Trái phiếu doanh nghiệp là khoản đầu tư dài hạn của nhiều công ty chứng khoán

Trái phiếu doanh nghiệp là khoản đầu tư dài hạn của nhiều công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán đẩy mạnh đầu tư trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu chưa niêm yết, đang là một trong những tài sản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của nhiều công ty chứng khoán.

Mở rộng danh mục đầu tư

Danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán chủ yếu nằm trong 3 khoản mục chính là tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), tài sản tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).

Trong đó, FVTPL được hạch toán theo giá trị thị trường và đánh giá lại tài sản trên bảng kết quả kinh doanh vào mỗi kỳ báo cáo. HTM chủ yếu là tiền gửi ngân hàng. Với AFS, lãi/lỗ chưa thực hiện không được hạch toán trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh, mà sẽ ghi nhận ở báo cáo thu nhập toàn diện khác cho đến khi thực sự tất toán khoản đầu tư, nên AFS là “của để dành” của công ty chứng khoán trong dài hạn nếu danh mục tốt.

Nhìn vào danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán, dễ nhận thấy nhiều công ty đã mở rộng trở lại hoạt động đầu tư trái phiếu niêm yết và chưa niêm yết, xem đây là khoản đầu tư dài hạn, nổi bật là Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS), Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Công ty Chứng khoán SSI (SSI), Công ty Chứng khoán VNDIRECT…

Tính tới cuối quý I/2024, TVS nắm giữ hơn 2.042 tỷ đồng trái phiếu, con số này tại VPBanks là 9.440 tỷ đồng, tại SSI là 12.756 tỷ đồng, tại VNDIRECT là 8.698 tỷ đồng…

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của TVS, tại mục FVTPL, Công ty sở hữu 10,2 tỷ đồng trái phiếu niêm yết và 115,3 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết. Tại mục AFS, Công ty sở hữu 673,3 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết. Trong khi đó, tại mục HTM dài hạn, TVS sở hữu 300,2 tỷ đồng trái phiếu niêm yết và 915,6 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết; còn mục HTM ngắn hạn có 27,5 tỷ đồng trái phiếu.

Như vậy, tính tới cuối quý I/2024, TVS nắm giữ hơn 2.042 tỷ đồng trái phiếu, giá trị đầu tư trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 94,5%.

Tại VPBankS, báo cáo tài chính quý I/2024 thể hiện cơ cấu FVTPL có 15,9% cổ phiếu, 69% trái phiếu, 14,9% chứng chỉ tiền gửi. Trong đó, giá trị trái phiếu là 7.321,4 tỷ đồng, đều là trái phiếu niêm yết. Ở mục AFS, VPBankS nắm giữ duy nhất tài sản đầu tư là trái phiếu, với giá trị 2.118,9 tỷ đồng, tăng 316% so với cuối năm 2023.

Cuối quý I/2024, VPBankS có vốn chủ sở hữu 16.578,4 tỷ đồng. Theo đó, tổng đầu tư trái phiếu của Công ty chiếm 56,9% vốn chủ sở hữu.

Với SSI, cơ cấu FVTPL cuối quý I/2024 bao gồm 1,6% cổ phiếu niêm yết, 32,3% trái phiếu niêm yết và chưa niêm yết, 64% chứng chỉ tiền gửi.

Với cơ cấu mà chứng chỉ tiền gửi chiếm tỷ trọng lớn, dễ nhận thấy chiến lược đầu tư của SSI tập trung vào các khoản lãi cố định, thay vì “lướt sóng” theo biến động thị trường. Bên cạnh đó, trái phiếu cũng là khoản đầu tư được ưu tiên khi tổng giá trị trái phiếu cuối quý I/2024 là 12.756 tỷ đồng.

Trong khi đó, trái phiếu chưa niêm yết chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu FVTPL của VNDIRECT thời điểm cuối quý I/2024, với 53,6%, tiếp theo là chứng chỉ tiền gửi (27,8%) và cổ phiếu (16,2%). Tổng giá trị trái phiếu chưa niêm yết là hơn 8.698 tỷ đồng, chiếm trên 90% danh mục trái phiếu và tương ứng 50,7% vốn chủ sở hữu.

Tranh thủ cơ hội, chấp nhận rủi ro?

Báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán không thuyết minh chi tiết danh mục đầu tư trái phiếu nên không thể đánh giá chi tiết cơ hội và rủi ro. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán được nhận định có một năm 2024 với nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh. Trong đó, triển vọng lợi nhuận tích cực nhờ lợi nhuận đầu tư cao hơn với việc tăng cường phân bổ đầu tư vào công cụ có thu nhập cố định, bao gồm trái phiếu, hoạt động phân phối trái phiếu doanh nghiệp và định giá thị trường chứng khoán được phục hồi.

Nhận định về động thái đẩy mạnh đầu tư trái phiếu của các công ty chứng khoán sau thời gian thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, ông Phan Duy Hưng, Giám đốc Khối phân tích và xếp hạng tín nhiệm, mảng định chế tài chính, VIS Rating cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2022, nhiều công ty chứng khoán đã tận dụng cơ hội khi thị trường trái phiếu bùng nổ để đầu tư trái phiếu, cũng như đẩy mạnh hoạt động phân phối trái phiếu tới nhà đầu tư.

“Điểm khác biệt hiện nay là với trái phiếu doanh nghiệp, không tính trái phiếu ngân hàng, chủ yếu là các công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái ngân hàng tăng cường nắm giữ, nhất là trái phiếu chưa niêm yết và cổ phiếu chưa niêm yết”, ông Hưng nhận xét.

Trong bối cảnh hiện tại, VIS Rating cho rằng, rủi ro tài sản vẫn ở mức cao đối với một số công ty chứng khoán tập trung phân phối trái phiếu và gia tăng nắm cổ phiếu chưa niêm yết cũng như trái phiếu doanh nghiệp. Những tài sản này thường tập trung vào một vài khách hàng lớn, khiến công ty chứng khoán đối mặt với các rủi ro sự kiện.

Ngoài ra, khi các công ty đẩy mạnh hoạt động phân phối trái phiếu thường đi kèm cam kết mua lại theo yêu cầu từ các nhà đầu tư nhiều hơn. Theo đó, các công ty chứng khoán phân phối trái phiếu có nhiều cam kết mua lại trái phiếu sẽ dễ bị tổn thương hơn trong trường hợp thanh khoản bị thắt chặt.

“Hoạt động đầu tư trái phiếu tại thị trường Việt Nam có tính thanh khoản không cao bằng sản phẩm cổ phiếu niêm yết, dẫn tới khi thị trường rơi vào tình trạng căng thẳng như quý IV/2022, các công ty chứng khoán đầu tư lớn vào trái phiếu sẽ gặp áp lực về thanh khoản. Chưa kể, khi có rủi ro sự kiện xảy ra như thời điểm cuối năm 2022, ngay cả các công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái ngân hàng cũng không thể thực hiện cam kết mua lại trái phiếu của khách hàng”, ông Hưng cho biết.

Ở khía cạnh tích cực, một yếu tố được xem là “bệ đỡ” cho hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các công ty chứng khoán trong năm 2024 là việc rủi ro đầu tư được giảm thiểu bằng các đợt tăng vốn gần đây và thị trường trái phiếu có dấu hiệu hồi phục rõ nét, tốc độ trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới chậm lại.

Theo quy định tại Điều 28, Thông tư 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính về hoạt động của công ty chứng khoán, tổng giá trị đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp của công ty chứng khoán không được vượt quá 70% vốn chủ sở hữu. Công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán được phép mua bán lại trái phiếu niêm yết theo quy định có liên quan về mua bán lại trái phiếu.

Tin bài liên quan