Cuộc đua công nghệ không có điểm dừng.

Cuộc đua công nghệ không có điểm dừng.

Công ty chứng khoán sắm “vũ khí công nghệ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc các công ty chứng khoán áp dụng các công nghệ tiên tiến để hội nhập quốc tế là một xu hướng tất yếu và đáng chú ý trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Chạy đua công nghệ

Bắt đầu từ xu hướng mở tài khoản định danh e-KYC số hóa 100% là nền tảng giúp các công ty chứng khoán (CTCK) tiến đến các dịch vụ số hóa. Bước chuyển e-KYC tạo ra cách thức vận hành mới khi việc mở tài khoản không cần phải trực tiếp đến quầy, cả CTCK và nhà đầu tư hoàn toàn nắm quyền chủ động, tiết kiệm về thời gian và chi phí.

Bằng cách sử dụng các công nghệ như nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng giọng nói và xác thực bằng mã OTP, các công ty chứng khoán có thể giảm thời gian và chi phí để xác thực khách hàng và tăng tính bảo mật.

Nhiều CTCK đang định hình trở thành CTCK “số” khi luôn cập nhật xu hướng, tính năng hiện đại để cung cấp những tiện ích cho nhà đầu tư. Mới đây, Công ty Chứng khoán DNSE đã ra mắt công nghệ AI Broker (Môi giới ảo), theo đó sẽ sử dụng công nghệ máy học (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) để lọc, tổng hợp các thông tin về cổ phiếu cũng như doanh nghiệp và gửi thông báo cá nhân hóa theo đúng nhu cầu của nhà đầu tư.

Khác với môi giới truyền thống, môi giới bằng AI Broker giữ được tính khách quan, không bị chi phối bởi cảm xúc, có khả năng phục vụ số lượng lớn nhà đầu tư cùng một thời điểm.

Ngoài ra, tính năng Margin Deal cho người dùng nắm rõ lãi và lỗ trên từng giao dịch thay vì gộp thành giá trung bình - đây cũng là hệ thống tiên phong của DNSE nhằm hỗ trợ quản lý rủi ro, giúp tránh tối đa cross – sell cổ phiếu tốt trong danh mục khi tài khoản bị call - margin (bán giải chấp).

Trong khi đó, một số CTCK khác cung cấp sản phẩm i-Invest, dựa trên dữ liệu giao dịch, các chỉ số tài chính, định giá để đưa ra các cổ phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư hoặc dịch vụ copy trading, cho phép nhà đầu tư sao chép giao dịch của nhà đầu tư khác.

Công ty cổ phần Chứng khoán AIS cũng là doanh nghiệp liên tục cập nhật ứng dụng công nghệ số hiện đại. Hiện AIS đã tích hợp hệ thống giao dịch chứng khoán đa nền tảng AIPro, AInvest, AISuper, AIBoard tốc độ cao…, phần mềm giao dịch chứng khoán AIS còn cung cấp công cụ phân tích kỹ thuật giúp nhà đầu tư dễ dàng ra quyết định mua/bán với tính chính xác tương đối lớn.

Nhiều CTCK có xu hướng sử dụng “machine learning” trong việc tổng hợp và đánh giá dữ liệu bằng thuật toán để cung cấp cho nhà đầu tư hệ thống giao dịch trực tuyến thông minh, dễ sử dụng, thậm chí kết hợp với bộ chỉ số đánh giá sức khỏe doanh nghiệp nhạy bén hơn.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), các CTCK hiện nay đều có xu hướng tiếp cận chuẩn mực mới từ các ứng dụng Big data, eKYC, Blockchain hay AI... để hội nhập quốc tế. Các công nghệ này giúp các công ty nhanh chóng xử lý dữ liệu lớn, tăng cường tính bảo mật, tăng cường tính minh bạch và đảm bảo tính truy vấn, tăng cường hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Việc áp dụng các công nghệ này cũng giúp các CTCK nâng cao trải nghiệm khách hàng và cung cấp dịch vụ tốt hơn.

Có thể thấy, tốc độ bắt nhịp công nghệ của khối CTCK ở giai đoạn hiện nay được đánh giá là đang diễn ra rất nhanh. Các CTCK đang nỗ lực áp dụng các công nghệ mới nhất để tăng cường khả năng dự đoán thị trường, giúp khách hàng có được các thông tin hữu ích để đưa ra quyết định đầu tư và nâng cao tính cạnh tranh trong ngành.

Ảnh tác giả

Công nghệ và nhiều yếu tố mới đang làm thay đổi

cục diện cạnh tranh trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán DSC

ACBS đã lên kế hoạch phát triển hệ thống công nghệ thông tin với hơn 10 dự án lớn sẽ được triển khai trong thời gian tới. ACBS sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật như cổng giao tiếp thanh toán (Payment hub), công cụ mở tài khoản trực tuyến... để cung cấp đầy đủ tính năng cần thiết và tiện dụng, phục vụ cho nhu cầu giao dịch chứng khoán trực tuyến ngay trên ứng dụng ACB ONE của ngân hàng mẹ.

Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, công nghệ và nhiều yếu tố mới đang làm thay đổi cục diện cạnh tranh trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các nhà đầu tư ngày càng có nhu cầu cao hơn trong việc sử dụng dịch vụ giao dịch an toàn, nhưng phải thuận tiện, nhanh chóng, buộc các CTCK phải luôn cập nhật công nghệ và xu hướng phát triển kênh số (quy trình số, giao dịch số, mạng xã hội cho nhà đầu tư, tư vấn online...) và đây cũng là vấn đề trọng tâm được DSC chú trọng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thay đổi cách tiếp cận nhà đầu tư

Dù là chạy đua công nghệ, mỗi CTCK sẽ tìm cho mình một hướng đi riêng, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là mong muốn mang lại giá trị cho khách hàng.

Với VNDirect, mục tiêu của việc đưa ra sản phẩm DSTOCK cũng không nằm ngoài việc xây dựng thói quen cho khách hàng. Trước đây, các sản phẩm nói chung thường phục vụ cho việc đặt lệnh, hay tra cứu thông tin sơ bộ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sản phẩm DSTOCK được thiết kế cung cấp thông tin phân tích chuyên sâu về doanh nghiệp, công cụ quản trị danh mục toàn diện, minh bạch hóa thông tin giúp nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư.

Với những CTCK trực thuộc ngân hàng vốn được “gắn mác” truyền thống cũng đã thay đổi cách tiếp cận khách hàng. Đơn cử VCBS dành sự quan tâm đặc biệt tới khách hàng Priority của Vietcombank, khách hàng sẽ được cung cấp dịch vụ đầu tư chuyên biệt "đo ni, đóng giày'' phù hợp với khẩu vị đầu tư của mình. Lãnh đạo VCBS cho biết, Công ty dành khoản ngân sách hàng năm từ 5-7%/doanh thu để đầu tư, nâng cấp các nền tảng công nghệ.

Chưa bao giờ nhà đầu tư lại có nhiều sự lựa chọn như hiện nay, khi không còn giới hạn về số lượng mở tài khoản. Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, hiện anh đang mở tài khoản tại 5 CTCK, dĩ nhiên là cách lựa chọn mở tài khoản dựa trên nhiều yếu tố, từ thân quen, được hỗ trợ phí, lãi margin hay phí giao dịch... thì tiện ích giao dịch là một yếu tố rất quan trọng để lựa chọn.

“Thông qua những tiện ích trên app giao dịch của CTCK, tôi đã chủ động hơn trong việc nghiên cứu sức khỏe cổ phiếu, nên mua loại chứng khoán nào, của doanh nghiệp nào, ngành nào, thậm chí là cách phân bổ nguồn vốn ra sao”, nhà đầu tư này nói và cho biết thêm, suy cho cùng thì mục đích cuối cùng là làm thế nào để tối ưu hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa rủi ro.

Tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam vô cùng rõ rệt với tỷ lệ dân số được gọi là "vàng" - cơ cấu nhân khẩu học "cực tốt", nghĩa là với số liệu dân số khá lớn (hơn 100 triệu dân) cùng với tầng lớp dân số trong độ tuổi lao động chiếm tới gần 70%.

Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các CTCK là khá lớn khi hiện nay, trên thị trường có khoảng 80 CTCK, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,25 triệu tài khoản (tính đến cuối tháng 6/2023), nhưng chỉ có một phần nhỏ tài khoản hoạt động thường xuyên.

Ông Choi Yun Sun, Giám đốc Tài chính Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, ngành chứng khoán đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các CTCK nội truyền thống, các CTCK ngoại và cả các CTCK mới gia nhập thị trường trong vài năm gần đây. Sự cạnh tranh diễn ra ở cả khía cạnh phí (phí giao dịch, lãi margin) và chất lượng dịch vụ (hệ thống giao dịch, chất lượng tư vấn, trình độ môi giới…). Trong đó, cuộc đua về công nghệ cũng đang rất nóng do đây được coi là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các CTCK, khi mà các yếu tố khác đang dần được cào bằng.

Tin bài liên quan