm giữ trên 10% cổ phần đã phát hành, hoặc vốn điều lệ đã đăng ký, thì Luật Doanh nghiệp cần buộc DN phải ban hành tất cả thông báo, biên bản và những văn bản, tài liệu khác cho cổ đông bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Cần chế tài nghĩa vụ trả cổ tức

Chính sách cổ tức không minh bạch của các CTĐC cũng đang là vấn đề gây bức xúc cho các cổ đông. Điều này xuất phát từ khoảng hở của quy định pháp lý là không có chế tài đối với hành vi vi phạm chính sách trả cổ tức đã được ĐHCĐ thông qua.

“Một công ty liên kết nợ chúng tôi hơn 1 tỷ đồng tiền cổ tức gần 2 năm nay, nhưng chúng tôi không có cách nào để đòi được khoản tiền này”, lãnh đạo một CTCK bức xúc nói với Đầu tư Chứng khoán.

Để khắc phục bất cập trên, cần sớm có cơ chế xử phạt đối với thành viên HĐQT nếu không chi trả cổ tức đúng hạn.

Cùng với đó, quy định pháp lý cần được sửa đổi để buộc DN minh bạch chính sách cổ tức theo hướng: thông tin mới nhất của DN liên quan đến chi trả cổ tức trong 3 năm trước đó phải liên tục được đăng tải trên trang thông tin điện tử của DN tại mọi thời điểm; DN nêu rõ chính sách chi trả cổ tức trong các báo cáo thường niên…        

>>Công ty đại chúng, khái niệm nhiều tranh cãi  

>>Công ty đại chúng lúng túng với Thông tư 121

>>Ai “bắt lỗi” DN đại chúng không đăng ký?