Giai đoạn thị trường kém sôi động vừa qua, nhà đầu tư cá nhân hạn chế dùng đòn bẩy.

Giai đoạn thị trường kém sôi động vừa qua, nhà đầu tư cá nhân hạn chế dùng đòn bẩy.

Công ty chứng khoán chạy đua hạ lãi suất margin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn lực tài chính cải thiện sau các đợt tăng vốn, cộng thêm câu chuyện thanh khoản sụt giảm, các công ty chứng khoán tích cực đẩy vốn margin bằng ưu đãi lãi suất thấp, đồng thời thu hút các team môi giới có sẵn khách hàng về công ty.

Nhiều chương trình ưu đãi lãi suất margin

Tuần qua, thị trường chứng khoán trong nước có phản ứng khá tích cực xung quanh kỳ họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khi kỳ vọng hạ lãi suất 0,5%/năm của ngân hàng trung ương Mỹ trở thành hiện thực. Điểm số và giá trị giao dịch cải thiện trong một số phiên, tuy nhiên, thanh khoản vẫn ở mức thấp nếu so sánh với giai đoạn trước.

Thực tế, sau giai đoạn sôi động trong nửa đầu năm, thị trường chứng khoán bước vào quý III trầm lắng hơn trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ (qua mùa công bố báo cáo tài chính quý II và chưa đến mùa công bố báo cáo quý III) và không có dòng tiền lớn dẫn dắt, khối ngoại miệt mài bán ròng.

Giai đoạn nửa đầu tháng 9, có những phiên giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên cả ba sàn chứng khoán (HOSE, HNX, UPCoM) chưa đầy 20.000 tỷ đồng.

Thị trường thanh khoản thấp rất khó cho hoạt động “lướt sóng”, vì vậy, các môi giới khuyến nghị khách hàng chỉ mua khi đỏ và nắm giữ tỷ trọng vừa phải, quanh 50-70% NAV và hạn chế margin.

Nhiều môi giới khác đưa quan điểm tiếp tục nắm giữ hàng chất lượng để chờ “gió Đông”, hạn chế margin và không mua đuổi những cổ phiếu không có cơ bản, tiềm năng cuối năm. Điều này cho thấy, với bối cảnh thị trường giao dịch kém sôi động, câu chuyện dư nguồn margin là dễ hiểu khi nhà đầu tư chưa nhìn ra cơ hội trading kiếm lời, nói gì đến việc sử dụng margin.

Các công ty chứng khoán, với quy mô vốn lớn nhanh trong vài năm qua, dĩ nhiên chịu tác động trực diện bởi diễn biến thị trường, mảng hoạt động dễ nhìn thấy là môi giới và margin. Mối tương quan giữa môi giới (thể hiện qua thị phần) và margin không có gì xa lạ, nhiều khách - mang lại cơ hội cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ hơn và ngược lại.

Trong bối cảnh khối ngoại liên tục rút ròng, câu chuyện giữ và gia tăng khách hàng cá nhân lại càng trở nên cạnh tranh hơn (bên cạnh áp lực từ việc miễn phí môi giới vẫn hiện hữu, kéo dài từ vài năm trước tới nay). Theo đó, đưa ra các chính sách margin hấp dẫn là giải pháp được nhiều công ty chứng khoán lựa chọn

Chẳng hạn, Vietcap triển khai gói Margin Power, ưu đãi đột phá, với lãi suất cho vay chỉ 6%/năm, áp dụng cho khách hàng mở tài khoản từ ngày 1/9/2024 đến ngày 31/10/2024, NAV 10 tỷ đồng trở lên, với hạn mức dư nợ hưởng ưu đãi là 5 tỷ đồng. Trên 5 tỷ đồng hoặc hết hạn chương trình, Công ty áp dụng lãi suất 11%/năm.

SHS có gói margin T5 với lãi suất 0% áp dụng trong 5 ngày đầu, 15%/năm cho dư nợ còn lại từ ngày thứ 6; gói T7 với lãi suất 6%/năm trong 7 ngày đầu và 14,5%/năm từ ngày thứ 8 trở đi. VPBankS có gói cho vay margin lãi suất 8,6%/năm, hạn mức lên tới 5 tỷ đồng/tài khoản.

Còn VPS tung chương trình cho vay ký quỹ mới, với ưu đãi lãi suất chỉ 4,5%/năm trong 5 ngày đầu và 8%/năm trong 7 ngày đầu. Hay DNSE có gói vay Rocket X, lãi suất chỉ từ 5,99%/ năm, phù hợp với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro trung bình, cổ phiếu có tiềm năng tăng giá tốt.

Việc các công ty chứng khoán tung ra nhiều gói cho vay margin với ưu đãi lãi suất mang đến cơ hội nhiều hơn cho nhà đầu tư, nhưng việc sử dụng hay không cũng còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường. Như ở giai đoạn này, ghi nhận từ nhiều nhà đầu tư cho thấy, họ chưa mặn với với việc sử dụng đòn bẩy.

Dòng tiền margin trên thị trường đang chuyển dịch từ nhà đầu tư cá nhân sang đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư lớn trong nước, thay vì nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Nhiều phán đoán cho rằng, áp lực trái phiếu và đáo nợ trong giai đoạn này khá lớn từ nay tới cuối năm, hơn 100.000 tỷ đồng và áp lực tăng dần theo từng tháng. Hoạt động đàm phán thay đổi kỳ hạn trái phiếu vẫn diễn ra sôi động.

Ở phân khúc khách hàng deal – thường sử dụng margin không để trading trên thị trường thì luôn mong muốn tiếp cận công ty chứng khoán có chính sách vay thông thoáng.

Một môi giới chuyên hệ khách hàng vay deal đưa ra bài toán: cần vay vài trăm tỷ đồng, không yêu cầu giao dịch, lãi suất 7 - 8%/năm, không cắt đột ngột, tài sản đảm bảo là chính cổ phiếu đó, hoặc các cổ phiếu có thanh khoản khác.

Người này cũng cho biết vừa xúc tiến thành công một deal cho vay 200 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm. Dù dư nguồn nhưng nhiều đội môi giới trên thị trường không mặn mà với deal này, vì “deal không giao dịch thì môi giới chẳng được gì”.

Tăng trưởng marin chủ yếu từ cho vay deal

Rõ ràng, VN-Index vẫn gặp thách thức quá lớn trước mốc 1.300 điểm, thanh khoản có xu hướng giảm qua các tháng và áp lực khối ngoại bán ròng. Thanh khoản giảm đang được cho là yếu tố đáng lo ngại.

Nhìn lại đà tăng của chỉ số chung ở một số tháng từ đầu năm đến nay, dù VN-Index mãi không vượt 1.300 điểm nhưng nhiều cổ phiếu đã vượt xa đỉnh lịch sử. Điều này diễn ra ở một số ngành đặc thù, điển hình như công nghệ - hoà chung xu hướng chung trên thế giới, tăng rất mạnh mẽ, FPT vượt đỉnh rất xa.

Bên cạnh đó, dù nguồn margin dư giả từ công ty chứng khoán, nhưng đâu đó, vẫn có những số liệu margin do bên thứ ba cung cấp vẫn chưa đong đếm được (hạn mức tốt, tỷ lệ đòn bẩy cao và danh mục cho vay có thể rộng hơn) - là yếu tố mà mỗi khi thị trường chỉnh giảm, tâm lý yếu… đều có tác động dây chuyền lên thị trường.

Ghi nhận ý kiến các môi giới lâu năm trên thị trường, họ có góc nhìn, các thông tin từ vĩ mô đến vi mô có nhiều gam màu tích cực hơn nhưng thanh khoản trên thị trường thì trồi sụt và thiên về xu hướng giảm.

Dòng tiền phân hoá và luân chuyển qua các nhóm ngành, ưu tiên nhóm có cơ bản tốt, tin tốt. Rõ ràng, thị trường muốn thoát ra khỏi vùng đi ngang thì cần phải có dòng tiền định hướng và yếu tố hỗ trợ đủ mạnh và bền.

Câu hỏi được thảo luận, vậy dòng tiền lớn thực sự đã đi đâu? Nhìn lại các con số cuối quý II/2024, lượng margin được công bố tăng cao kỷ lục, gần 219.000 tỷ đồng.

Số liệu của FiinGroup cho thấy, tỷ lệ đòn bẩy cao nhất lịch sử khi dư nợ margin trên tổng vốn hóa thị trường ở mức 9,4%, mức đỉnh vừa thiết lập này vượt qua kỷ lục cũ (gần 185.000 tỷ đồng) thời điểm quý I/2022.

Tham gia lâu năm trên thị trường, đa phần các môi giới đều hiểu, sự tăng trưởng của margin một phần lớn liên quan đến các “deal”, từ giao dịch cổ đông lãnh đạo hoặc cổ đông lớn mua lại các lô cổ phiếu lô lớn thoả thuận/block shares, trong đó có những lô do một số nhà đầu tư nước ngoài bán.

Ghi nhận các công ty chứng khoán cho thấy, dư nợ cũng tập trung ở những công ty chứng khoán hay làm “deal”. Lưu ý, khi khối ngoại bán ròng mạnh mẽ, bản thân các ông chủ doanh nghiệp cũng sốt ruột, nên động lực sử dụng đòn bẩy để gom mua lại cổ phiếu là có. Do đó, một phần quy mô cho vay margin được sử dụng cho việc này.

Nói cách khác, dòng tiền margin trên thị trường đang chuyển dịch từ nhà đầu tư cá nhân sang đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư lớn trong nước, thay vì nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Nhiều phán đoán cho rằng, áp lực trái phiếu và đáo nợ trong giai đoạn này khá lớn từ nay tới cuối năm, hơn 100.000 tỷ đồng và áp lực tăng dần theo từng tháng. Hoạt động đàm phán thay đổi kỳ hạn trái phiếu vẫn diễn ra sôi động.

Theo đó, một phần dòng tiền rút ra khỏi thị trường để xử lý vấn đề đảo nợ, để bơm vốn cho các dự án, hoặc chi phí vận hành doanh nghiệp khi cận kề cuối năm… là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Tuy nhiên, đây chỉ là những yếu tố tác động theo từng giai đoạn. Thị trường tháng 9 và triển vọng từ năm sang năm 2025 vẫn được cho là tích cực, đặc biệt chất xúc tác nâng hạng vẫn đang “hữu ích” với tâm lý nhà đầu tư.

Theo dữ liệu lịch sử, tháng 9 có thể là cơ hội mua tốt cho kỳ vọng thị trường chứng khoán tăng trưởng trở lại trong quý cuối năm.

Các yếu tố có lợi cho thị trường chứng khoán Việt Nam dần hiện rõ hơn so với giai đoạn trước, gồm đà hồi phục kinh tế tiếp tục duy trì với chính sách tiền tệ và tài khoá hỗ trợ, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết khả quan hơn vào nửa cuối năm, bên cạnh kỳ vọng về sự trở lại dần của dòng vốn ngoại.

Dựa trên danh sách theo dõi của SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ có thể đạt mức 21,7% trong 6 tháng cuối năm 2024, tăng tốc đáng kể so với mức chỉ 6,2% trong 6 tháng đầu năm.

Tin bài liên quan