Những năm gần đây, tiền của nhà đầu tư để trong tài khoản chứng khoán đều duy trì ở mức rất cao

Những năm gần đây, tiền của nhà đầu tư để trong tài khoản chứng khoán đều duy trì ở mức rất cao

Công ty chứng khoán sắp đến hạn “trả tiền”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 30/6/2024 là thời hạn cuối cùng để các công ty chứng khoán tất toán toàn bộ giao dịch đã phát sinh với khách hàng liên quan tới hoạt động nhận tiền gửi, hỗ trợ lãi suất trên số tiền chưa giao dịch.

“Biến tướng” hình thức nhận tiền gửi

Cuối năm 2023, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản yêu cầu khối công ty chứng khoán tuân thủ các quy định liên quan tới hoạt động kinh doanh chứng khoán, trong đó không được thực hiện các hoạt động làm cho khách hàng, nhà đầu tư hiểu rằng công ty chứng khoán có chức năng nhận tiền gửi như tổ chức tín dụng.

Tại văn bản này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu công ty chứng khoán đang có hoạt động cho phép khách hàng, nhà đầu tư được hưởng, hỗ trợ lãi suất trên số tiền chưa phát sinh giao dịch chứng khoán phải dừng ngay việc thỏa thuận, ký mới và phải tất toán toàn bộ các giao dịch đã phát sinh với khách hàng, nhà đầu tư liên quan đến hoạt động này, chậm nhất trước ngày 30/6/2024.

Các công ty phải báo cáo lộ trình thực hiện việc tất toán và định kỳ hàng tháng thực hiện báo cáo kết quả thực hiện việc tất toán cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tới khi tất toán toàn bộ.

Thực tế, những năm gần đây, tiền của nhà đầu tư để trong tài khoản chứng khoán đều duy trì ở mức rất cao, có thời điểm lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Lượng tiền đó thường ở dưới 2 hình thức.

Thứ nhất, nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản chứng khoán nhưng chưa thực hiện giao dịch. Các công ty chứng khoán thường trả lãi hàng tháng cho số tiền này theo dạng “tiền gửi không kỳ hạn”, với lãi suất phổ biến từ 0,1 - 0,3%/năm.

Thứ hai là các hình thức “biến tướng”, bao gồm việc công ty chứng khoán cung cấp các sản phẩm tương tự tiền gửi tiết kiệm để thu hút lượng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư, trả lãi suất cao hơn, trung bình từ 8 - 9%/năm.

Đây được xem là một kênh huy động vốn đối với công ty chứng khoán nhằm phục vụ cho hoạt động cho vay ký quỹ (margin) và tự doanh. Theo ghi nhận trên thị trường, hình thức chủ yếu được các công ty chứng khoán áp dụng là “hợp tác đầu tư”, hoặc các sản phẩm có tên gọi tương tự.

Khi chưa có nhu cầu giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư có thể “hợp tác đầu tư” để sinh lợi từ việc hưởng lãi suất cao của công ty chứng khoán. Khi có nhu cầu giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư có thể nhanh chóng thực hiện giao dịch mà không cần thực hiện thủ tục nào.

Với công ty chứng khoán, hình thức “hợp tác đầu tư” mang lại lợi ích lớn khi có thể huy động tiền một cách nhanh chóng, thuận tiện để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Không những vậy, dòng tiền huy động này có lãi suất thấp hơn so với việc huy động từ các tổ chức tín dụng, qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Ngược lại, gửi tiền tại công ty chứng khoán là một hình thức đầu tư được nhiều khách hàng lựa chọn. Không ít cộng đồng nhà đầu tư truyền tai các sản phẩm gửi tiền tại công ty chứng khoán, nhất là trong giai đoạn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp. Một nhà đầu tư cho biết, có thời điểm gửi tiền tại công ty chứng khoán được nhận lãi suất hơn 10%/năm, gần gấp đôi so với gửi ngân hàng.

Một bộ phận nhà đầu tư lựa chọn gửi tiền tại công ty chứng khoán như một hình thức nhận lãi qua đêm, dành cho khoản tiền chưa sử dụng trong ngắn hạn, bởi không ít công ty chứng khoán thiết kế các sản phẩm với các lựa chọn lãi suất qua đêm, lãi suất theo ngày/tuần/tháng.

Tính linh hoạt là một trong những điểm hấp dẫn nhà đầu tư khi họ có thể rút vốn 24/7, bởi số tiền gửi này vẫn được tính vào sức mua cổ phiếu, lãi suất được tính theo ngày và đôi khi còn có lãi suất thưởng nếu duy trì thỏa thuận tròn tuần hay tròn tháng.

Nguồn vốn nào thay thế?

Ước tính, số tiền các công ty chứng khoán “vay” từ khách hàng tính tới cuối năm 2023 là hơn 30.000 tỷ đồng.

Ông Phan Duy Hưng, Giám đốc Khối phân tích và xếp hạng tín nhiệm, mảng định chế tài chính, VIS Rating cho biết, theo Luật Các tổ chức tín dụng, chỉ ngân hàng mới được phép nhận tiền gửi từ khách hàng, trong khi theo Luật Chứng khoán, công ty chứng khoán phải tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư và tiền của công ty.

“Động thái gần đây của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là đúng đắn tại thời điểm hiện tại, nhất là sau các sự kiện căng thẳng thanh khoản như quý IV/2022. Việc ngăn biến tướng huy động vốn của công ty chứng khoán sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho cả nhà đầu tư cá nhân và công ty chứng khoán. Theo quan sát, một số công ty chứng khoán đã ngừng quảng cáo các sản phẩm tiền gửi và lượng tiền vay từ khách hàng của các công ty này thu hẹp so với giai đoạn trước”, ông Hưng chia sẻ.

Ước tính dựa trên số liệu báo cáo tài chính được công bố, số tiền các công ty chứng khoán “vay” từ khách hàng tính tới cuối năm 2023 là hơn 30.000 tỷ đồng, chiếm 7% nguồn vốn của nhóm công ty này. Khi phải dừng nhận tiền gửi từ khách hàng, các nguồn vốn thị trường hiện tại có thể thay thế như phát hành cổ phiếu, trái phiếu và vay ngân hàng.

“Tuy phần vay từ khách hàng khá nhỏ, nhưng chúng tôi nhận thấy một số công ty chứng khoán không nằm trong hệ sinh thái của ngân hàng sẽ gặp nhiều rủi ro hơn. Nguyên nhân là tại các kênh huy động vốn khác như vay ngân hàng, trái phiếu thì các công ty này đều không có sự hỗ trợ, nếu xảy ra căng thẳng thanh khoản sẽ phải thu hẹp hoạt động kinh doanh”, ông Hưng nói.

Hơn 100.000 tỷ đồng “tiền tươi”

Các công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024, nhưng không có thông tin đầy đủ, chi tiết về khoản tiền nằm trong tài khoản chứng khoán và khoản tiền công ty chứng khoán “vay” từ khách hàng. Một điều dễ nhận thấy là nguồn tiền gửi của khách hàng nằm trong tài khoản chứng khoán đang ở mức ấn tượng.

Theo số liệu thống kê của FiinTrade, tính tới cuối quý I/2024, tại 52 công ty chứng khoán đại diện 94% vốn chủ sở hữu toàn ngành, số dư tiền gửi nhà đầu tư đạt gần 100.800 tỷ đồng, tăng hơn 21.000 tỷ đồng (tăng 26%) so với cuối năm 2023. Đây là mức tăng theo quý mạnh nhất 5 năm gần đây, đưa dư nợ tiền gửi nhà đầu tư lên mức cao kỷ lục.

Trong đó, VPS vẫn là công ty chứng khoán ghi nhận số dư tiền gửi nhà đầu tư khách hàng cao nhất, đạt 25.155 tỷ đồng, tăng 52%. Tiếp theo là TCBS với gần 8.984 tỷ đồng, tăng hơn 55%; SSI với 8.175 tỷ đồng, tăng 55%. Nhiều công ty chứng khoán khác có mức tăng tiền gửi hơn 1.000 tỷ đồng.

Tin bài liên quan