Một số công ty chứng khoán nắm giữ nhiều trái phiếu là VPBankS, TVSI, TCBS, VNDIRECT

Một số công ty chứng khoán nắm giữ nhiều trái phiếu là VPBankS, TVSI, TCBS, VNDIRECT

Công ty chứng khoán tăng đầu tư trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Một số công ty chứng khoán tăng quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp và cam kết mua lại trái phiếu đã bán cho nhà đầu tư, điều có thể dẫn tới những rủi ro nhất định.

“Tay chơi mới” tăng đầu tư trái phiếu

Một số công ty chứng khoán đã có nửa đầu năm 2024 tăng trưởng lợi nhuận khả quan nhờ vào hoạt động cho vay ký quỹ và hoạt động đầu tư khi thị trường cổ phiếu phục hồi. Bên cạnh đó, cùng với sự ấm lên của thị trường trái phiếu, một số công ty đẩy mạnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Khoản mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) trong báo cáo tài chính quý II/2024 của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho thấy, tính tới ngày 30/6/2024, Công ty sở hữu 8.169,9 tỷ đồng trái phiếu, trong đó 7.966,7 tỷ đồng là trái phiếu chưa niêm yết. Giá trị các trái phiếu chiếm 76,2% trong cơ cấu FVTPL.

Ở khoản mục các khoản đầu tư sẵn sàng để bán (AFS), VPBankS nắm giữ toàn bộ trái phiếu với giá gốc 2.191,7 tỷ đồng tính tới ngày 30/6/2024, gấp 4,3 lần thời điểm cuối năm 2023. Trong đó, Công ty ghi nhận thêm 1.070 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, trong khi cuối năm 2023 chưa ghi nhận khoản này.

Tính chung, VPBankS nắm giữ hơn 10.361 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 42,5% tổng tài sản.

Tương tự, cuối quý II/2024, danh mục FVTPL của Công ty Chứng khoán VNDIRECT chủ yếu là trái phiếu, với giá trị hơn 10.775 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, trái phiếu chưa niêm yết là 8.598,9 tỷ đồng, cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết có giá trị 1.283,7 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2023, VNDIRECT đã thoái bớt vốn khỏi mảng trái phiếu, giảm từ gần 10.500 tỷ đồng xuống hơn 8.200 tỷ đồng.

Tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong danh mục tài sản FVTPL cuối quý II/2024, trái phiếu có giá trị 2.261,9 tỷ đồng, lớn thứ 2 trong danh mục, chỉ sau hợp đồng tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi với tổng giá trị gần 2.582 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu niêm yết trị giá 481,7 tỷ đồng, trái phiếu chưa niêm yết trị giá 1.780,2 tỷ đồng. Một phần trái phiếu chưa niêm yết và hợp đồng tiền gửi (tổng cộng là 2.513,3 tỷ đồng) đã được VCBS thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho khoản vay của Công ty. Ngoài ra, VCBS đã bán 280,1 tỷ đồng trái phiếu niêm yết, nhưng cam kết sẽ mua lại vào một thời điểm nhất định trong tương lai.

Xét về tốc độ tăng trưởng quy mô danh mục trái phiếu trong nửa đầu năm 2024, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đang dẫn đầu. Báo cáo tài chính quý II/2024 của MBS cho biết, trong danh mục FVTPL cuối quý II/2024, trái phiếu niêm yết có giá trị 843 tỷ đồng, tăng 65,3% so với cuối năm 2023 và chiếm tỷ trọng 52,9%.

Bên cạnh đó, trong danh mục AFS, MBS nắm giữ 1.888,9 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, tăng 82% so với cuối năm 2023. Tính chung, MBS sở hữu 2.731,9 tỷ đồng trái phiếu.

Cần thận trọng với cam kết

Hoạt động đầu tư, phân phối trái phiếu tại Công ty Chứng khoán Tân Việt là trường hợp đáng lưu ý khi cam kết mua lại trái phiếu nhưng đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được.

Chứng khoán Kỹ Thương, VPBankS, VNDIRECT… đã gia tăng quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp và cam kết mua lại trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư. Trong đó, VNDIRECT ghi nhận các khoản phải thu quá hạn trong quý II/2024 từ khách hàng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà gần đây chậm trả gốc/lãi trái phiếu. Đồng thời, các khoản cho vay ký quỹ với khách hàng lớn gia tăng. Những khoản này có thể làm tăng rủi ro cho các công ty chứng khoán nếu buộc phải bán giải chấp tài sản đảm bảo trong trường hợp thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh như đã từng xảy ra trong quý IV/2022.

VIS Rating kỳ vọng, rủi ro tài sản sẽ dần ổn định trong nửa cuối năm 2024 khi trái phiếu chậm trả phát sinh mới ở mức thấp. Bên cạnh đó, các đợt tăng vốn công bố trong nửa đầu năm 2024 của nhiều công ty chứng khoán lớn và công ty chứng khoán có liên quan với ngân hàng sẽ giúp củng cố bộ đệm dự phòng rủi ro.

Một trường hợp đáng chú ý là hoạt động đầu tư, phân phối trái phiếu tại Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Trong khoản mục FVTPL tính tới ngày 30/6/2024, Công ty có 175,7 tỷ đồng cổ phiếu (theo giá trị ghi sổ) và 1.551 tỷ đồng trái phiếu, toàn bộ là trái phiếu chưa niêm yết.

Vấn đề là TVSI mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ các tổ chức phát hành và bán lại cho các nhà đầu tư. Sau đó, Công ty ký hợp đồng mua lại toàn bộ số trái phiếu đó với nhà đầu tư theo một mức giá xác định vào một ngày xác định trong tương lai. Khi bán và mua lại trái phiếu với nhà đầu tư, TVSI ghi nhận như hoạt động tự doanh. Tổng mệnh giá các trái phiếu mà Công ty đã ký hợp đồng mua lại là hơn 11.285 tỷ đồng, trong đó số có hơn 11.285 tỷ đồng đến hạn thanh toán ngày 30/6/2024 mà chưa thanh toán.

Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY cho biết, đến thời điểm lập báo cáo tài chính quý II/2024, tổng mệnh giá trái phiếu mà TVSI đã ký hợp đồng mua lại còn khoảng 11.033 tỷ đồng (toàn bộ đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được). TVSI không thực hiện được việc thanh toán cho bên chuyển nhượng và gửi thông báo đến các bên chuyển nhượng là sẽ không thực hiện giao dịch này; đồng thời đang thực hiện đàm phán lại với các bên chuyển nhượng về việc huỷ hợp đồng mua lại hoặc gia hạn thời gian mua lại trái phiếu, nhưng việc đàm phán chưa có kết quả cụ thể. TVSI không ghi nhận các khoản trái phiếu nêu trên vào báo cáo tài chính quý II/2024.

Theo giải trình với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được TVSI công bố ngày 12/8/2024, Công ty đã thực hiện trích lập dự phòng cho việc vi phạm hợp đồng mua lại trái phiếu đến hạn nhưng không thực hiện được khoảng 710.99 tỷ đồng, giá trị tối đa nghĩa vụ hợp đồng vi phạm là khoảng 902,8 tỷ đồng trên tổng giá trị các hợp đồng mua lại là 11.285 tỷ đồng. Việc vi phạm của TVSI là do bất khả kháng đã được quy định trong hợp đồng nên trong quá trình giải quyết tranh chấp, TVSI có thể thương lượng để không bị phạt vi phạm ở mức tối đa và sẽ chỉ bồi thường khi có phán quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tin bài liên quan