Ông Đặng Thái Hùng
Chế độ kế toán của các DN sản xuất đang được “dùng chung” cho CTCK. Điều này bộc lộ nhiều bất cập bởi khác xa các loại hình DN sản xuất, hoạt động của CTCK có nhiều đặc thù như: danh mục tài sản là cổ phiếu, trái phiếu… có giá biến động hàng giờ, hàng ngày. Để khắc phục bất cập này, cuối năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 210/2014 hướng dẫn kế toán áp dụng đối với CTCK, nhưng đến tận 1/1/2016 mới có hiệu lực. Vì sao văn bản này chậm được áp dụng, thưa ông?
Thông tư 210/2014 quy định những đặc thù áp dụng trong công tác kế toán đối với CTCK. Điều này sẽ đảm bảo phản ánh các loại tài sản, vốn… của CTCK phù hợp hơn. Qua đó giúp các đối tượng tiếp nhận thông tin có cái nhìn chuẩn xác về hiện trạng hoạt động của các CTCK.
Việc áp dụng các quy định mới tại Thông tư 210/2014 đòi hỏi cần có thời gian cho các CTCK chuẩn bị về đào tạo nhân sự, hệ thống công nghệ thông tin, tập dượt cách thức áp dụng… Các công việc này không dễ hoàn thành trong thời gian ngắn, nên để đảm bảo việc triển khai Thông tư 210/2014 đạt hiệu quả cao, trên cơ sở đề xuất của các bên liên quan, khi ban hành văn bàn này, Bộ Tài chính quyết định dành một năm cho các CTCK hoàn tất mọi công việc chuẩn bị. Đây là lý do đến ngày 1/1/2016, Thông tư 210/2014 mới có hiệu lực.
Một quy định đáng chú ý tại Thông tư 210/2014 là các nguyên tắc và phương pháp kế toán theo giá trị hợp lý (giá trị thị trường) chỉ được áp dụng khi Luật Kế toán cho phép. Trong khi Luật Kế toán hiện hành chưa quy định nguyên tắc hạch toán theo giá thị trường, mà chỉ quy định duy nhất nguyên tắc theo giá gốc (giá trị ghi sổ) để hạch toán và lập BCTC. Điều này có nghĩa, sẽ còn phải đợi khá lâu nữa, việc lập BCTC của các CTCK mới theo nguyên tắc giá thị trường, thưa ông?
Dự thảo Luật Kế toán sửa đổi đang được trình Quốc hội cho ý kiến, theo kế hoạch sẽ được thông qua vào cuối năm nay. Bên cạnh nguyên tắc giá gốc hiện hành, một điểm mới quan trọng trong dự thảo này là bổ sung nguyên tắc hạch toán theo giá trị hợp lý.
Một khi Quốc hội thông qua hướng cải cách này, thì nguyên tắc hạch toán theo giá thị trường sẽ được áp dụng. Khi đó, các nguyên tắc và phương pháp kế toán theo giá trị hợp lý tại Thông tư 210/2014 sẽ được áp dụng đối với CTCK.
Liên quan đến khái niệm giá trị hợp lý tại dự thảo Luật Kế toán sửa đổi, đang được các đại biểu Quốc hội thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, khái niệm này mang tính định tính cao hơn định lượng, nên dễ bị lợi dụng, muốn hạch toán theo giá nào cũng được. Tuy nhiên, khái niệm giá trị hợp lý là thuật ngữ của chuẩn mực kế toán quốc tế, nên khi áp dụng sẽ phải tuân thủ các yêu cầu về xác định giá theo nguyên tắc thị trường khách quan, chuẩn xác. Giá trị hợp lý không đơn thuần là một giá trị cụ thể, mà là giá trị mang tính đại diện, đặc biệt là đối với các loại tài sản, các khoản nợ mà có thị trường giao dịch để xác định giá.
Với tiến độ hoàn thiện khung pháp lý như ông vừa nêu, nhanh thì khoảng giữa hoặc cuối năm 2016 Luật Kế toán sửa đổi mới có hiệu lực. Việc quá chậm áp dụng nguyên tắc giá thị trường trong lập BCTC đối với CTCK đang khiến NĐT khó có cái nhìn chuẩn xác về “sức khỏe” của CTCK, ông có cho là như vậy?
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có những hướng dẫn về phương pháp hạch toán theo giá thị trường, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức sử dụng để đánh giá khi đưa các chỉ tiêu thông tin vào thuyết minh BCTC, chứ chưa được sử dụng để hạch toán và lập BCTC. Trong khi đó, hạch toán theo giá gốc thì nhiều chỉ tiêu trên BCTC tương đối xa rời so với thực tế.
Chẳng hạn, nhiều loại tài sản được ghi nhận giá gốc từ năm 2010, nếu hoạch toán theo giá thị trường năm 2015 sẽ rất khác, nhưng nếu vẫn hạch toán theo giá gốc thì vẫn như thời điểm năm 2010.
Bởi vậy tới đây, khi Quốc hội thông qua dự thảo Luật Kế toán sửa đổi, trong đó có nguyên tắc hạch toán theo giá thị trường, nguyên tắc này sẽ được sử dụng để đánh giá vào mỗi kỳ kế toán và điều chỉnh chỉ tiêu trên sổ kế toán để lập BCTC. Khi đó, các loại tài sản, khoản nợ biến động theo giá thị trường sẽ được ghi nhận theo giá thị trường.