Mảng tự doanh liên tục mang lại lợi nhuận cho các công ty chứng khoán từ năm 2023 tới nay

Mảng tự doanh liên tục mang lại lợi nhuận cho các công ty chứng khoán từ năm 2023 tới nay

Công ty chứng khoán vẫn “sống nhờ” tự doanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không quá khác biệt trong vài năm qua khi cơ cấu doanh thu công ty chứng khoán được đóng góp chủ yếu từ mảng môi giới, margin, tự doanh, số ít có thêm mảng IB, nhưng động lực tăng trưởng chính lại đến từ tự doanh và margin.

Trong đó, các công ty chứng khoán nước ngoài từ lâu đã xác định 2 mảng chính là môi giới và cho vay ký quỹ - margin (với lợi thế chi phí vốn rẻ hơn so với các công ty chứng khoán trong nước), không tự doanh. Ngược lại, các công ty chứng khoán trong nước, ngoài 2 mảng này thì tập trung nhiều hơn cho tự doanh và mang lại kết quả ấn tượng khi thị trường hồi phục.

Với mảng môi giới, câu chuyện cạnh tranh gay gắt, thậm chí “một mất một còn” là không còn xa lạ, cuộc đua phí giao dịch cho tới nay là không thể đi ngược, nhiều công ty đã tiến gần về mức phí zero. Một số công ty thậm chí đưa chính sách “zero fee” trọn đời như Pinetree, DNSE hay MBS. Chưa kể đến chi phí mảng môi giới khá lớn khi hầu hết công ty chứng khoán duy trì môi giới truyền thống và cộng tác viên - với phí hoa hồng rất cao, trung bình 60-70%. Đó cũng là lý do, có thể có những công ty chứng khoán có thị phần cao nhưng lợi nhuận từ mảng này chưa tương xứng, biên lãi gộp mỏng dần.

Theo thống kê từ các cơ quan quản lý thị trường, tổng doanh thu môi giới quý II/2024 khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3% so với quý I/2024, nhưng biên lãi gộp giảm từ 23,4% xuống 20,5%. Nhìn Top 2 doanh thu môi giới, cũng là Top 2 thị phần môi giới trên HOSE, cho thấy sắc màu khá đa dạng, VPS quán quân với 893 tỷ đồng, SSI thu về 560 tỷ đồng.

Tuy nhiên, biên lãi gộp của VPS chỉ 13% do đến từ chiến lược của công ty này - tiên phong xu hướng zero fee, tập trung phát triển đội ngũ môi giới với chính sách chia phí thuộc hàng cao nhất thị trường.

Với SSI, biên lãi cải thiện từ mức 23% quý I/2024 lên mức 36% quý II. Đáng chú ý, trong quý II vừa qua, công ty này đẩy mạnh hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp khi tổng giá trị giao dịch trái phiếu của khách hàng gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây có thể là một trong các nhân tố giúp Công ty gia tăng doanh thu và biên lãi môi giới.

Trong khi đó, TCBS không có doanh thu môi giới cao như VPS, SSI…, nhưng biên lợi nhuận lại cao vượt trội, đạt khoảng 51%. Đây là kết quả từ mô hình kinh doanh của TCBS “không nhân viên môi giới” và sử dụng công nghệ để tiếp cận khách hàng. Nhờ chi phí môi giới thấp nên TCBS có lợi thế trong việc cung cấp các sản phẩm cạnh tranh như lãi suất margin thấp, các chương trình cho khách hàng đầu tư vào trái phiếu và chứng chỉ quỹ.

Trong khi đó, công ty chứng khoán Mirae Asset có biên lãi gộp mảng môi giới 10%; KBSV, FPTS, PHS… còn lỗ gộp mảng môi giới.

Những công ty có hoạt động tự doanh hiệu quả như VCI, SSI, TCBS, SHS, TVS; trong đó, TCBS chủ yếu tự doanh trái phiếu.

Thực tế, câu chuyện thị phần môi giới luôn có sự tương quan với mảng margin của công ty chứng khoán. Thống kê cho thấy, quý II/2024, khoảng 75% lợi nhuận trước thuế của các công ty chứng khoán đến từ lãi cho vay, tăng mạnh so với tỷ lệ khoảng 50% giai đoạn trước đây. Trong đó, các công ty có mảng margin góp từ 50% tổng doanh thu đến từ công ty có vốn nước ngoài như Chứng khoán Pinetree (HFT), Chứng khoán Maybank, Chứng khoán Shinhan (SSV), Chứng khoán Yuanta, Chứng khoán Mirae Asset…

TCBS cũng là quán quân dư nợ margin, với gần 24.700 tỷ đồng. Công ty ghi nhận thu nhập thuần từ margin hơn 629 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 12% so với quý I/2024 và tăng 61% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 30% vào tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh.

TCBS kết hợp giữa công nghệ hiện đại và chính sách Zero Fee - miễn phí giao dịch chứng khoán (được 2 năm), thu hút gần 60.000 khách hàng mới trong 6 tháng đầu năm 2024, cùng với giá trị giao dịch cổ phiếu trung bình trên mỗi khách hàng tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị giao dịch cổ phiếu hơn 400.000 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ.

Mạng lưới khách hàng hùng hậu cùng với chính sách margin cạnh tranh, việc gia tăng doanh thu, lợi nhuận mảng này của TCBS dường như được dự báo từ trước.

Trong nhóm công ty chứng khoán có dư nợ margin hơn 20.000 tỷ đồng còn có SSI 20.385 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm. Quy mô dư nợ trên 10.000 tỷ đồng là HSC, Mirae Asset, VPS và VND; trong đó, HSC tăng mạnh 53% nhờ tăng vốn thành công, còn VPS có dư nợ gần như không đổi.

Với tự doanh, mảng liên tục mang lại lợi nhuận đáng kể cho công ty chứng khoán từ năm 2023 tới nay, kể cả giai đoạn thị trường biến động mạnh, thì nhiều công ty chứng khoán vẫn duy trì được lợi nhuận mảng này. Những công ty có hoạt động tự doanh hiệu quả như VCI, SSI, TCBS, SHS, TVS; trong đó, TCBS chủ yếu là tự doanh trái phiếu.

Trong quý II/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 117 đợt phát hành với tổng giá trị gần 114.000 tỷ đồng, tập trung vào nhóm ngân hàng với gần 85.000 tỷ đồng. TCBS đóng góp 35% thị phần tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu ngân hàng), với tổng giá trị tư vấn phát hành hơn 10.000 tỷ đồng và tiếp tục nắm giữ vị trí quán quân về thị phần tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu ngân hàng).

Trong khi đó, mảng ngân hàng đầu tư (IB) trước đây gắn liền với tên tuổi VCI, HSC, SSI thì do bối cảnh thị trường chưa thuận lợi, vài năm gần đây chưa có nhiều thương vụ nổi bật. Trong hai năm 2022 và 2023 chỉ có 8 doanh nghiệp niêm yết mới, năm 2023 chỉ có 3,7 tỷ cổ phiếu lưu hành mới, phản ánh sự trầm lắng của hoạt động tư vấn niêm yết và phát hành.

Một chuyển động đáng ghi nhận từ nhóm công ty chứng khoán là một số công ty đang tái cấu trúc, trong đó có định hướng mô hình ngân hàng đầu tư, lấy mảng IB và tư vấn quản lý tài sản làm cốt lõi. Sự vươn lên của một số công ty chứng khoán có ngân hàng mẹ như TCBS, HDBS… giúp mang lại lợi thế cạnh tranh trong thị phần tư vấn và bảo lãnh phát hành chứng khoán. Đặc thù chung là có tham gia vào hệ sinh thái của các tập đoàn đa ngành nghề lớn ở Việt Nam và doanh thu IB liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu.

Tin bài liên quan