Dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum dự kiến phát điện vào tháng 9 tới, thay vì quý II như kế hoạch trước đó.

Dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum dự kiến phát điện vào tháng 9 tới, thay vì quý II như kế hoạch trước đó.

Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH): Áp lực dòng tiền bủa vây

0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục lỗi hẹn phát điện Dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đứng trước áp lực dòng tiền để thanh toán cho nhà thầu, trả nợ…

Thêm một lần lỗi hẹn

Theo cập nhật mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình các dự án nguồn điện, Dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum (Dự án Thượng Kon Tum) của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã CK: VSH) đã đóng cống dẫn dòng tích nước hồ chứa và chuẩn bị phát điện trong tháng 9/2020. Trong báo cáo cách đây 2 tháng của EVN, mốc thời gian phát điện của dự án này là quý II/2020.

Nguyên nhân trễ hẹn chủ yếu bởi việc tích nước để phục vụ công tác nghiệm thu, vận hành thử nghiệm thiết bị trùng với cao điểm mùa khô tại Tây Nguyên.

Dù bắt đầu tích nước từ cuối tháng 2, nhưng phải đến tháng 6, Dự án mới tích được 40 triệu m3 và trở lại trả nước cho sông Đắk Nghé. Tình trạng thiếu nước tưới cho hạ du cũng khiến chủ đầu tư phải đền bù để người dân ổn định sản xuất.

Đây không phải lần đầu, Dự án Thượng Kon Tum “lỗi hẹn” kể từ khi khởi công (năm 2009) đến nay.

Giải thích về việc chậm trễ thi công, ngoài nguyên nhân khách quan từ yếu tố địa chất, điều kiện thi công các công trình ngầm, sự cố sập hầm…, tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, lãnh đạo CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cũng thừa nhận, việc quản lý Dự án còn hạn chế, vượt quá tầm.

Không dễ xoay xở vốn

Trong lần trả lời phỏng vấn từ 5 năm trước, một lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã ước tính, mỗi năm Dự án Thượng Kon Tum chậm tiến độ sẽ thất thu khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng.

Khoản thất thu này không chỉ là phần doanh thu đáng lẽ được ghi nhận nếu Nhà máy hoạt động, mà còn là chi phí xây dựng “đội” lên vì lạm phát, lãi vay tăng, kéo dài thêm ngày nợ.

Tổng mức đầu tư của Dự án Thượng Kon Tum có tới 2 lần “đội vốn”, từ 5.700 tỷ đồng ban đầu lên 9.428 tỷ đồng.

Hợp đồng Mua bán điện với Công ty Mua bán điện (EPTC) đang được thỏa thuận dựa trên tổng mức đầu tư ban đầu với giá bán điện dự kiến là 912 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế, phí). Để tăng được giá bán, chủ đầu tư sẽ phải tiếp tục đàm phán sau khi hoàn tất quyết toán Dự án.

Ông Võ Thành Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cho biết, dòng tiền của Công ty từ nay đến cuối năm 2020 có thể âm tới 901,8 tỷ đồng.

Tổng dòng tiền vào dự kiến đến từ hoạt động kinh doanh và khoản 135 tỷ đồng cho vay thêm của CTCP Cơ điện lạnh (REE) là 415,9 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty phải chi tới 1.317,7 tỷ đồng với nhiều khoản lớn như trả nợ gốc 238 tỷ đồng cho REE, 60 tỷ đồng cho Genco 3; thanh toán gần 290 tỷ đồng cho nhà thầu, lãi vay hơn 289 tỷ đồng…

Lãnh đạo Công ty cho biết, dòng tiền chi ra thực tế đã giảm đáng kể nhờ đạt được thỏa thuận cơ cấu nợ với các ngân hàng.

Đây cũng là lý do CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đề xuất phương án tăng vốn trong kỳ Đại hội đồng cổ đông năm nay, thậm chí, từng phải lùi thời gian họp chỉ để hoàn thiện tờ trình này.

Theo đề xuất, Công ty sẽ phát hành 70 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ từ 2.062 tỷ đồng lên 2.762 tỷ đồng; đồng thời, phát hành trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 1 năm với giá trị dự kiến 700 tỷ đồng.

Cả hai đợt phát hành này đều dự kiến thực hiện ngay trong quý III/2020 với giá phát hành và giá chuyển đổi dự kiến đều là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, phương án trên đã không được thông qua với tỷ lệ tán thành/không tán thành là 66,09/33,91%. Tỷ lệ biểu quyết này cho thấy sự bất đồng trong quan điểm của REE và Genco 3 - hai cổ đông lớn nhất sở hữu lần lượt 49,52% và 30,55% vốn của Vĩnh Sơn - Sông Hinh.

Trong khi REE vừa mua thêm cổ phần của Vĩnh Sơn - Sông Hinh hồi cuối năm 2019, thì cổ đông Genco 3 - doanh nghiệp do EVN nắm hơn 99% vốn, lại có chủ trương thoái vốn. Nếu phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu được thực hiện, không dễ để Genco 3 bỏ tiền đầu tư thêm, đồng nghĩa, phải chấp nhận hạ tỷ lệ sở hữu.

Để xoay xở vốn hoạt động, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã tính đến phương án đấu giá toàn bộ 49,72% vốn tại Công ty Du lịch Bình Định, nhưng cũng không thu hút được bất kỳ nhà đầu tư nào. Vĩnh Sơn - Sông Hinh đang kéo thêm dòng tiền từ việc phát hành trái phiếu cho REE, làm việc với Ngân hàng ABBank để vay thêm 200 tỷ đồng.

Nhưng, tiếp tục tận dụng đòn bẩy tài chính sẽ càng rủi ro hơn, nhất là khi nợ đã xấp xỉ 85% tổng nguồn vốn của Công ty, theo cập nhật đến cuối quý I/2020.

Dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum nằm trong số ít dự án thủy điện của Việt Nam chuyển nước từ dòng sông này đổ về một con sông khác. Dự án có đường hầm dài gần 17 km, nằm sâu trong lòng núi với nhiều tầng địa chất đứt gãy phức tạp, lượng nước ngầm lớn. Liên danh nhà thầu Trung Quốc đã từng bỏ không Dự án hơn 2 năm, khiến tiến độ bị kéo lùi.

Tin bài liên quan