Công ty chứng khoán chống rủi ro "force sell" ồ ạt cổ phiếu của lãnh đạo, có tới 146 mã dưới mệnh giá, gấp 5,64 lần năm ngoái

Công ty chứng khoán chống rủi ro "force sell" ồ ạt cổ phiếu của lãnh đạo, có tới 146 mã dưới mệnh giá, gấp 5,64 lần năm ngoái

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc thị trường liên tục bán tháo, cổ phiếu mất thanh khoản làm cho các Công ty chứng khoán không thể bán giải chấp, điều này đang đẩy rủi ro tới các Công ty chứng khoán khi cho khách hàng sử dụng sản phẩm ký quỹ để đầu tư chứng khoán.

Hàng loạt lãnh đạo cao cấp bị “Force Sell”

Sau nhiều năm, năm 2022 lại chứng kiến đợt bán tháo với chuỗi giảm sàn liên tục của nhiều cổ phiếu trên sàn, điều này dẫn tới cả lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư cá nhân liên tục bị “Force Sell” tài khoản.

Được biết, từ ngày 1/4 đến ngày 16/11/2022, chỉ số VN-Index giảm 37,8% từ 1.516,44 điểm về 942,9 điểm; chỉ số VN30 giảm 39% từ 1.542,47 điểm về 940,29 điểm. Trong đó, hàng loạt cổ phiếu tăng nóng giai đoạn cuối năm 2022 như DIG, CEO, L14 bốc hơi phần lớn giá trị, hàng loạt cổ phiếu giảm dưới mệnh giá.

Theo thống kê của SSI Research, tại thời điểm 1/6/2021, thời điểm bắt đầu sóng cổ phiếu đầu cơ, trên sàn HOSE có 76 mã có thị giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, và tới ngày 18/11/2021, con số này thu hẹp còn 22 mã.

Tuy nhiên sau đợt sụt giảm mạnh vừa qua, cũng theo thống kê của SSI Research, tại ngày 16/11/2022, sàn HOSE đã có tới 146 mã giao dịch dưới mệnh giá, gấp 5,64 lần so với thời điểm ngày 18/11/2021.

Chứng kiến đà lao dốc của cả cổ phiếu lớn, vừa và nhỏ, hàng loạt lãnh đạo cao cấp trên sàn bị “Force Sell”. Trong đó, đơn cử từ ngày 7/10 đến 11/11, gia đình ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp (mã DIG) bị bán giải chấp 26.136.150 cổ phiếu DIG, tương ứng 4,29% vốn điều lệ tại DIC Corp và các Công ty chứng khoán vẫn tiếp tục thông báo bán giải chấp thêm cổ phiếu DIG của gia đình ông Nguyễn Thiện Tuấn.

Tại Đầu tư LDG (mã LDG), từ 28/10 đến 15/11, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Đầu tư LDG bị bán giải chấp 9.761.900 cổ phiếu LDG, tương ứng khoảng 4,06% vốn điều lệ.

Tại Đông Hải Bến Tre (mã DHC), từ ngày 10/11 đến 14/11, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết sẽ bán giải chấp tổng cộng 1,7 triệu cổ phiếu của ông Lương Văn Thành, Chủ tịch HĐQT.

Tại Đầu tư Hải Phát (mã HPX), Chứng khoán Maybank cho biết sẽ bán giải chấp 2,3 triệu cổ phiếu của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT từ ngày 15/11.

Tại Tập đoàn Danh Khôi (mã NRC), Chứng khoán Maybank cho biết sẽ bán giải chấp tổng cộng 3,2 triệu cổ phiếu NRC của Chủ tịch HĐQT Lê Thống Nhất và vợ là bà Nguyễn Ngọc Thủy.

Ngoài ra, lãnh đạo của Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR), Hodeco (mã HDC)…cũng bị các Công ty chứng khoán bán giải chấp....

Câu chuyện bán giải chấp cổ phiếu không chỉ riêng với các nhà đầu tư cá nhân mà còn đang diễn ra với cả các lãnh đạo cao cấp, nhóm nhà đầu tư trước giờ thường sử dụng rất ít hoặc không sử dụng sản phẩm ký quỹ của các Công ty chứng khoán.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một môi giới tại Công ty chứng khoán có thị phần Top 3 trên HOSE cho biết, hiện tại ngày nào cũng chứng kiến hiện tượng “Force Sell” của các khách hàng cá nhân trong chuỗi sàn liên tục vừa qua. Trong đó, đáng chú ý nhiều cổ phiếu giảm sàn mất thanh khoản như PDR, HPX, DHC, EIB… dẫn tới việc Công ty chứng khoán muốn bán giải chấp cũng không thể bán được vì không có thanh khoản.

Nguồn thu margin đóng góp trọng yếu cho các Công ty chứng khoán

Thực tế, bên cạnh hoạt động môi giới, hoạt động cho vay (margin) chính là một hoạt động đóng góp doanh thu chính của các Công ty chứng khoán trong nhiều năm trở lại đây.

Thống kê 8 doanh nghiệp trong Top 10 thị phần môi giới quý III/2022 trên sàn HOSE (ngoại trừ VPS và TCBS do có dữ liệu tới 30/6/2022), tính tới 30/9/2022, tổng các khoản cho vay (margin) là 79.252,8 tỷ đồng, giảm 19.601,2 tỷ đồng so với đầu năm (đầu năm là 98.854 tỷ đồng) và chiếm trung bình 52,2% tổng tài sản.

Dư nợ margin Top 10 Công ty chứng khoán thị phần lớn trên HoSE
Dư nợ margin Top 10 Công ty chứng khoán thị phần lớn trên HoSE

Trong đó, các Công ty chứng khoán có tỷ trọng cho vay trên tổng tài sản lớn là Chứng khoán FPT (mã FTS) chiếm 76,8% tổng tài sản; Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) chiếm 76,1% tổng tài sản; Chứng khoán MB (mã MBS) chiếm 59% tổng tài sản; Chứng khoán TP. HCM (mã HCM) chiếm 52,8% tổng tài sản …

Như vậy, dư nợ cho vay margin đang và tiếp tục chiếm trọng số trong tổng tài sản của các Công ty chứng khoán tại Việt Nam.

Nhà đầu tư bỏ tài khoản hay nộp tiền vào khi tổng danh mục nhỏ hơn nợ vay?

Để nhà đầu tư dễ hình dung, ví dụ một nhà đầu tư X, tổng vốn đầu tư 1 tỷ đồng, thực hiện giải ngân vào 2 mã cổ phiếu A với giá 50.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ margin 50%; cổ phiếu B với giá 40.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ margin là 50%. Như vậy, sức mua tối đa là 2 tỷ đồng, nếu chia đều tỷ lệ 1 tỷ cho mỗi mã, nhà đầu tư X sẽ giải ngân được 20.000 cổ phiếu A và 25.000 cổ phiếu B.

Thông thường các Công ty chứng khoán sẽ sử dụng tỷ lệ tối thiểu là 0,35% và tỷ lệ ký quỹ xử lý là tối thiểu 25%. Trong trường hợp thông thường, cổ phiếu vẫn có thanh khoản, các Công ty chứng khoán khi chạm ngưỡng từ 25% đến 35% sẽ cho nhà đầu tư thời gian 2 ngày để xử lý, hoặc bán cổ phiếu hoặc nộp tiền bổ sung. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ giảm xuống dưới 0,25%, hệ thống sẽ tự động bán cổ phiếu nói trên và Công ty chứng khoán thu hồi nợ.

Các kịch bản xảy ra nợ xấu đối với Công ty chứng khoán khi cổ phiếu mất thanh khoản

Các kịch bản xảy ra nợ xấu đối với Công ty chứng khoán khi cổ phiếu mất thanh khoản

Tuy nhiên, trường hợp bất thường xảy ra, cổ phiếu giảm mất thanh khoản, thì rủi ro thu hồi nợ sẽ diễn ra đối với các Công ty chứng khoán.

Trong ví dụ về nhà đầu tư X, khi cổ phiếu A và B giảm 50% giá trị và mất thanh khoản, nếu Công ty chứng khoán bán được sẽ vẫn thu về 1 tỷ đồng, đúng bằng số tiền cho vay và tỷ lệ margin là 0%, không xuất hiện nợ xấu.

Tuy nhiên, cũng ví dụ nhà đầu tư X, nếu cổ phiếu A và B đồng loạt giảm 60% và mất thanh khoản, tổng giá trị danh mục bán thu hồi nợ được là 800 triệu đồng, tổng nợ vay là 1 tỷ đồng. Như vậy, nợ xấu của Công ty chứng khoán là 200 triệu đồng mặc dù đã bán hết danh mục tài sản của nhà đầu tư.

Thực tế, trong quá khứ giai đoạn năm 2008 đã từng diễn ra trường hợp tương tự, hàng loạt các nhà đầu tư cá nhân, các đội lái (mở tại công ty chứng khoán) đã sử dụng margin, sau đó cổ phiếu lao dốc và mất thanh khoản, giá trị danh mục thấp hơn giá trị dư nợ.

Trong trường hợp này, nếu là Ngân hàng thì vẫn ghi nợ xấu và có thể thực hiện các nghiệp vụ đòi nợ. Tuy nhiên, đối với Công ty chứng khoán, việc đòi gần như là không thể. Nhà đầu tư thông thường sẽ chọn bỏ tài khoản và công ty chứng khoán ôm nợ, Công ty chứng khoán phải ghi nhận giảm lợi nhuận trong kỳ báo cáo.

Nhiều trường hợp dẫn tới âm vốn chủ sở hữu và nhiều năm gặp khó khăn sau khi ôm nợ lớn không thu hồi được do cổ phiếu mất thanh khoản.

Có thể thấy, từ đầu năm tới nay các cổ phiếu giảm từ 60-80% giá trị không hiếm gặp trên sàn. Trong đó, nhiều cổ phiếu có dấu hiệu mất thanh khoản gần đây, các Công ty chứng khoán liên tục bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu nhưng không khớp, cổ phiếu xuất hiện chuỗi sàn liên tục và chưa có dấu hiệu có thanh khoản trở lại cho các công ty chứng khoán bán ra.

Nếu như Công ty chứng khoán thực hiện cấp margin cho các cổ phiếu mất thanh khoản nói trên, nhiều khả năng sẽ khó có thể thu hồi toàn bộ khoản cho vay margin nói trên và ảnh hưởng tiêu cực tới Báo cáo tài chính quý IV/2022, cũng như các năm sắp tới phải xử lý nợ xấu phát sinh năm 2022.

Tin bài liên quan