Nghiêng về mua phần mềm ngoại
Một mặt mừng vì tiến độ chuẩn bị cho mở cửa TTCK phái sinh đang được Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) thúc đẩy, nhưng các CTCK đang cảm thấy áp lực để có thể “chạy” kịp yêu cầu của nhà tổ chức, vận hành thị trường.
“Theo lộ trình được HNX và VSD công bố, mặc dù đã có những bước chuẩn bị từ năm trước, nhưng chúng tôi đang cảm nhận rõ áp lực về tiến độ khi dự kiến tháng 4 tới, HNX và VSD công bố đặc tả kỹ thuật cho hệ thống giao dịch, thanh toán, bù trừ chứng khoán phái sinh.
Tiếp đó, CTCK có khoảng 4 tháng chuẩn bị phần mềm để đảm bảo tháng 9/2016 bắt đầu đấu nối, kiểm tra hệ thống với HNX và VSD, nhằm sẵn sàng cho thị trường mở cửa vào cuối năm nay”, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) Trịnh Hoài Giang chia sẻ với ĐTCK. Hiện HSC đang gấp rút triển khai các hạng mục để đáp ứng tiến độ mà nhà tổ chức thị trường đưa ra.
Liên quan đến triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh, ông Giang cho biết, HSC sẽ xem xét phương án mua cả gói từ các nhà cung cấp có kinh nghiệm trên thế giới, chứ không trực tiếp xây dựng. Tuy nhiên, ngay cả với phương án mua hệ thống, thì với HSC, ngoài vấn đề kết nối với HNX, vấn đề rất quan trọng nữa là kết nối hệ thống này với hệ thống giao dịch của thị trường cơ sở hiện tại ra sao vì có liên quan đến tính giá trị tài sản thế chấp.
Không chỉ HSC, một số CTCK khác mà ĐTCK tìm hiểu cũng cho thấy, họ đang nghiêng về phương án mua hệ thống của nước ngoài. Theo bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, Giám đốc Khối Nguồn vốn và Kinh doanh tài chính, CTCK Sài Gòn (SSI), ở trong nước, hiện chưa có nhiều đơn vị cung cấp hệ thống, công nghệ để xây dựng được hệ thống hoàn chỉnh trước đòi hỏi tương thích với hệ thống giao dịch của Sở GDCK và hệ thống bù trừ, thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP).
Bởi vậy, SSI đang tìm hiểu, khảo sát và làm việc với các nhà cung cấp phần mềm cho hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh có kinh nghiệm triển khai tại các thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông, Nhật Bản, Ấn Độ… SSI đang trong quá trình rút gọn danh sách để lựa chọn đối tác tối ưu cho các hệ thống phục vụ giao dịch, thanh toán, bù trừ và hệ thống tạo lập thị trường.
Bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng giám đốc CTCK Thiên Việt (TVS) cho hay, theo chuẩn mực quốc tế, chứng khoán phái sinh là tổng hợp rất nhiều sản phẩm khác nhau, từ quỹ mở thụ động ETF, đầu tư chỉ số, đến chứng quyền, hợp đồng tương lai, quyền chọn, cho tới chứng khoán hóa các khoản vay, chứng chỉ đầu tư bất động sản…
Cùng với đó là cả một “hệ sinh thái” song hành, bao gồm khung pháp lý, các quy trình thủ tục, hệ thống công nghệ phần cứng, phần mềm của Sở GDCK và CTCK; nhân viên vận hành, tư vấn đầu tư sản phẩm… Cùng với sự phát triển của TTCK Việt Nam, các sản phẩm này sẽ dần được triển khai khi điều kiện cho phép.
Trước mắt, đối với chứng khoán phái sinh, TVS đang chủ động nhắm tới hai sản phẩm chính yếu là thành lập một quỹ mở để đầu tư vào các bộ chỉ số ngành hoặc Vnmidcap và sản phẩm vay chứng khoán để bán khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép triển khai. Đối với sản phẩm này, TVS đang hợp tác với công ty phần mềm đến từ Hồng Kông là AFE để thực hiện phát triển một module chuyên biệt, sẽ gắn kết vào hệ thống core chứng khoán hiện nay.
Hiến kế từ CTCK
Để triển khai TTCK phái sinh hiệu quả, các CTCK đưa ra nhiều đề xuất. Theo TVS, điều quan trọng là sản phẩm triển khai phải phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của các NĐT cá nhân trong nước - đối tượng đang chiếm tới 80% giá trị giao dịch. Không nên đưa ra những sản phẩm quá phức tạp, sẽ làm cho các NĐT không nhiệt tình tham gia. Sản phẩm cũng cần thiết kế đơn giản về khâu thủ tục, quy trình cho CTCK để đảm bảo giảm tối đa chi phí vận hành, quản lý và tư vấn.
“Hệ thống thanh toán, bù trừ chứng khoán phái sinh rất phức tạp. Chúng ta là nước triển khai TTCK sau, nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm quốc tế. Dẫu vậy, từ kinh nghiệm này đến triển khai thực tiễn vào TTCK Việt Nam có một khoảng cách. Các CTCK rất cần nhà quản lý, HNX và VSD sớm mô tả chi tiết hệ thống này, để các CTCK có hướng chuẩn bị về mọi mặt, đặc biệt là hệ thống công nghệ sao cho hiệu quả”, ông Giang nói.
Còn theo SSI, để đưa vào vận hành TTCK phái sinh, nhà quản lý và các thành viên thị trường phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Điều này xuất phát từ khái niệm sản phẩm mới, cho đến phương thức vận hành hoàn toàn mới so với thị trường cơ sở hiện nay. Kiến thức và hiểu biết của NĐT về chứng khoán phái sinh còn tương đối hạn chế, nên sẽ là rủi ro khi sử dụng công cụ có tính đòn bẩy cao này để phòng ngừa rủi ro cũng như đầu cơ.
Các mô hình quản trị rủi ro còn nhiều tình huống mà các CTCK chưa từng tiếp cận trong thực tế, dẫn đến khó khăn trong lựa chọn mô hình thích hợp để đo lường và đánh giá rủi ro chứng khoán phái sinh.
Để giải quyết những khó khăn trên, SSI cho rằng, các buổi đào tạo, tập huấn và hội thảo giữa cơ quan quản lý, thành viên thị trường và NĐT là hết sức cần thiết trong thời gian tới. SSI kỳ vọng, cơ quan quản lý sớm đưa ra những quy định cụ thể và minh bạch về thị trường, đồng thời cập nhật, thông báo thường xuyên đến các CTCK về yêu cầu hệ thống và điều kiện kỹ thuật để các CTCK có thể chuẩn bị và lựa chọn được hệ thống phù hợp.
Thêm vào đó, là thị trường mới nên sự tham gia của thành viên tạo lập thị trường rất quan trọng. Do đó, SSI đề xuất, cơ quan quản lý có những chính sách rõ ràng, mang tính hỗ nhà trợ tạo lập thị trường để đảm bảo tính thanh khoản và ổn định cho TTCK phái sinh.
“SSI đang triển khai đồng bộ các khâu”
Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, Giám đốc Khối Nguồn vốn và Kinh doanh tài chính, SSI
Xác định TTCK phái sinh là thị trường của sản phẩm mới, tương đối phức tạp nhưng rất hấp dẫn, nên SSI đã chuẩn bị để sẵn sàng tham gia ngay khi thị trường này ra đời. Chúng tôi đang triển khai đồng bộ từ các khâu nghiên cứu sản phẩm, thị trường và kinh nghiệm quốc tế, đến bắt đầu xây dựng hệ thống giao dịch, thanh toán, bù trừ; xây dựng quy trình, quy chế và đào tạo nhân sự để đảm bảo hoạt động hiệu quả trên TTCK phái sinh.
Là một trong những thành viên thị trường hàng đầu, đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vốn, công nghệ, hệ thống quản trị rủi ro, cùng năng lực tích hợp toàn bộ các sản phẩm và dịch vụ của TTCK phái sinh, SSI tự tin sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn khi thị trường này đi vào hoạt động.
“BSC đã mời HNX đào tạo nhân sự”
Ông Lê Quang Huy, Phó tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)
Từ năm ngoái, BSC đã triển khai nhiều công việc để có thể tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho NĐT ngay khi TTCK phái sinh đi vào hoạt động. Để gia tăng năng lực tài chính khi tham gia TTCK phái sinh, BSC có kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới. Riêng về hệ thống phần mềm, BSC đang chờ HNX và VSD chốt phương án chi tiết để chọn đối tác phù hợp và triển khai ngay. BSC dự kiến hợp tác với đối tác trong nước để xây dựng hệ thống phần mềm này.
Việc chuẩn bị nhân sự đang được BSC triển khai tích cực. Công ty đã lên danh sách 15 cán bộ tham gia các khóa đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai.
Để chủ động trong chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian qua, ngoài mời HNX tham gia đào tạo nhân sự, BSC còn tổ chức các khóa đào tạo nội bộ.