Trả lời:
Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và chứng khoán, công ty đại chúng chỉ được mua lại cổ phiếu của mình để làm cổ phiếu quỹ khi đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có nghị quyết của ĐHCĐ thông qua đối với trường hợp mua lại trên 10% nhưng không quá 30% tổng số cổ phần đã phát hành, hoặc nghị quyết của HĐQT thông qua đối với trường hợp mua lại không quá 10% tổng số cổ phần đã phát hành trong mỗi 12 tháng.
2. Có đủ vốn để mua lại cổ phiếu quỹ từ các nguồn: nguồn thặng dư vốn; lợi nhuận để lại; các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
3. Có phương án mua lại trong đó nêu rõ thời gian thực hiện, nguyên tắc xác định giá.
4. Công ty không được thực hiện việc mua lại cổ phiếu của chính mình trong các trường hợp: đang kinh doanh thua lỗ hoặc đang có nợ quá hạn; đang trong quá trình chào bán cổ phiếu để huy động thêm vốn; đang thực hiện tách, gộp cổ phiếu; cổ phiếu của công ty đang là đối tượng chào mua công khai.
5. Công ty cũng không được mua cổ phần của các đối tượng sau làm cổ phiếu quỹ: người quản lý công ty; vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh chị em ruột của cá nhân đó; người sở hữu cổ phần có hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty; cổ đông có cổ phần chi phối, trừ trường hợp Nhà nước thực hiện bán bớt cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu trong DN.
HĐQT quyết định giá mua lại cổ phần. Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại. Đối với cổ phần loại khác, nếu điều lệ công ty bạn không quy định thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường.
Sau khi thanh toán hết số cổ phần mua lại, nếu tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty giảm hơn 10% thì công ty phải thông báo cho tất cả các chủ nợ biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thanh toán hết số cổ phần mua lại.