CTCK VNDIRECT (VNDS) đã lên kế hoạch phát hành tối đa 600.000 trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành 600 tỷ đồng, kỳ hạn từ 1-3 năm kể từ ngày phát hành trái phiếu tại mỗi đợt phát hành. Về thời gian phát hành, theo lãnh đạo VNDS, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2016 hoặc muộn nhất là đầu năm 2017.
Hiện VNDS đang tập trung chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh, dịch vụ giao dịch trong ngày và các dịch vụ chứng khoán mới khác. Về hoạt động nguồn vốn, VNDS sẽ tiếp tục thực hiện các cơ hội đầu tư hiệu quả vào trái phiếu chính phủ cũng như trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy thị phần giao dịch trái phiếu trên thị trường và tiếp tục triển khai phát hành trái phiếu, nhằm mở ra một kênh huy động vốn hiệu quả.
HĐQTCTCK Rồng Việt (VDSC) cũng vừa thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đợt 3 năm 2016. Theo đó, VDSC sẽ phát hành loại trái phiếu không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo, với tổng giá trị trái phiếu chào bán 300 tỷ đồng (giá chào bán bằng mệnh giá: 1 tỷ đồng/trái phiếu). Một số CTCK khác cũng đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu, chẳng hạn, ACBS dự kiến huy động 500 tỷ đồng trái phiếu, hay SHS muốn huy động tối thiểu 300 tỷ đồng…
Mới đây, CTCK Sài Gòn (SSI) thông báo đã phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi kỳ hạn 2 năm với lãi suất 7%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Sang kỳ tiếp theo, lãi suất được điều chỉnh 3 tháng một lần, bằng lãi suất huy động bình quân VND cá nhân trả sau kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank, Vietinbank, BIDV và VIB, cộng biên độ 1,2%/năm.
Trước đó, SSI đã phát hành 500 tỷ trái phiếu không có tài sản đảm bảo với lãi suất năm đầu tiên là 8,2%/năm, kỳ hạn 2 năm và một đợt phát hành trái phiếu 300 tỷ đồng với lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm của 4 ngân hàng lớn, cộng biên độ 1,5%/năm. Trước đó, các CTCK như VCBS, TVSI… cũng đã thực hiện thành công kế hoạch huy động vốn từ phát hành trái phiếu.
Thực tế cho thấy, việc phát hành trái phiếu của các CTCK là khá “xuôi chèo, mát mái” trong thời gian qua. Nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân lựa chọn phương án đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nói chung và của các CTCK nói riêng là vì mức lãi từ trái phiếu cao hơn so với lãi gửi tiết kiệm. Bên cạnh đó, trái phiếu của nhiều CTCK có thể chuyển nhượng ngay sau khi phát hành, sau đó có thể bán lại cho tổ chức phát hành sau 6 tháng. Đó là chưa kể, trái phiếu của một số CTCK có thể được quyền cầm cố, repo ngay tại CTCK đó để mua cổ phiếu…
Trong bối cảnh TTCK đang có diễn biến thuận lợi, nhu cầu vay vốn của nhà đầu tư tăng cao, việc sử dụng nguồn vốn đối với các CTCK cũng hiệu quả hơn. Hiện tại, mức lãi suất trái phiếu bình quân ở mức 8-10%, trong khi mức lãi suất margin cho vay bình quân khoảng 11-12%. Như vậy, với mức chênh lệnh này, có thể thấy các CTCK vẫn có lãi. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, khi chọn con đường tìm vốn mới bằng trái phiếu, nhất là trái phiếu lãi suất cao, chi phí vốn của CTCK sẽ cao hơn so với bằng lãi suất ngân hàng hiện nay.
Không thể phủ nhận việc các CTCK huy động vốn thành công sẽ nâng tầm năng lực tài chính, nếu các CTCK tăng sức hấp dẫn của trái phiếu bằng việc để lãi suất huy động cao, thì hệ lụy là lãi suất cho vay margin đến nhà đầu tư có thể sẽ cao hơn hiện nay, tạo áp lực buộc TTCK phải sinh lợi lớn hơn, nếu không sẽ giảm sức hấp dẫn các dòng vốn.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT TVSI cho biết, việc huy động vốn qua ngân hàng vẫn là điều khó khăn đối với nhiều CTCK bởi phải có tài sản đảm bảo, trong khi huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu lại chủ động hơn nhiều. Hơn nữa, nhiều nhà băng mặc dù đưa ra mức lãi suất cho vay hấp dẫn, nhưng điều kiện vay đi kèm lại rất nhiều và không phải tổ chức nào cũng có thể được vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Cũng theo ông Dũng, nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp hình thành và phát triển, các tổ chức sẽ chủ động hơn trong việc phát hành trái phiếu, doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn dồi dào từ thị trường với mức lãi suất hợp lý, đồng thời các ngân hàng cũng “nhẹ gánh” hơn trong huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.