UBCK sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục củng cố, phát triển và tái cấu trúc CTCK dựa trên các chỉ tiêu về an toàn vốn, rủi ro nội tại của CTCK

UBCK sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục củng cố, phát triển và tái cấu trúc CTCK dựa trên các chỉ tiêu về an toàn vốn, rủi ro nội tại của CTCK

Công ty chứng khoán: Khát vọng nâng tầm

(ĐTCK) So với giai đoạn bùng nổ, số lượng công ty chứng khoán (CTCK) đã được thu hẹp  khoảng 20% và có thể sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong thời gian tới.

Từ khi khai trương hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (ngày 20/7/2000) đến nay, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng, quy mô cũng như chất lượng hoạt động của các công ty chứng khoán.

Từ chỗ chỉ có 7 công ty chứng khoán với quy mô vốn điều lệ thấp nhất là 6 tỷ đồng và cao nhất là 43 tỷ đồng, có những lúc thị trường chứng khoán Việt Nam có 105 công ty chứng khoán hoạt động, cung cấp dịch vụ, trong đó có công ty có quy mô vốn điều lệ trên 4.200 tỷ đồng (tăng 100 lần so với thời gian đầu hoạt động).

Sau 3 năm tái cấu trúc các công ty chứng khoán, tính tới thời điểm hiện nay, có khoảng trên 80 công ty chứng khoán còn hoạt động.

Các công ty chứng khoán đã phát huy vai trò là tổ chức trung gian trên thị trường sơ cấp, giúp cho việc dẫn vốn và luân chuyển vốn trong nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài; tư vấn hỗ trợ phát hành và bảo lãnh phát hành cho các công  ty niêm yết, công  ty đại chúng, giá trị bảo lãnh phát hành mà các công ty chứng khoán thực hiện lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Công ty chứng khoán: Khát vọng nâng tầm ảnh 1

Trên thị trường thứ cấp, công ty chứng khoán thực hiện vai trò tư vấn, môi giới cho nhà đầu tư trong việc ra quyết định đầu tư chứng khoán. Trên cơ sở tăng cường đầu tư mạnh hệ thống công nghệ thông tin, cùng với việc mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ, tăng cường chất lượng tư vấn và các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, các công ty chứng khoán liên tục thu hút, mở rộng lượng nhà đầu tư tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán: lượng nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán liên tục tăng trưởng qua các năm. Năm 2000, toàn thị trường có gần 8.000 nhà đầu tư mở tại các công ty chứng khoán, đến nay, con số này trên 1,4 triệu tài khoản; trong đó có hơn 17.000 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, đã có 20 công ty chứng khoán thu hút được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều đối tác nước ngoài của công ty chứng khoán là những tên tuổi lớn trên thị trường chứng khoán quốc tế như Morgan Stanley, Citibank, Nikko Cordial, SMB Securities, Woori Bank, Korea Investment and Securities, Mirea Securities, CIMB, Kenaga.

Một số công ty chứng khoán lớn đã chú trọng phát triển hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ đã góp phần hoàn thiện cấu trúc quản trị công ty, phát hiện, ngăn chặn được các rủi ro trong hoạt động cũng nhưng rủi ro đầu tư nhằm đảm bảo hoạt động lành mạnh, bảo toàn vốn phát triển.

Cùng với sự lớn mạnh về số lượng và quy mô của các công ty chứng khoán, các văn bản pháp quy liên quan đến mảng hoạt động của các công ty chứng khoán ngày càng hoàn thiện. Quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán đã trải qua 7 lần ban hành mới và sửa đổi, bổ sung. Theo đó, các hướng dẫn về tổ chức, quản trị công ty chứng khoán, hướng dẫn về nghiệp vụ kinh doanh ngày càng được đổi mới, mở rộng và cập nhật phù hợp với tình hình mới và thông lệ quốc tế, có ban hành Điều lệ mẫu để các công ty chứng khoán thực hiện.

Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực hiện và triển khai áp dụng thông lệ quốc tế mới nhất về quản lý an toàn vốn đối với công ty chứng khoán bằng việc ban hành Thông tư 226/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Thông tư này tiếp tục được sửa đổi bằng Thông tư số 165/2012/TT-BTC ngày 9/10/2012.

Công ty chứng khoán: Khát vọng nâng tầm ảnh 2

Để hướng dẫn công ty chứng khoán thiết lập hệ thống quản trị rủi ro, ngày 26/2/2013, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 105/QĐ-UBCK hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro công ty chứng khoán. Đây là văn bản hướng dẫn quan trọng giúp cho công ty chứng khoán có thể thiết lập và đi vào vận hành tốt hệ thống quản trị rủi ro.

Ngày 9/10/2013, Chủ tịch UBCK cũng ban hành Quyết định số 617/QĐ-UBCK về việc ban hành Quy chế hướng dẫn xếp loại công ty chứng khoán (theo chuẩn CAMEL). Mục đích cốt lõi của Quy chế xếp loại công ty chứng khoán là đóng vai trò như một hệ thống cảnh báo sớm, giúp cơ quan quản lý sớm nhận diện các công ty chứng khoán có nhiều nguy cơ rơi vào diện vi phạm chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định tại Thông tư 226 hoặc có nhiều nguy cơ sụt giảm quy mô vốn chủ sở hữu so với vốn điều lệ ban đầu.

Trên cơ sở xếp loại các công ty chứng khoán thành nhiều nhóm theo kết quả lượng hóa rủi ro mất vốn và không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính, UBCK có thêm một kênh thông tin để hướng nguồn lực vào xử lý các công ty chứng khoán có nguy cơ mất an toàn tài chính. Hơn nữa, kết quả chấm điểm xếp loại được tổng hợp từ các yếu tố như chất lượng vốn, chất lượng tài sản... là các yếu tố định lượng hoặc từ các yếu tố định tính như chất lượng quản trị có thể là những chỉ báo cụ thể về nội dung kiểm tra, giám sát và xử lý cho cơ quan quản lý.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các công ty chứng khoán cũng được UBCK tăng cường thực hiện. Hàng năm, UBCK thực hiện thanh kiểm tra định kỳ từ 10-20 công ty chứng khoán.

Ngoài ra, Ủy ban còn tổ chức các đoàn kiểm tra bất thường, đặc biệt trong giai đoạn thị trường có những biến động bất thường hoặc có những tin đồn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro hệ thống. Các sai phạm được phát hiện sau các cuộc thanh tra, kiểm tra đều được xử lý nghiêm, tạo tính răn đe cho thị trường.

Qua 16 năm phát triển, khối công ty chứng khoán đã có sự phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng, cùng với sự tham gia đầu tư của nhiều đối tượng cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc số lượng các công ty chứng khoán tăng quá nhanh dẫn đến việc cạnh tranh hết sức gay gắt giữa các công ty chứng khoán, đặc biệt là cạnh tranh về thị phần môi giới (hơn 70% thị phần giao dịch tập trung vào khoảng chưa tới 20 công ty chứng khoán và chỉ có chưa đến 30% thị phần giao dịch do gần 70 công ty chứng khoán còn lại nắm giữ). Do đó, đã có những rủi ro khi thị trường biến động mạnh.

Sự phát triển của thị trường chứng khoán nói chung đòi hỏi các công ty chứng khoán phải đi vào chiều sâu nếu muốn tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh đó, khối công ty chứng khoán bộc lộ sự phân hóa nội khối. Chỉ có hơn 10% số công ty chứng khoán có mức vốn điều lệ lớn hơn 500 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán: Khát vọng nâng tầm ảnh 3

Các công ty chứng khoán còn lại, do quy mô vốn nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư hiệu quả thông qua cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành quy mô lớn trong các đợt cổ phần hóa của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, quy mô vốn nhỏ làm hạn chế rất nhiều khả năng mở rộng độ bao phủ của mạng lưới, mở rộng phân khúc khách hàng và mở rộng năng lực cũng như phạm vi cung cấp dịch vụ.

Ngoại trừ một vài công ty chứng khoán lớn nhất, hầu như các công ty chứng khoán nhỏ không thể tiếp cận được thị trường vốn để tăng vốn hoạt động. Việc tìm kiếm tài trợ vốn từ các tổ chức tín dụng và công ty tài chính cũng vô cùng khó khăn do tình hình khó khăn chung của thị trường chứng khoán.

Trước tình hình đó, trên cơ sở Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 06/12/2012, trong suốt 4 năm vừa qua, UBCK đã nỗ lực triển khai hoạt động tái cấu trúc khối các công ty chứng khoán theo hướng: nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và khả năng kiểm soát rủi ro của các công ty chứng khoán.

Trên cơ sở đó, từng bước thu hẹp số lượng các công ty chứng khoán; tăng cường khả năng, hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động công ty chứng khoán; và mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập đã cam kết. Việc thực hiện Đề án tái cấu trúc bước đầu đã được một số kết quả như sau:

Thứ nhất, nhằm duy trì, ổn định và từng bước nâng cao năng lực tài chính, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện để các tổ chức kinh doanh chứng khoán hợp nhất, sáp nhập, UBCK đã chấp thuận thực hiện hợp nhất cho 6 CTCK và đang tiếp tục xem xét hồ sơ hợp nhất của 2 CTCK khác.

Ngoài ra, một số CTCK đang bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, do không khắc phục được đã bị UBCK áp dụng các biện pháp mạnh hơn như đình chỉ hoạt động, chấm dứt hoạt động kinh doanh nhằm thu hồi giấy phép. Cho đến nay, số lượng các công ty chứng khoán đã được thu hẹp được khoảng 20% và có thể sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong thời gian tới.

Công ty chứng khoán: Khát vọng nâng tầm ảnh 4

Thứ hai, công tác quản trị công ty và quản trị rủi ro ở các công ty chứng khoán được kiện toàn và nâng cao dưới tác động của việc hoàn thiện khung pháp lý với sự ra đời của Thông tư 210 hướng dẫn thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán và Quyết định 105 về việc ban hành Quy chế hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho CTCK đã góp phần áp dụng các nguyên tắc quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh để hạn chế rủi ro, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là cung cấp các dịch vụ chứng khoán của các CTCK.

Thứ ba, các công ty chứng khoán đang dần phát triển một cách bền vững hơn, chú trọng nhiều hơn đến an toàn tài chính khi cơ quan quản lý tăng cường áp lực cưỡng chế thực thi tuân thủ các quy định về an toàn tài chính.

Thứ tư, UBCK đã và đang xây dựng các sản phẩm mới với mục tiêu tăng cường sự gắn kết giữa việc tái cấu trúc CTCK với tái cấu trúc cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư (phát triển các quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản), cơ sở thị trường, mở ra các sản phẩm mới (coverd warrant, các sản phẩm ETF, các sản phẩm trái phiếu, các sản phẩm cơ cấu…), thị trường mới (thị trường chứng khoán phái sinh), tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong huy động vốn, hỗ trợ công tác cổ phần hóa, gắn kết cổ phần hóa với niêm yết, giao dịch trên TTCK có tổ chức theo Quyết định 51 của Chính phủ.

Thứ năm, trên cơ sở Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 58/2012/NĐ-CP, UBCK đã cấp phép cho 4 công ty chứng khoán do tổ chức nước ngoài sở hữu trên 49% vốn điều lệ.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, nhằm mục tiêu tiếp tục thúc đẩy TTCK phát triển, đồng thời triển khai tái cấu trúc TTCK một cách hiệu quả, bảo đảm thị trường vận hành một cách ổn định, lành mạnh, không gây ra những xáo trộn lớn đồng thời đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, UBCK sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục củng cố, phát triển và tái cấu trúc CTCK dựa trên các chỉ tiêu về an toàn vốn, rủi ro nội tại của CTCK.

Đồng thời, từ những thành công và tồn tại trong 16 năm hình thành và phát triển công ty chứng khoán vừa qua, chúng ta cần hướng tới việc xây dựng thế hệ Luật Chứng khoán thứ hai nhằm hoàn chỉnh mô hình hoạt động của các công ty chứng khoán, các định chế trung gian trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy thị trường chứng khoán ngày càng vững mạnh, minh bạch và hiệu quả. 

Tin bài liên quan