Công ty chứng khoán vẫn “sáng cửa”

Công ty chứng khoán vẫn “sáng cửa”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc go-live hệ thống giao dịch KRX – được xem như cơ hội để các công ty chứng khoán (CTCK) triển khai sản phẩm mới, mở rộng dư địa tăng trưởng và cũng là động lực cho nhiều đợt tăng của nhóm cổ phiếu này - tiếp tục lỗi hẹn. Song các CTCK vẫn có nhiều cơ hội kinh doanh tích cực.

Lợi nhuận quý I tăng bằng lần

Các CTCK trên thị trường đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý I/2024. Trong đó, không ít công ty báo lãi quý I tăng đột biến.

Chứng khoán VNDirect (mã VND) ghi nhận doanh thu hoạt động quý I đạt 1.384,8 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 617 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ. Chứng khoán SHS ghi nhận doanh thu hoạt động 564,5 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế đạt 356,3 tỷ đồng, gấp 8,7 lần cùng kỳ năm trước.

Chứng khoán VIX báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu năm nay với doanh thu đạt 360,6 tỷ đồng, tăng 32,6%; lợi nhuận sau thuế đạt 161,9 tỷ đồng, tăng 15,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Thị trường diễn biến tích cực cùng với việc hiện thực hóa danh mục đầu tư đã giúp Công ty có được mức lợi nhuận trước thuế từ hoạt động tự doanh là 100 tỷ đồng, so với việc lỗ trước thuế từ hoạt động tự doanh của kỳ trước là 22 tỷ đồng.

CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng ghi nhận các mảng kinh doanh chính tăng trưởng đáng kể trong quý I/2024, với doanh thu hoạt động đạt 236 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 54,7 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Thị trường chứng khoán sôi động trong quý đầu năm, với thanh khoản bình quân toàn thị trường niêm yết/đăng ký giao dịch đạt 23.247 tỷ đồng/phiên, giúp các CTCK gia tăng nguồn thu, lợi nhuận từ các mảng hoạt động. Đặc biệt, cho vay giao dịch ký quỹ (margin) hiện đang là mảng đem lại nguồn thu chính cho các CTCK. Nguồn thu từ mảng này thường chiếm khoảng 25 - 40% doanh thu hoạt động, thậm chí là mảng đóng góp lớn nhất tại một số công ty. Về lợi nhuận, lãi từ cho vay và phải thu đóng góp đến hơn một nửa tổng lãi trước thuế của nhóm công ty chứng khoán trong quý I.

Theo thống kê vừa được FiinGroup công bố, tính đến hết tháng 3/2024, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tại nhóm 48 CTCK hàng đầu (đại diện cho 93% tổng vốn chủ sở hữu toàn ngành) ghi nhận quý tăng thứ năm liên tiếp kể từ cuối năm 2022, đạt hơn 191.266 tỷ đồng và là mức cao nhất lịch sử hoạt động của thị trường.

FiinGroup cho rằng, mặc dù mức dư nợ cho vay kỷ lục, tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu của 48 CTCK trên chỉ ở mức gần 0,55 lần, vẫn còn cách khá xa tỷ lệ trần theo quy định là 2 lần. Theo đó, dư địa cho vay margin của các CTCK còn rất lớn.

Nâng vốn để nắm cơ hội tăng trưởng

Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư sinh lời, trong đó có thị trường chứng khoán và đây là yếu tố hỗ trợ cho ngành trong cả năm nay. Thực tế, các CTCK cũng nhận thấy cơ hội này và tranh thủ để nắm bắt bằng việc củng cố năng lực tài chính. Mới đây, đại hội cổ đông CTCK FPT (FPTS) đã thông qua phương án phát hành 85,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm 858 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến phát hành hơn 5,5 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ quản lý, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cả hai phương án trên đều dự kiến thực hiện vào quý II - III/2024. Nếu thành công, vốn điều lệ của FPTS sẽ tăng từ hơn 2.145 tỷ đồng lên 3.059 tỷ đồng.

Trong khi đó, ACBS đã được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng, lên 7.000 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị CTCK Nhất Việt (VFS) cũng vừa thông qua phương án phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 1.200 tỷ đồng lên 2.400 tỷ đồng. Kế hoạch này dự kiến thực hiện trong năm 2024.

Với 1.200 tỷ đồng vốn dự kiến thu về, VFS sử dụng 600 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư tự doanh và 600 tỷ đồng còn lại bổ sung hoạt động cho vay ký quỹ.

Tại đại hội cổ đông thường niên ngày 25/4, TPS cũng trình bày một loạt phương án nâng vốn. Cụ thể, trong quý I/2024, TPS đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, HĐQT trình phương án triển khai thêm các đợt phát hành cổ phiếu trong năm để tăng vốn lên 5.608 tỷ đồng.

Theo báo cáo chiến lược năm 2024, SSI Research nhận định những CTCK có khả năng tăng vốn sớm hơn sẽ có điều kiện tốt hơn để đẩy nhanh hoạt động cho vay margin, giành thêm thị phần và đạt kết quả khả quan hơn so với các CTCK khác. Đây cũng là lý do các CTCK đều “sốt ruột” muốn tăng vốn năm 2024 mà SSI không là ngoại lệ.

Năm nay, SSI tiếp tục thực hiện phương án chào bán, phát hành cổ phiếu đã được cổ đông thông qua trong năm 2023, với tổng cộng 453,3 triệu cổ phiếu mới. Theo đó, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng từ hơn 15.111 tỷ đồng lên gần 19.645 tỷ đồng.

VIS Rating cho biết, triển vọng lợi nhuận của các CTCK tiếp tục cải thiện sau đà tăng tích cực năm 2023. Khối lượng giao dịch chứng khoán tăng mạnh và tâm lý thị trường cải thiện trong bối cảnh lãi suất thấp sẽ thúc đẩy lợi nhuận cho vay ký quỹ và đầu tư công cụ có thu nhập cố định. Khi các CTCK mở rộng đầu tư và cho vay ký quỹ, tỷ lệ đòn bẩy và sự phụ thuộc vào vay ngắn hạn từ ngân hàng sẽ tăng dần, tuy nhiên rủi ro được giảm thiểu nhờ tăng huy động vốn mới.

Tin bài liên quan