Theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét, trong nửa đầu năm 2018, CVT ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 612,65 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do tốc độ giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn (23,7%), nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ tăng nhẹ 0,2% tỷ đồng, đạt 129 tỷ đồng. Điều này kéo theo biên lợi nhuận gộp trong 6 tháng đầu năm của CVT giảm xuống 21% từ mức 25% của cùng kỳ 2017.
Dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý vẫn được kiểm soát, nhưng do chi phí tài chính tăng mạnh 19,75%, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 2,6%, xuống 89,5 tỷ đồng. Lợi nhuận kế toán trước thuế cũng giảm 3,3%, xuống 91,36 tỷ đồng, hoàn thành 35,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Từ giai đoạn 2013, CVT lần lượt mở rộng thêm 3 nhà máy mới với công suất tăng thêm lần lượt là 5 triệu m2 năm 2014, 5 triệu m2 năm 2016 và 3 triệu m2 năm 2018 nhằm mở rộng thị phần, tăng doanh thu. Tuy nhiên, điều này kéo theo áp lực về tài chính cũng bắt đầu tăng lên.
Theo báo cáo tài chính quý III/2018 vừa công bố, trong quý III/2018, lợi nhuận trước thuế của CVT tiếp tục giảm gần 21% so với cùng kỳ, đạt 51,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của CVT đạt 142,56 tỷ đồng, giảm 11,6% so với cùng kỳ và chưa hoàn thành được hơn 54% kế hoạch năm.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2018, tổng nợ phải trả của CVT là 867,43 tỷ đồng, tăng thêm hơn 170,73 tỷ đồng so với hồi đầu năm, trong đó chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính (362,88 tỷ đồng ngắn hạn và gần 194,96 tỷ đồng dài hạn).
Một điểm đáng chú ý nữa là dù nợ ngắn hạn cao và hàng tồn kho chiếm tới 70% tài sản ngắn hạn (tăng 54% so với cùng kỳ, lên 536,8 tỷ đồng), nhưng tiền và các khoản tương đương tiền của CVT chỉ có 71,6 tỷ đồng, khiến CVT đối mặt với áp lực gia tăng về khả năng thanh toán một khi các khoản nợ tới hạn.
Cũng liên quan đến hàng tồn kho, đặc thù sản xuất nên việc mua nguyên liệu nhiều, bán trả chậm là điều dễ hiểu, nhưng trong 4 năm trước đó, bên cạnh doanh thu tăng trưởng, lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh của CVT vẫn ghi nhận con số dương với tỷ lệ hàng tồn kho duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm năm 2018, lưu chuyển tiền tệ thuần của CVT đã chuyển từ trạng thái dương 5,85 tỷ đồng đầu năm, thành âm tới 85,29 tỷ đồng (thời điểm cuối tháng 6/2018). Trong đó, chiếm phần lớn là hàng tồn kho và bán chịu cho khách hàng.
Giá trị hàng tồn kho của CVT chủ yếu ở nguyên liệu, vật liệu và theo CVT là để chuẩn bị sản xuất xuất mạnh loại gạch granite thấm muối tan, sản phẩm được CVT đánh giá là sản phẩm chiến lược, có thể mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn trong thời gian sắp tới cho Công ty. Theo CVT, trong quý III/2018 mới có thể sản xuất số lượng lớn sản phẩm này và tung ra thị trường.
Tuy nhiên, việc tung sản phẩm mới ra thị trường không đồng nghĩa với việc giúp CVT nâng cao lợi nhuận, bởi hiện thị trường gạch ốp lát trong nước đang có sự cạnh tranh khá mạnh mẽ. Ngoại trừ các ông lớn trong nước như Viglacera, Đồng Tâm, Taicera…, gạch CMC còn phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại, đặc biệt là từ gạch ngói Trung Quốc với mẫu mã đa dạng và giá thành phải chăng hơn.
Một rủi ro nữa là giá nguyên vật liệu. Với doanh nghiệp sản xuất gạch, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá vốn chính là chi phí nguyên vật liệu (xương, men chiếm 30% và nhiên liệu đốt chiếm 20%). Thay đổi về giá và nguồn cung của các nguyên vật liệu sẽ có tác động lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất gạch nói chung và CVT nói riêng.
Trong khi đó, từ đầu năm 2018 đến giờ, giá nguyên vật liệu sản xuất, trong đó có giá than đã tăng khá mạnh, là một trong những nguyên nhân khiến giá vốn hàng bán của CVT trong nửa đầu năm tăng đột biến và vẫn trong xu thế tăng mạnh.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com