Công ty chứng khoán: Người ở, người về

Công ty chứng khoán: Người ở, người về

(ĐTCK) Trong 3 năm qua, TTCK lặp đi lặp lại điệp khúc “cố qua biến cố, lại có biến”. Thời gian thử thách là không giới hạn với ông chủ của CTCK vừa và nhỏ.

Thành lập ngày 5/7/2007, sau 5 hoạt động, CTCP Chứng khoán Âu Việt đã bước đầu rút khỏi thị trường bằng việc xin hủy tư cách thành viên của 2 Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký, tạm ngừng thực hiện nghiệp vụ môi giới. Điều đáng nói là Âu Việt không phải công ty đầu tiên, trước đó đã có những cái tên như Gia Anh, Hà Nội, Trường An, Đông Dương… ngậm ngùi rời thị trường.

Công ty chứng khoán: Người ở, người về ảnh 1

“Nên có cơ chế cho các CTCK rút lui hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động cho phù hợp với thị trường” - Ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT CTCK Âu Việt

Người đi

Cuối năm 2011, CTCK Đông Dương (DDS) thông báo ngừng nghiệp vụ môi giới, chuyển toàn bộ tài khoản của khách hàng sang CTCK Kim Eng. Thông tin này khá bất ngờ, bởi 1 năm trước đó khi cắt đứt quan hệ với chợ OTC tự do ở TP. HCM, DDS điều chỉnh chiến lược tập trung phát triển mảng môi giới với mục tiêu rõ ràng là sẽ nằm trong nhóm khoảng 20 CTCK có thị phần đứng đầu trên 2 Sở. Tiền tỷ được bỏ ra đầu tư mua phần mềm giao dịch hiện đại nhất của Công ty Tong Yang Hàn Quốc. Các nhân viên môi giới mới được tuyển chọn. Kế hoạch ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với một đối tác tổ chức trong nước được nhắc đến sau đó. Tuy nhiên, việc hợp tác không thành và DDS đã xin ngừng nghiệp vụ môi giới. Thời điểm đó, việc DDS ngừng nghiệp vụ môi giới được cho là sự lạ, nhưng đến lúc này lại trở thành quyết định đúng. Với số vốn điều lệ hơn 130 tỷ đồng, DDS cần nguồn tài chính rất lớn để trụ lại và phát triển mảng môi giới trong điều kiện TTCK khó khăn.

Trong 3 năm qua, TTCK lặp đi lặp lại điệp khúc “cố qua biến cố, lại có biến”. Dự đoán thời điểm thị trường tăng trở lại, kiên nhẫn chờ đợi, để rồi lại thất vọng và lại chờ đợi. Thời gian thử thách là không giới hạn với ông chủ của CTCK vừa và nhỏ, vốn chiếm số đông.

Cách đây 2 năm, Âu Việt đã bắt đầu thu hẹp hoạt động môi giới để hạn chế rủi ro. Những nhà đầu tư còn lại giao dịch ở Âu Việt mỗi ngày 2 - 3 tỷ đồng là những khách hàng nhỏ lẻ, chủ yếu giao dịch qua online với mức phí thấp. Đi vào hoạt động từ giữa năm 2007, sau  5 năm hoạt động, Âu Việt đã quyết tâm ngừng dịch vụ môi giới vào thời điểm này, trước khi kết thúc năm 2012, để tiết kiệm khoản phí cần nộp cho hai Sở và Trung tâm Lưu ký cũng như chi phí nhân viên, mặt bằng kinh doanh kèm theo lên đến vài tỷ đồng. Cũng giống như DDS, khi ngừng môi giới, Âu Việt cũng để ngỏ một khả năng là nếu thị trường tốt lên, Công ty có thể quay lại.

Nhưng qua phân tích thị trường, có thể thấy rằng, việc quay trở lại, kể cả khi chứng khoán hồi phục, không phải là một lựa chọn thích hợp với những đơn vị cỡ vừa và nhỏ như Âu Việt hay DDS. Với hệ thống giao dịch ngày càng hiện đại, được tự động hóa tối đa thì khả năng phục vụ khách hàng của các CTCK lớn là không có giới hạn. Phục vụ thêm vài nghìn tài khoản giao dịch thường xuyên đối với các đại gia có tiềm lực cũng giống như thêm bát, thêm đũa ở một mâm cỗ đang ngồn ngộn thức ăn. Còn đối với các công ty đã ngừng môi giới thì khởi động bộ máy trở lại là phải tuyển môi giới, phân tích, kế toán, nâng cấp phần mềm… Cũng chẳng khác gì nhà nghèo có khách phải đi mua mâm, mua bếp, mua nồi!

Vậy có thể hình dung chiến lược sắp tới của Âu Việt là gì? Hiện nay, công ty này còn hơn 100 tỷ đồng tiền mặt chưa kể cổ phiếu. Nhưng bài toán hủy niêm yết, giải thể Công ty để chia tiền cho cổ đông như trường hợp của Cáp Sài Gòn là không dễ. Nếu hủy niêm yết, Âu Việt phải có được cái gật đầu của hơn 50% số cổ đông nhỏ, trong khi công ty này có khoảng 2.500 - 3.000 cổ đông nhỏ lẻ sở hữu dưới 50% vốn cổ phần. Việc giải thể một CTCK cũng chưa có tiền lệ và chưa có quy định rõ ràng.

Theo ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT Âu Việt, hướng đi sắp tới của Âu Việt là hoạt động đầu tư và tư vấn đầu tư dựa trên nguồn nhân lực phân tích và tài chính có sẵn. Nhưng ngay cả phương án này cũng gặp những khó khăn nhất định, vì chưa có hành lang pháp lý cho CTCK chuyển đổi sang mô hình công ty đầu tư và tư vấn. Hoạt động đầu tư của CTCK bị giới hạn tỷ lệ là không đầu tư quá 20% vốn điều lệ của một công ty niêm yết và 15% vốn của công ty chưa niêm yết. Trong khi đó, Âu Việt muốn làm nhiều hơn, ví dụ như tham gia mua bán DN. “Nên có cơ chế cho các CTCK rút lui khỏi thị trường hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động cho phù hợp với thị trường”, ông Vịnh nói.

 

Người ở

Với những người ở lại, cuộc đấu trí với nhau, với thị trường cũng còn lắm cam go.

Còn nhớ cái năm mà những CTCK như SBS hay TLS ở thời hoàng kim về lượng khách hàng, vươn lên hạng nhất nhì thị phần môi giới, giới đầu tư kể lại câu chuyện trong cuộc họp giữa các công ty, đại diện CTCK Sài Gòn (SSI), công ty bị bật khỏi vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng thị phần đã nổi giận, vì cho rằng có sự cạnh tranh không lành mạnh nào đó dẫn đến sự thay đổi thứ hạng. Thậm chí, những phát ngôn nhận định thị trường của đại diện công ty này sau đó còn bị gán cho cái mục tiêu là “đánh xuống” thị trường nhằm triệt hạ đối thủ. Không biết phát ngôn của SSI khi đó có sức nặng thật không, nhưng thị trường lao dốc và các CTCK đi lên bằng đòn bẩy cũng chết bằng đòn bẩy. Cái chết diễn ra từ từ, từ đó đến nay, có công ty còn sống sót, có công ty đã chết lâm sàng.

Thế nhưng, quý II vừa qua, giới truyền thông lại giật tít “HSC vượt mặt SSI dẫn đầu thị phần môi giới”. HSC trở thành CTCK môi giới cổ phiếu lớn nhất trên sàn HOSE với 11,47% thị phần; so với quý I, thị phần của HSC đã tăng gần 0,5%. SSI đã giảm gần 4% thị phần, từ mức 11,47% xuống còn 8,06% và đứng vị trí thứ 2. Trên sàn Hà Nội, HSC cũng dẫn đầu với 8,42%, tăng so với quý I là 7,82%. Còn SSI đứng ở vị trí thứ 8 với 4,27%, không tăng là bao so với quý I là 4,25%.

Không thấy ai nói gì đến phản ứng của SSI về việc mất ngôi đầu này, bởi có thể đây là cuộc cạnh tranh lành mạnh. Trước tiên có thể lý giải rằng, SSI giữ một quan điểm khá thận trọng với thị trường trong suốt thời gian dài, thể hiện qua cả hoạt động tự doanh cũng như tư vấn và môi giới. Quan điểm này đương nhiên cũng có ảnh hưởng đến khách hàng của SSI trong giao dịch, nên việc giảm thị phần là có thể hiểu được. Nhưng im lặng không có nghĩa là chấp nhận.

Thị trường ghi nhận, SSI bắt đầu tuyển thêm môi giới, tuy không ồ ạt. Đồng thời, cho các khách hàng mới hưởng mức phí giao dịch ưu đãi là 0,15%, không phân biệt giá trị giao dịch. Mức phí này cạnh tranh hơn so với ưu đãi mà HSC dành cho khách hàng mở tài khoản cùng thời điểm. Ngày 27/8, SSI triển khai thêm nhóm lệnh - chia lệnh, nhằm giúp các khách hàng lớn đặt lệnh nhanh hơn. Tính năng tự động chia lệnh có khối lượng lớn thành nhiều lệnh có khối lượng tối đa 19.990 cổ phiếu đã có trong hệ thống của nhiều CTCK, nhưng tính năng lệnh nhóm giúp khách hàng đặt cùng lúc nhiều lệnh giống nhau hoặc nhiều lệnh có khối lượng tăng dần hay giảm dần so với khối lượng ban đầu, giá tăng dần hay giảm dần so với giá ban đầu là tính năng khá mới. Tính năng này có vẻ hợp với nhà đầu tư lớn, nhất là quỹ đầu tư nước ngoài.

So sánh tương quan mảng môi giới, SSI có vẻ thiếu tích cực trong phát triển khách hàng cá nhân (có thể xuất phát từ chiến lược của Công ty khi nhận định thị trường), nên lợi thế đó đang nghiêng về HSC. Tuy nhiên, SSI có thể nhanh chóng điều chỉnh điểm này nếu muốn.

Gần đây, nhân viên cả 2 công ty này đều tích cực liên hệ với các CTCK có ý định thu hẹp môi giới như Chứng khoán Cao Su, Âu Việt để thông qua môi giới của các công ty này, kéo khách hàng về giao dịch tại công ty mình.

Ở mảng tự doanh, SSI và HSC đi theo 2 hướng khác nhau. HSC dành ngân sách tự doanh khoảng 200 tỷ đồng và chỉ canh thị trường có sóng lớn. Còn SSI kiên trì đầu tư vào những DN thủy sản, nông nghiệp có cơ bản tốt và trả cổ tức cao. Hơn một năm qua, chiến lược tự doanh của mỗi công ty đều đóng góp vào lợi nhuận đáng kể.

Ngoài 2 ông lớn về thị phần môi giới, một số tên tuổi khác như VNDS, Kim Eng… có thứ hạng khá chắc chắn. Tiếp đến là MBS, hay FPTS, VCBS… đứng trong bảng xếp hạng Top 10 công ty dẫn đầu thị phần môi giới ở sàn TP. HCM đang cố gắng nâng thứ bậc của mình. FPTS là công ty rất tích cực thu hút khách hàng cá nhân trong nước. Công ty này tỏ ra rất cầu thị khi sửa đổi chính sách giao dịch ngay lập tức khi truyền thông phản ánh ý kiến khách hàng như áp dụng thu phí margin từ ngày T+2, mở lại margin với cổ phiếu ngân hàng… Đi sâu vào sử dụng phần mềm, mỗi CTCK có những ưu điểm nhất định. Việc sử dụng quen một kiểu phần mềm nào đó cũng là lý do khiến nhà đầu tư chọn mở tài khoản mới hay chuyển tài khoản chứng khoán cũ sang CTCK có phần mềm tương đồng.

Cùng chờ xem thị phần môi giới quý III, ai sẽ ở ngôi đầu và có bất ngờ nào lớn trong bảng xếp hạng 10 công ty dẫn đầu hay không?