Nhận diện dự án xanh
Theo các chuyên gia, khái niệm công trình xanh, dự án xanh xuất hiện từ những năm 1990, nhưng cũng tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về công trình này, trong đó chủ yếu nhìn nhận công trình xanh là công trình trồng nhiều cây xanh. Quan niệm này không sai, nhưng chưa đầy đủ.
Theo bà Nguyễn Thu Nhàn, quản lý Chương trình Công trình xanh Việt Nam của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), công trình xanh còn hội tụ nhiều yếu tố khác như sử dụng tài nguyên năng lượng, nước… một cách tiết kiệm và tái tạo; mức độ thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe con người. Công trình xanh cũng là công trình sử dụng các loại vật liệu bền vững (vật liệu tái chế, tái sử dụng, vật liệu có nguồn gốc và gần gũi với địa phương).
Dễ nhận thấy rằng, nếu xét theo các tiêu chí trên, thì nhiều dự án nhận là xanh trên thị trường hiện nay là chưa đạt, hầu hết mới chỉ đạt tiêu chí xanh cây.
Từ khi triển khai và khuyến khích các công trình xanh ở nước ta năm 2007, đến nay, sau 10 năm, số lượng công trình xanh và phát triển bền vững được chứng nhận trong cả nước mới đạt 60 công trình, thấp hơn nhiều về số lượng công trình xanh các nước trong khu vực, như Singapore (1.200 công trình), Malaysia (125)…
Thực tế này cho thấy, việc triển khai các công trình xanh ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng cũng phản ánh tiềm năng lớn trong việc triển khai trong tương lai.
Thiếu thông tin, rào cản lớn
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng các công trình xanh còn hạn chế là vấn đề nhận thức, tiếp cận thông tin về công trình xanh.
Một góc FLC Sầm Sơn, dự án có nhiều không gian xanh
Với các chủ đầu tư, việc không có thông tin chính xác về chi phí xây dựng công trình xanh dẫn đến việc nhận định sai về chi phí (chủ yếu theo hướng chi phí lớn), dẫn đến sự e ngại trong triển khai, thực hiện các công trình
“Nhiều chủ đầu tư và nhà thầu lớn cho biết, trước đây khi muốn làm công trình xanh thì được các đơn vị và chuyên gia tư vấn rằng các công trình này sẽ làm tăng 20 - 30% chi phí đầu tư ban đầu và đây chính là nguyên nhân họ không muốn tìm hiểu thêm.
Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc của các con số này thì hầu hết các bên đều không dẫn chứng được và cũng không có kinh nghiệm tham gia bất cứ một dự án xanh nào. Các thông tin trôi nổi cùng với việc giới hành nghề xây dựng trong nước còn chưa được tiếp cận rộng rãi với các khái niệm, kỹ năng, công nghệ về thiết kế và xây dựng công trình xanh, khiến cho việc phát triển công trình xanh gặp phải không ít khó khăn”, bà Nhàn cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, tỷ lệ tăng thêm ban đầu của công trình xanh và tỷ lệ hoàn vốn sau khi công trình xong, người bỏ vốn ra mua nhà đó chỉ mất thêm 1 - 5% và sẽ rất nhanh để thu hồi vốn. Một con số không hề quá đắt đỏ như mọi người vẫn nghĩ.
Theo các khảo sát, phân tích chi phí liên quan đến công trình xanh tại Malaysia, thì chi phí phụ trội không vượt quá 5% tổng đầu tư và thời gian hoàn vốn thường ngắn hơn 5 năm.
Còn tại Mỹ, năm 2007, Tập đoàn Davis Longdon đã khảo sát 83 công trình được cấp chứng nhận LEED và so sánh chi phí xây dựng với 138 công trình không có chứng nhận này. Kết luận đưa ra là không có sự khác biệt đáng kể nào về giá xây dựng giữa hai loại công trình.
Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới cũng cho hay, khi khảo sát nhận định về chi phí công trình xanh tại 69 quốc gia, con số phụ trội ghi nhận là 17% tổng đầu tư. Tuy nhiên, khi khảo sát thực tế tại 146 công trình, con số này chỉ là 2%, thấp hơn nhiều lần so với nhận định trước đó. Điều này cũng chứng tỏ, lời đồn về chi phí tăng thêm hàng chục phần trăm ở các công trình xanh là hoàn toàn sai lệch.
Cứ làm rồi sẽ hiểu
Mới đây, khi chia sẻ về việc triển khai các dự án xanh, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Capital House thừa nhận: “Chúng tôi là đơn vị muốn làm công trình xanh, nhưng đối mặt với nhiều thách thức. Ban đầu, chúng tôi cũng chưa biết nên bắt đầu từ đâu, nhưng với tâm lý cứ làm rồi sẽ hiểu, chúng tôi áp dụng và tháo gỡ dần dần để triển khai.
Đơn cử như việc dùng gạch không nung, ban đầu chúng tôi dùng gạch chỉ để bám sát tiêu chí xanh từ vật liệu, sau đó, chúng tôi thấy nó không chỉ là giải pháp để xanh hóa dự án, mà còn thực sự mang lại hiệu quả về chi phí xây dựng, nên chuyển hẳn qua dùng loại gạch này”.
Theo các chuyên gia, để có được một công trình xanh cần phải bắt đầu từ quy hoạch cho đến vận hành, trong đó vận hành là quan trọng nhất, bởi nếu không biết vận hành, không phát huy được ưu điểm của công trình thì sẽ vô nghĩa.
“Tạo ra một công trình xanh chưa đủ, mà phải hướng dẫn, phải có bộ cẩm nang để người dân hiểu và sử dụng được”, ông Bách nói.
Dù gặp phải không ít rào cản, nhưng phát triển các công trình xanh cũng đang cho thấy những dấu hiệu khá tích cực. Hiện nay, xây dựng công trình xanh đang trở thành xu hướng, khi các nhận thức về sử dụng năng lượng, tài nguyên và vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu ngày một sâu sắc.
Công trình xanh và giá trị quảng bá
Theo các chuyên gia, nếu muốn phát triển công trình xanh, cần có cái nhìn chuẩn xác về lợi ích ngoài chi phí mà công trình mang lại, trong đó giá trị quảng bá được đề cao nhất. Các công trình, dự án xanh hiệu quả thế nào về mặt truyền thông, tiếp thị và bán hàng thì ai cũng trông thấy.
Cụ thể, một nghiên cứu toàn cầu mới đây của Nielsen về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cho thấy, 64% đối tượng tham gia nghiên cứu từ khu vực châu Á ‐ Thái Bình Dương sẵn sàng trả thêm tiền để được sử dụng các tính năng bền vững, cao hơn mức 50% của năm 2012.
Mặt khác, với việc đề cao vai trò của các công trình xanh, các công trình loại này ngày càng có nhiều sức hấp dẫn. Chẳng hạn, công trình tòa nhà văn phòng President Place tại TP.HCM, nhờ đạt chứng nhận LEED Vàng 2012 (hệ thống đánh giá công trình xanh của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ), đã góp phần giúp tỷ lệ lấp đầy lên tới 80% trong vòng 1 năm. Đặc biệt, những khách hàng tìm đến President Place đều là các tập đoàn đa quốc gia như Microsoft, Starbucks, Sony...
Hay với Dự án Capital House tại Hà Nội, nhờ tận dụng và khai thác tốt chứng chỉ công trình xanh EDGE (hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả), mà chủ đầu tư đã đẩy nhanh được tốc độ bán hàng.
Do đó, trên thị trường, dù chưa được cấp bất kỳ chứng chỉ xanh nào, nhiều dự án vẫn gắn mác xanh để quảng cáo bán hàng.
Nhận định về vai trò của các công trình xanh, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, công trình xanh phải là công trình đạt hiệu quả cao nhất trong sử dụng năng lượng, cả hiệu quả kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, nó còn mang đến cho người dân một cuộc sống thoải mái nhất, môi trường sống tốt nhất. Công trình xanh mang ý nghĩa rất lớn với cuộc sống hiện đại và là nhu cầu bức thiết, nên chúng ta dứt khoát phải làm.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản cũng cho biết, hiện Hiệp hội đang phối hợp với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp để triển khai nhiều hơn các dự án công trình xanh trong thời gian tới.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com