Chỉ chờ đến báo cáo tài chính 2014 kiểm toán, V15 sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc

Chỉ chờ đến báo cáo tài chính 2014 kiểm toán, V15 sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc

Công ty con nợ lương, Vinaconex có trách nhiệm liên đới?

(ĐTCK) Sáng 9/2, gần 30 công nhân CTCP Vinaconex 15 (V15) đã kéo đến trụ sở Tổng công ty Vinaconex (34 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) căng biểu ngữ đòi doanh nghiệp này phải thanh toán tiền nợ lương của họ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện cho nhóm công nhân, hiện có nguồn từ quyết toán công trình nhà N05 (Khu Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) do V15 xây dựng, nhưng không trích một phần trong số kinh phí thu được đó để trả tiền lương, tiền công cho công nhân, nên họ kéo nhau tới đây để yêu cầu Tổng công ty phải can thiệp.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Chí Sơn, đại diện Vinaconex, hiện Tổng công ty không còn bất cứ khoản tiền nào có liên quan đến việc nợ đọng của V15, cũng như giữa Tổng công ty và V15 không có bất cứ khoản tiền nào có thể cấn trừ để tạm ứng cho công nhân. Thậm chí, có những dự án, V15 mới chỉ hoàn tất 95% số lượng hồ sơ theo yêu cầu, Vinaconex đã thanh toán toàn bộ số tiền cho V15.

V15 có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Vinaconex có phần vốn góp chiếm 51% vốn điều lệ; Giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Xuân Thao. Vinaconex 15 hiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán với mã chứng khoán là V15.

Trong nhiều năm trở lại đây, Vinaconex 15 gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất - kinh doanh thua lỗ, không trả được cổ tức cho các cổ đông và hiện có nhiều khoản công nợ với các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có việc nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động. Chủ tịch HĐQT của Công ty trong giai đoạn 2012 - 2013 đã bị miễn nhiệm.

Theo công bố của V15, doanh nghiệp này đã có dấu hiệu sụt giảm mạnh nguồn thu từ cuối năm 2012 và cho đến nay, tình trạng này vẫn không được cải thiện. Cả năm 2014, V15 chỉ ghi nhận được 765 triệu đồng doanh thu thuần; lợi nhuận sau thuế âm 29,13 tỷ đồng. 

V15 đã lỗ 2 năm liên tiếp (2012 và 2013). Lỗ lũy kế đến nay là 97 tỷ đồng (gần như mất hết vốn). Như vậy, chỉ chờ đến báo cáo kiểm toán, V15 sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Cũng theo báo cáo tài chính của Công ty, tính đến 31/12/2014, V15 đang có gần 109 tỷ đồng phải thu khách hàng, hàng tồn kho ở mức 96,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số dư đầu kỳ; nợ phải trả là 231,3 tỷ đồng và toàn bộ là nợ ngắn hạn. V15 đã bị đưa vào diện bị kiểm soát và hạn chế giao dịch từ ngày 5/1/2015. Thị giá cổ phiếu hiện chỉ còn 1.400 đồng/cổ phiếu và gần như không có giao dịch. Như vậy có thể hiểu, cổ đông của V15 đã gần như mất trắng.

Liên quan đến hoạt động của công ty con, Vinaconex cho biết, Tổng công ty đã nỗ lực dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ V15 giải quyết các khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó có việc ưu tiên tối đa trong hỗ trợ thanh toán các khoản công nợ giữa hai bên theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đã và đang hỗ trợ Công ty về nguồn công việc, hỗ trợ nguồn nhân lực để củng cố công tác quản trị, tăng cường thu hồi công nợ, kiểm soát dòng tiền và thủ tục thanh quyết toán các công trình với các chủ đầu tư; cố gắng thu hồi nợ đọng để giải quyết công nợ cho người lao động và các khoản nợ với các đối tác.

Không chỉ có V15, một số công ty con khác của Vinaconex cũng rơi vào tình trạng tương tự (ảnh: internet) 

Mặc dù đã rất cố gắng nhưng hiện nay, tình hình hoạt động của V15 vẫn hết sức khó khăn, nhiều khoản nợ chưa thanh toán được, trong đó có nợ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Không chỉ có V15, một số công ty con khác của Vinaconex cũng rơi vào tình trạng tương tự. Báo cáo của Vinaconex cho biết, trong thời gian qua, dưới tác động của suy thoái kinh tế và khó khăn của ngành xây dựng, nhiều đơn vị của ngành xây dựng nói chung và của Vinaconex nói riêng gặp khó khăn, hoạt động sản xuất - kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ và có tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động. Nhiều cá nhân đã tìm cách gây sức ép với Tổng công ty, đòi Tổng công ty phải giải quyết.

Ông Phạm Chí Sơn cho biết, hiện Tổng công ty chưa có phương án nào để có thể hỗ trợ V15 giải quyết tình trạng nợ lương. Về lý, Vinaconex và V15 là hai pháp nhân độc lập, Vinaconex chỉ là một trong số các cổ đông có vốn góp tại V15, nên các khoản công nợ của V15, trong đó có nợ lương người lao động, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng công ty.

Tương tự ở các trường hợp khác, Vinaconex cũng chỉ là cổ đông góp vốn tại đơn vị đó, mà không phải là đơn vị có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề công nợ, bao gồm cả nợ lương người lao động.

Tin bài liên quan