Thêm công ty chứng khoán Việt thuộc về người Hàn
Nhìn nhận về diễn biến dòng vốn Hàn Quốc chảy vào các công ty chứng khoán Việt Nam, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sau các chuyến xúc tiến, kêu gọi đầu tư từ các thị trường quốc tế gần đây, vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn từ Hàn Quốc, đã chảy mạnh vào các công ty chứng khoán Việt Nam.
Ðến nay, có nhiều công ty chứng khoán 100% vốn Hàn Quốc hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi mua lại các công ty chứng khoán Việt như Công ty Chứng khoán Maritime chuyển thành Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, Công ty Chứng khoán Nam An thành Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, Công ty Chứng khoán Woori CBV thành Công ty Chứng khoán NH Việt Nam… và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn.
Mới đây, Hanwha Investment & Securities Co., Ltd, một thành viên của Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đã hoàn tất việc mua lại Công ty Chứng khoán HFT - một công ty chứng khoán quy mô vốn nhỏ đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM (mã HFT).
Hanwha Investment & Securities Co., Ltd quyết định "xuống tiền" trong bối cảnh HFT hoạt động không tích cực. Kết quả kinh doanh mới nhất cho thấy công ty này tiếp tục kinh doanh sút kém. Cụ thể, trong quý I/2019, HFT chỉ đạt hơn 304 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 75% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến 31/3/2019, HFT còn lỗ lũy kế hơn 13,5 tỷ đồng, nên vốn chủ sở hữu còn gần 87,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HFT vừa bị Cục thuế TP.HCM xử phạt do vi phạm hàng loạt quy định về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Trước khi thâu tóm HFT bằng việc mua hơn 9 triệu cổ phần, qua đó nắm giữ trên 90% vốn điều lệ của HFT, Hanwha Investment & Securities Co., Ltd không sở hữu cổ phiếu HFT nào. Ngay sau khi nắm quyền sở hữu HFT, đối tác Hàn Quốc đã nhanh chóng hoàn tất việc đổi chủ khi ông Kim Dong Wook (quốc tịch Hàn Quốc) lên nắm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị HFT thay cho bà Lê Quỳnh Trang. Ông Kim Dong Wook đồng thời là người đại diện theo pháp luật của HFT.
Theo tìm hiểu của Báo Ðầu tư Chứng khoán, Hanwha Investment & Securities Co., Ltd đang trong quá trình mua nốt 10% cổ phần còn lại do nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ để biến HFT thành công ty 100% vốn Hàn Quốc.
Vốn hàn sẽ chảy nhiều hơn vào Việt Nam
Diễn biến từ thị trường cho thấy, dòng vốn đến từ Hàn Quốc chảy vào công ty chứng khoán Việt được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Theo góc nhìn của nhà đầu tư ngoại nói chung và "xứ Kim Chi" nói riêng, tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rộng mở do đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Thêm vào đó, quy mô vốn, tài sản của nhiều công ty chứng khoán Việt nhỏ, hoạt động èo uột, nên giá bán thấp.
Mặt khác, tác động tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam những năm gần đây cũng gia tăng lực hút với dòng vốn đầu tư gián tiếp. Theo Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), luỹ kế 5 tháng đầu năm nay, trong số 28.632 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực trên cả nước có tổng vốn đăng ký 350,5 tỷ USD, thì đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 64,8 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư.
Trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán, dòng vốn Hàn Quốc tiếp tục chảy. Ðơn cử, kết thúc quý I/2019, mặc dù có vốn chủ sở hữu 4.688,3 tỷ đồng - nằm trong nhóm công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn nhất thị trường, song vào giữa tháng 5/2019, thông qua đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 2/2019, Công ty TNHH Mirae Asset Việt Nam đã huy động được thêm 247 tỷ đồng (mục tiêu là phát hành 400 tỷ đồng) từ 4 nhà đầu tư Hàn Quốc. Trong đó, 2 nhà đầu tư tổ chức gồm Mirae Asset Daewoo Co., Ltd mua 200 tỷ đồng trái phiếu và Mirae Asset Securities Co., Ltd mua 40 tỷ đồng trái phiếu.
Tương tự, tại Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), ngay sau khi thâu tóm thành công Công ty Chứng khoán Maritime và đổi tên thành KBSV vào đầu năm 2018, KBSV đã hoàn thành tăng vốn điều lệ đợt 1 lên 1.107 tỷ đồng vào tháng 12/2018. Chưa dừng lại ở đó, KBSV tiếp tục tăng vốn lên 1.675 tỷ đồng sau lần tăng vốn thứ 2 vào quý I/2019.
Với Công ty Chứng khoán HFT, Hanwha Investment & Securities Co., Ltd đang lên kế hoạch tăng vốn mạnh, từ 100 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng trong năm nay. Một nguồn tin của Báo Ðầu tư Chứng khoán cho biết, đến nay, hồ sơ tăng vốn đã được trình lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Mục tiêu tăng vốn của HFT là tiếp tục đầu tư chiều sâu cho công nghệ, qua đó giúp Công ty tạo hướng đi riêng trong đón bắt những nhu cầu đầu tư mới từ thị trường trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh hơn vào lĩnh vực dịch cụ chứng khoán tại Việt Nam.
Minh bạch hơn, DN Việt Nam có nhiều cơ hội gọi vốn Hàn
Bà Đinh Thị Tâm Hiền, Tham tán phụ trách kế hoạch đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc chia sẻ, trong Chiến lược hướng về phương Nam của người Hàn Quốc, Việt Nam đang là sự lựa chọn số 1 với các doanh nghiệp (DN) nước này. Lý do là bởi Việt Nam có những lợi thế riêng có và có sự phù hợp về nhiều mặt với nguồn lực đầu tư từ Hàn Quốc.
Theo bà Hiền, nếu so sánh với sản phẩm của Nhật Bản, thì các sản phẩm của Hàn Quốc có chất lượng bằng khoảng 80%, nhưng giá thành chỉ bằng khoảng 50%. Sản phẩm của Hàn Quốc vì thế có lợi thế cạnh tranh ở nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường Việt Nam với dân số đông và xu hướng tiêu dùng phụ thuộc nhiều vào giới trẻ. Các DN Hàn Quốc nhận thấy rõ lợi thế này và rất hướng đến việc đầu tư vào Việt Nam để vừa sản xuất vừa, tận dụng thị trường tiêu thụ 100 triệu dân.
Tuy nhiên, bên cạnh hình thức đầu tư trực tiếp, hoạt động đầu tư gián tiếp thông qua việc mua lại DN Việt Nam hay đầu tư qua TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn với người Hàn Quốc. Lý do chính, theo bà Hiền, là ở việc rất ít DN Việt Nam công bố thông tin bằng tiếng Anh và việc công bố báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam khiến người nước ngoài rất khó đánh giá sức khỏe tài chính của DN.
Lãi suất ở Hàn Quốc rất thấp, chưa tới 1%, trong khi thị trường trong nước đã tương đối bão hòa, nên nhu cầu tìm các thị trường để mở rộng đầu tư ra bên ngoài của DN Hàn Quốc rất lớn. So với một số thị trường đang có nhiều nỗ lực mời gọi vốn Hàn Quốc như tại Lào, Myanmar, Campuchia… bà Hiền cho rằng, thị trường Việt Nam vẫn ưu thế hơn bởi hạ tầng giao thông, điện, nước của nước ta tốt hơn, phù hợp với nhu cầu đầu tư dài hạn, ổn định của các DN Hàn Quốc.
Với thị trường Ấn Độ, người Hàn Quốc rất quan tâm vì đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn, nhưng do xã hội ở đây phân thành nhiều giai tầng nên việc tìm kiếm lao động và quản trị lao động trong các DN sản xuất như kiểu Hàn Quốc là khó. Thị trường này vẫn đứng sau Việt Nam trong ưu tiên đầu tư của DN nước Hàn.