Công trình xanh tạo không gian sống trong lành cho cư dân, người sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường

Công trình xanh tạo không gian sống trong lành cho cư dân, người sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường

Công trình xanh: Những thách thức tại Việt Nam

(ĐTCK) Mặc dù ai cũng nhắc đến công trình xanh, nhưng thực tế tính đến tháng 12/2018, trên cả nước mới có 104 dự án bất động sản được nhận chứng nhận xanh...

Nhìn ra thế giới

Tại hội thảo “Xu hướng xanh trong thị trường bất động sản Việt Nam 2019” vừa được tổ chức tại TP.HCM, bà Nguyễn Thu Nhàn, Quản lý Chương trình phát triển công trình xanh (Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC) cho biết, phong trào xây dựng công trình xanh đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 1990, sau đó phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ cho hoạt động bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Tại Mỹ hiện đã có khoảng 5.000 công trình được chứng nhận xanh sau 10 năm triển khai (2000 - 2006), góp phần tiết kiệm 30 - 50% lượng nước và năng lượng tiêu thụ. Tại Đài Loan (Trung Quốc), tổng năng lượng điện tiết kiệm được sau 7 năm theo đuổi xu hướng công trình xanh (2000 - 2007) là 432 triệu kWh điện, giảm thải 285.000 tấn CO2, giảm 18,3 triệu m3 nước sạch.

Cũng theo bà Nhàn, thị trường công trình xanh đang mở rộng tầm ảnh hưởng tới rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, mà nổi bật hơn cả là các nước phát triển. 13 quốc gia trong số các nước được nghiên cứu bao gồm Mỹ, Mexico, Brazil, Colombia, Đức, Anh, Ả Rập Saudi, Phần Lan, Nam Phi, Úc, Singapore, Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo sẽ gia tăng đáng kể số lượng doanh nghiệp có trên 60% công trình xanh trong vài năm tới.

Trong đó, nhóm các toà nhà thương mại chiếm tỷ trọng tăng trưởng công trình xanh cao nhất với 46% đơn vị tham gia, đồng thời cũng là nhóm công trình phát triển hàng đầu của 8 trong số 13 quốc gia phát triển nêu trên.

Tại châu Á, Singapore và Trung Quốc là 2 quốc gia đang nổi lên như một ví dụ điển hình về công trình xanh. Bằng các biện pháp khuyến khích áp dụng kiến trúc xanh và công nghệ tiết kiệm năng lượng, Singapore đã xây dựng được nhiều công trình ứng dụng công nghệ xanh hàng đầu thế giới như gắn pin năng lượng mặt trời trên mái hoặc cửa sổ, hệ thống thang máy, thang cuốn tiết kiệm năng lượng, hệ thống điều hòa không khí hiệu quả và có gắn phần mềm theo dõi lượng khí thải CO2.

Hay tại Trung Quốc, tuy chưa thể bắt kịp Singapore, nhưng xu hướng xây dựng xanh đã cho thấy nhiều bước tiến vượt bậc thông qua các chính sách ưu đãi cho công trình được công nhận xanh, hỗ trợ tài chính khuyến khích người dân mua nhà tại các dự án xanh… Từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã có hơn 1.260 công trình được đánh giá tiêu chuẩn xanh.

Theo một nghiên cứu toàn cầu mới đây của Nielsen về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, 64% đối tượng tham gia nghiên cứu từ khu vực châu Á ‐ Thái Bình Dương cho biết, họ sẵn sàng trả thêm tiền để được sử dụng các tính năng bền vững.

Chỉ trong thời gian ngắn, công trình xanh đang ngày càng trở thành một xu hướng tất yếu hướng tới phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả.

Có thể thấy, thị trường công trình xanh đang ngày càng có nhiều dấu hiệu triển vọng và tiềm năng phát triển khắp toàn cầu. Dự kiến, số lượng công trình xanh thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 13% từ nay đến năm 2020, kéo theo sự thay đổi về lựa chọn của cộng đồng ngành xây dựng, cũng như nhu cầu của khách hàng trong thị trường tiềm năng này.

Những thách thức tại Việt Nam

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam đang và sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, riêng TP.HCM là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Với tốc độ đô thị hoá ngày càng tăng nhanh, hàng nghìn công trình lớn nhỏ đang mọc lên mỗi ngày, kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu từ phía khách hàng với những công trình xanh, hạn chế năng lượng tiêu thụ và tiết kiệm chi phí.

Không nằm ngoài xu hướng, thị trường Việt Nam cũng đang xuất hiện những công trình xây dựng mới được thiết kế với giải pháp xanh, không ít trong số đó đã được chứng nhận xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất ít so với các nước trên thế giới.

Công trình xanh đang là xu hướng đúng nhưng không dễ phát triển 

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây chỉ là những bước đi đầu tiên trên chặng đường dài, bởi từ những bước đi chập chững sẽ có nhiều cam go và thách thức phía trước.

Cụ thể, báo cáo thị trường của CBRE Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 12/2018, Việt Nam mới chỉ có 104 dự án được chứng nhận xanh với gần 2,5 triệu m2 sàn, một con số còn rất khiêm tốn so với sự tăng trưởng thị trường xây dựng hiện nay.

Ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà với những công trình xanh là bởi kinh phí đầu tư cao, kiến thức về công trình xanh vẫn chưa được phổ biến và bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh tại Việt Nam chưa hoàn thiện.

Ngoài ra, theo ông Thức, việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức tự nguyện và khuyến khích nhà đầu tư thực hiện, nên chưa tạo được làn sóng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo dự báo của CBRE Việt Nam, xu hướng xây dựng công trình xanh sẽ phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm tới, bởi những ưu điểm, lợi ích thiết thực mà nó đã và đang mang lại cho cả khách hàng và chủ đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Tịnh Tâm, đại diện chủ đầu tư cao ốc văn phòng M-Building (quận 7, TP.HCM), cao ốc được nhận chứng chỉ EDGE (chứng chỉ xanh của IFC) cho biết, để xây dựng được công trình theo tiêu chuẩn xanh, chủ đầu tư phải trải qua nhiều thách thách thức rất lớn. Tuy nhiên, khi đã vượt qua, thì những lợi ích mà công trình này mang lại không hề nhỏ.

“Để có chứng chỉ này, chúng tôi phải chinh phục nhiều thử thách, nhưng khi đưa vào vận hành thì những lợi ích mà công trình xanh mang lại rất lớn. Hiện chúng tôi đã tiết kiệm được 50% số tiền nước và 30% số tiền điện trên mỗi tháng. Ngoài ra, khách đến thuê công trình của chúng tôi họ cảm thấy rất thoải mái, bởi khi sử dụng dịch vụ, họ có được cảm giác góp phần vào việc bảo vệ môi trường”, bà Tâm nói.

Công trình xanh không chỉ phát triển ở các cao ốc văn phòng, mà thời gian gần đây đã xuất hiện tại các dự án chung cư. Chẳng hạn, Dự án Sunshine City Sài Gòn (quận 1, TP.HCM) của Tập đoàn Sunshine Group dành tới hơn 70% diện tích cho việc xây dựng khu công viên, cây xanh, hồ bơi, sân thể thao đa năng, “hệ sinh thái 4S”.

Một dự án khác tại quận 2 tạo được sự quan tâm lớn của thị trường thời gian qua là Dự án Waterina Suites cũng được chủ đầu tư triển khai theo hướng công trình xành. Đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam do kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật - Kengo Kuma thiết kế. Dự án được ông thiết kế dựa trên nguồn cảm hứng từ đường cong lấp lánh của dòng sông Sài Gòn uốn quanh TP.HCM, cũng như đường cong từ thửa ruộng bậc thang Tây Bắc.

“Phía bên trong dự án có 2 hồ bơi lớn. Chúng tôi không đơn thuần đưa nước vào trong đó, mà còn có chức năng gắn kết với không gian thiên nhiên xung quanh giữa hai tòa nhà”, ông Kengo Kuma nói.

Về chi phí xây dựng, vị kiến trúc sư này cho biết, công trình xanh chỉ đắt hơn một chút so với những công trình khác, nhưng về lâu dài, những công trình này sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí về năng lượng và cải thiện môi trường. Đây cũng là hướng phát triển mà các đô thị trên thế giới đang hướng tới.

Với những ưu điểm mà công trình xanh mang lại, cũng như nhận thức về công trình xanh của các chủ đầu tư, người sử dụng ngày càng được cải thiện, theo các chuyên gia, thời gian tới, xu hướng xây dựng công trình xanh sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan