Dùng chung cơ chế
Trong các bản dự thảo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến trong năm 2013, dự thảo Luật Phá sản sửa đổi lần đầu tiên định ra cơ chế phá sản có tính đến đặc thù tổ chức, hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Theo đó, các CTCK, công ty quản lý quỹ (QLQ) phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt, hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn lâm vào tình trạng phá sản...
Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chính: danh sách người mở tài khoản giao dịch chứng khoán, tài khoản lưu ký chứng khoán kèm theo số dư tiền và chứng khoán, nghĩa vụ nợ phải trả tổ chức kinh doanh chứng khoán (nếu có) theo từng tài khoản; số tài khoản và ngân hàng mở tài khoản do CTCK đứng tên, để nhận tiền gửi giao dịch chứng khoán...
Các nội dung trên được hoàn chỉnh sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, UBCK. Tuy nhiên, những nội dung mang tính đặc thù này không còn xuất hiện trong bản dự thảo Luật Phá sản sửa đổi, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào đầu năm 2014 mới đây. Do đó, cơ chế phá sản CTCK, công ty QLQ áp dụng như đối với công ty TNHH, công ty cổ phần, cũng như các loại hình DN khác.
Trong các bản dự thảo trước đây, khi quy định về thứ tự phân chia tài sản, dự thảo Luật Phá sản sửa đổi có đề cập đến các đối tượng mang tính đặc thù trong hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Đó là người gửi tiền, tài sản của khách hàng mở tài khoản giao dịch, tài khoản lưu ký tại tổ chức kinh doanh chứng khoán, thành viên lưu ký và không vướng nghĩa vụ phải trả với các tổ chức này trong trường hợp DN phá sản là tổ chức kinh doanh chứng khoán, thành viên lưu ký… Tuy nhiên, dự thảo mới nhất cũng không còn quy định đặc thù này.
Bản dự thảo Luật Phá sản sửa đổi mới nhất chỉ còn giữ lại một nội dung của các lần dự thảo trước, khi quy định về tài sản của DN mất khả năng thanh toán.
Theo đó, trường hợp DN mất khả năng thanh toán là DN kinh doanh chứng khoán, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát, thì các tài sản sau không được coi là tài sản của DN: tài sản ủy thác của khách hàng trong nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán; tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí, chương trình hưu trí tự nguyện, bổ sung; tài sản nhận gửi giữ hộ của khách hàng.
Trông chờ văn bản hướng dẫn
Với những nội dung điều chỉnh trên, một trong những yêu cầu quan trọng nhất khi phá sản CTCK, công ty QLQ là tài sản của NĐT để tại các tổ chức này được đảm bảo an toàn.
Quy định như vậy là hợp lý, nhận được sự ủng hộ của các thành viên thị trường, bởi về bản chất đây là những tài sản thuộc về khách hàng, NĐT mà CTCK, công ty QLQ chỉ đứng ra cung cấp dịch vụ quản lý, hoàn toàn không thuộc sở hữu của tổ chức kinh doanh chứng khoán. Nói cách khác, đây là những tài sản CTCK, công ty QLQ nhận giữ hộ khách hàng.
Do khách hàng, NĐT không tham gia kinh doanh hưởng lợi từ hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán, không phải là các chủ nợ, chủ sở hữu của các tổ chức này, nên mọi tài sản của NĐT để tại CTCK, công ty QLQ phải luôn được đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, xét về mặt trình tự, thủ tục giải thể CTCK, công ty QLQ, do không còn quy định chi tiết mang tính đặc thù như các lần dự thảo trước, nên CTCK cũng áp dụng chung như đối với loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần khác.
Theo một số ý kiến, quy định về phá sản tổ chức kinh doanh như vậy là khó có tính khả thi, do thiếu các quy định chi tiết.
Bởi vậy, để khắc phục khiếm khuyết này, cũng như đáp ứng yêu của từ thực tiễn, ngay sau khi Luật Phá sản sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2015, Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định liên quan đến phá sản tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Thực tế cho thấy, sau 1 năm thực hiện Đề án tái cấu trúc TTCK và 2 năm thực hiện Đề án tái cấu trúc các CTCK, đã có 3 CTCK đang tiến hành giải thể là: Sao Việt, Chợ Lớn và Âu Việt. Đặc biệt, mới đây với việc lần đầu tiên UBCK tổng hợp và công khai danh tính 20 CTCK (chi tiết xem bảng) đang trong diện tái cấu trúc, cho thấy quá trình tái cấu trúc CTCK đang diễn ra quyết liệt. Trong số này, thị trường, NĐT đang đặt dấu hỏi về khả năng thanh khoản của nhiều CTCK.
Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật Phá sản sửa đổi, nếu CTCK mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, thì sẽ đối mặt với phá sản.
Cụ thể, chủ tịch HĐQT của công ty cổ phần, chủ tịch hội đồng thành viên của công ty TNHH từ hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, thành viên hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, khi DN (được hiểu là bao gồm CTCK, công ty QLQ) mất khả năng thanh toán.
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông công ty cổ phần sở hữu trên 10% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng, hoặc một tỷ lệ khác theo quy định của điều lệ công ty có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán...
3 điểm chính trong tái cấu trúc CTCK năm 2014 Theo Tạp chí Chứng khoán (UBCK), để tiếp tục thúc đẩy TTCK phát triển, đồng thời triển khai tái cấu trúc TTCK một cách hiệu quả, năm 2014, UBCK dự kiến triển khai 3 giải pháp chính đối với tái cấu trúc khối CTCK: Một là, tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm. Theo đó, UBCK sẽ rà soát, đánh giá, phân loại CTCK và thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ CTCK trong năm 2014 trên cơ sở phân loại CTCK, xem xét xử lý các trường hợp vi phạm, dự kiến từ 10-15 công ty. Hai là, thực hiện giám sát dựa vào rủi ro trên cơ sở Quy chế hướng dẫn phân loại và cảnh báo sớm các CTCK (theo chuẩn CAMEL) để chủ động hơn trong giám sát, kiểm tra CTCK. Tiếp tục thực hiện phân loại CTCK thành 4 nhóm như Đề án tái cấu trúc CTCK và DN bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời phân loại CTCK theo chuẩn CAMEL để có cơ sở xem xét, kiểm tra, xử lý. Ba là, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của CTCK, đặc biệt là đối với các công ty thuộc diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt. Xử lý nghiêm những công ty vi phạm quy định pháp luật, để nâng cao tính tuân thủ trong hoạt động của khối DN này. |