HOSE tổ chức vinh danh các công ty chứng khoán có đóng góp cho TTCK năm 2014

HOSE tổ chức vinh danh các công ty chứng khoán có đóng góp cho TTCK năm 2014

Công ty chứng khoán cần chuẩn bị tốt hơn để hội nhập

(ĐTCK) Thời gian qua, hoạt động tái cấu trúc khối CTCK diễn ra mạnh mẽ, không ít công ty phải rời bỏ “cuộc chơi”, nhiều công ty nâng cao được chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và khả năng kiểm soát rủi ro. Tuy nhiên, thách thức đến từ thị trường cả trong và ngoài nước đang đến gần, ngay cả các CTCK lớn cũng có thể đuối sức nếu không có sự chuẩn bị tốt.

“Hoạt động tái cấu trúc các CTCK diễn ra mạnh mẽ”

Công ty chứng khoán cần chuẩn bị tốt hơn để hội nhập ảnh 1

Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TP. HCM (HOSE)
 

Tính đến ngày 31/10/2015, số CTCK thành viên tại HOSE là 80 công ty. Tổng số tài khoản giao dịch của NĐT tại các CTCK là 1,5 triệu tài khoản, tăng 6,23% so với cùng kỳ năm 2014.

Năm qua, hoạt động tái cấu trúc các CTCK thành viên diễn ra mạnh mẽ, nhiều công ty tích cực áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường năng lực tài chính và quản trị rủi ro.

HOSE đã giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các vi phạm của thành viên, đảm bảo các CTCK tuân thủ pháp luật. Số CTCK thành viên vi phạm chế độ báo cáo, công bố thông tin đã giảm đáng kể do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các Sở giao dịch tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn văn bản quy phạm pháp luật cho các công ty, mặt khác các CTCK cũng có ý thức tuân thủ pháp luật hơn trước. Tính đến tháng 10/2015, có 22 trường hợp vi phạm chế độ báo cáo và công bố thông tin, giảm 71,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Từ đầu năm đến nay, Sở đã chấm dứt tư cách thành viên đối với 7 CTCK, trong đó có 4 trường hợp chấm dứt tư cách thành viên bắt buộc và 3 trường hợp là chấm dứt tư cách thành viên tự nguyện, tăng 3 trường hợp so với năm 2014. Trong 80 CTCK thành viên hiện tại, có 3 công ty đang thực hiện thủ tục chấm dứt tư cách thành viên và 1 công ty đang bị đình chỉ toàn bộ hoạt động.

Nhìn vào kết quả kinh doanh của các CTCK có thể thấy, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh thị trường từ đầu năm đến nay kém thuận lợi, thanh khoản chỉ ở mức bình thường. Cụ thể, lũy kế đến tháng 10/2015, có 54/80 CTCK có lãi với tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.377 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái và 26/80 công ty thua lỗ với tổng lỗ hơn 505 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôi cho rằng, sự phân hóa giữa các CTCK sẽ diễn ra mạnh hơn khi sắp tới, NĐT được phép giao dịch trong ngày và TTCK phái sinh đi vào hoạt động, đòi hỏi CTCK phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về vốn, công nghệ, quản trị.

Năm 2015, kỷ niệm 15 năm thành lập TTCK Việt Nam, HOSE đã kết hợp với các thành viên thực hiện nhiều hoạt động phát triển thị trường, tổ chức gặp gỡ NĐT, tham gia các hoạt động vì môi trường và xã hội. HOSE đã hoàn thành Trung tâm dữ liệu dự phòng tại Khu công nghiệp Quang Trung (TP. HCM), là nơi tạo điều kiện cho các CTCK đặt hệ thống công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, một điều kiện cạnh tranh quan trọng hiện nay.

Tôi cho rằng, TTCK muốn phát triển không thể thiếu các CTCK lớn mạnh đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường, nhà môi giới lớn. Khi quá trình tái cơ cấu CTCK bước sang giai đoạn thứ 3, số lượng CTCK sẽ tiếp tục giảm, nhưng những tên tuổi còn lại là những công ty thực sự có chất lượng, có khả năng cạnh tranh, có khả năng phát triển bền vững cùng thị trường.

“Các CTCK cần chuẩn bị tốt hơn”

Công ty chứng khoán cần chuẩn bị tốt hơn để hội nhập ảnh 2

 Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT  Sở GDCK Hà Nội

Hơn 10 năm của HNX cũng là cùng đó thời gian HNX gắn bó chặt chẽ với các CTCK thành viên. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua rất nhiều thăng trầm, có những lúc quá khó khăn, có những lúc rất thuận lợi, nhưng luôn kề vai, sát cánh, với sự chỉ đạo của UBCK, Bộ Tài chính, để góp sức xây dựng HNX vận hành suôn sẻ cả 3 thị trường, góp sức xây dựng TTCK Việt Nam.

Song hành cùng các CTCK, HNX luôn lắng nghe và cố gắng cải tiến chính mình để đáp ứng những yêu cầu chính đáng của các thành viên, cũng như các chủ thể liên quan trên TTCK.

Năm 2016, TTCK Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn mới, rất quan trọng. Câu chuyện hội nhập, phát triển sản phẩm mới, thị trường mới, phát triển bền vững, cũng như những thay đổi mạnh mẽ về môi trường pháp lý sẽ tác động không nhỏ đến chiến lược và cách thức kinh doanh của khối CTCK. Tôi mong rằng, các CTCK sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn, tìm ra cơ hội phù hợp, để cùng bước tiếp trên chặng đường mới, giữ gìn lợi ích cho mình và cho cả thị trường.

Về phía HNX, trong thời gian tới sẽ triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020. HNX hướng trọng tâm vào việc xây dựng TTCK phái sinh, triển khai những hoạt động nhằm phát triển sản phẩm, nghiệp vụ theo quy định mới, đồng thời tiếp tục vận hành ổn định và duy trì sự phát triển của các thị trường hiện tại.  Chúng tôi sẽ phối hợp và hỗ trợ thường xuyên về nghiệp vụ đối với các CTCK. Tôi tin rằng, khi chúng ta hợp sức và học hỏi để phát triển, các CTCK không chỉ góp sức xây dựng, mà cũng sẽ trưởng thành và lớn mạnh cùng TTCK Việt Nam.

“Nhóm CTCK lớn đang bứt phá”

Công ty chứng khoán cần chuẩn bị tốt hơn để hội nhập ảnh 3

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)
 

Đến nay, khối CTCK đã có bước phát triển tích cực trên nhiều mặt. Đáng chú ý, sau thời gian phát triển mạnh theo chiều rộng trong giai đoạn đầu, những năm gần đây, sự phát triển theo chiều sâu ngày một rõ nét nhờ sự nỗ lực của bản thân các CTCK, cũng như quyết tâm thúc đẩy tái cấu trúc khối CTCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Đặc biệt, cùng với tính chuyên nghiệp của TTCK ngày một cải thiện, sự phân hóa trong khối CTCK trên nhiều mặt như: quy mô vốn, hiệu quả kinh doanh, thị phần môi giới, chỉ tiêu an toàn tài chính, uy tín thương hiệu… ngày một rõ nét. Trong khi nhóm CTCK lớn đang thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ, thì ở chiều ngược lại, nhóm CTCK quy mô nhỏ thể hiện sự đuối sức.

Với sự bứt phá của nhóm CTCK lớn như hiện nay, các tổ chức cung cấp dịch vụ trong nước sẽ đủ sức đương đầu với những thách thức mới đặt ra trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang ngày hội nhập sâu rộng hơn với TTCK thế giới, đặc biệt là trong khu vực ASEAN khi Cộng đồng kinh tế ASEAN dự kiến được hình thành vào cuối năm nay.

Với những ưu thế như: am hiểu sâu văn hóa và thói quen giao dịch của NĐT bản địa; năng lực tài chính, quản trị rủi ro được tăng cường; sự nhanh nhạy, hiệu quả trong nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới…, các CTCK lớn trong nước sẽ có thêm dư địa tăng tốc trong thời gian tới khi Bộ Tài chính, UBCK mở cửa TTCK phái sinh trong năm tới. Tuy nhiên, cơ hội phát triển mới không chia đều, mà sẽ dành cho các CTCK có đội ngũ nhân sự chất lượng cao, vốn lớn, an toàn tài chính và hiệu quả kinh doanh đã được chứng minh qua thực tế.

Tin bài liên quan