Ông Saman Bandara chia sẻ tại Hội thảo.

Ông Saman Bandara chia sẻ tại Hội thảo.

Công tác quản trị rủi ro gian lận trong ngân hàng: Chưa được quan tâm đủ

(ĐTCK) “Một xu thế dễ nhận thấy tại thị trường Việt Nam là có khá nhiều giao dịch qua cổng thanh toán, không dùng tiền mặt… càng làm cho rủi ro gian lận tăng lên. Nếu như không có những giải pháp hay hệ thống có thể đáp ứng, hỗ trợ ngân hàng trong việc quản trị rủi ro này thì hoạt động của ngân hàng sẽ ngày càng rủi ro hơn”. 

Đó là nhận định của ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, Trưởng bộ phận Tư vấn kế toán pháp lý, đảm bảo và rủi ro công nghệ thông tin và dữ liệu thông minh khu vực Đông Dương.

Ông đánh giá như thế nào về công tác quản trị rủi ro gian lận tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay?

Khi trao đổi với các chuyên gia nước ngoài cũng như kinh nghiệm quốc tế, tôi nhận thấy rằng, ở các thị trường khác, mặc dù chính phủ hay ngân hàng trung ương không có nhiều quy định cụ thể về quản trị rủi ro gian lận, nhưng các ngân hàng cũng tự nhận thấy đây là một yếu tố thiết yếu mà họ cần xem xét thực hiện với mục đích tiết kiệm chi phí và giảm thiểu nguồn lực liên quan đến công tác xử lý gian lận.

 Ông Saman Bandara.

Nhìn lại thị trường Việt Nam cách đây 5-6 năm khi chúng tôi có dịp chia sẻ về những ý tưởng hay giải pháp về quản trị rủi ro gian lận, các ngân hàng tại Việt Nam đều quan tâm đến vấn đề này, song việc đầu tư vào hệ thống hay các giải pháp quản trị rủi ro gian lận còn một số hạn chế.

Mới đây, trong Thông tư 13/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 18/5/2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã đề cập tới việc các tổ chức này phải nhận dạng đầy đủ rủi ro hoạt động trong tất cả các sản phẩm,

Hoạt động kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, hệ thống công nghệ thông tin và các hệ thống quản lý khác, trong đó nhấn mạnh việc nhận dạng rủi ro hoạt động liên quan đến gian lận bên trong và bên ngoài tổ chức.

Thực tế, đây cũng là yêu cầu về mặt tuân thủ trong công tác quản trị rủi ro hoạt động theo Basel II, bao gồm cả rủi ro gian lận. 

Dẫu vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam chắc hẳn cũng đã có những động thái nào đó?

Trong cuộc khảo sát gần đây của chúng tôi tại các ngân hàng ở Việt Nam cho thấy, các ngân hàng đánh giá cao tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro gian lận và luôn mong muốn tìm kiếm một giải pháp công nghệ tối ưu nhất nhằm giúp họ có thể phòng ngừa và phát hiện được rủi ro này trong tất cả các mảng hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, yêu cầu này sẽ đòi hỏi một sự đầu tư lớn về công nghệ, hệ thống cũng như thời gian tìm kiếm nhà cung cấp đáp ứng được các tiêu chuẩn.

Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ cho những mảng kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao cần được ưu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của ngân hàng trong công tác quản trị rủi ro gian lận.

Trong một vài năm trở lại đây, với mong muốn giới thiệu những giải pháp công nghệ phù hợp với thực tế công tác quản trị rủi ro gian lận nói riêng, cũng như đảm bảo việc tuân thủ các quy định của Basel II trong công tác quản trị rủi ro hoạt động nói chung tại các ngân hàng ở Việt Nam, chúng tôi đã sắp xếp các buổi trao đổi giữa ngân hàng với những nhà cung cấp uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Qua đó, các ngân hàng được giới thiệu những giải pháp công nghệ, cũng như chia sẻ của các chuyên gia về kinh nghiệm thực tiễn áp dụng tại thị trường quốc tế.

Tôi hy vọng các buổi trao đổi như vậy sẽ hỗ trợ các ngân hàng tại Việt Nam trong việc đánh giá nhu cầu, tiếp cận với các giải pháp công nghệ tiên tiến trên thế giới, để từ đó xác định được kế hoạch hành động cụ thể nhằm ngày một hoàn thiện hơn công tác quản trị rủi ro gian lận.

Trong một hội thảo của EY gần đây, ông cũng nhấn mạnh đến việc liên kết giữa các yếu tố con người - quy trình - công nghệ trong công tác giám sát rủi ro gian lận, ông có thể nói rõ hơn về liên kết này?

Con người, quy trình và công nghệ là 3 yếu tố cốt lõi khi xây dựng khung quản trị rủi ro gian lận hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ sẽ giúp ngân hàng sàng lọc nhằm phát hiện và đưa ra cảnh báo đối với những giao dịch có nghi ngờ hoặc có yếu tố gian lận dựa trên các tiêu chí được thiết lập sẵn có trên phạm vi tất cả các giao dịch phát sinh. Việc này gần như bất khả thi nếu các ngân hàng sử dụng nguồn lực con người và thực hiện rà soát thủ công.

Tuy nhiên, hệ thống sẽ không thể hỗ trợ ngân hàng trong việc xác định rằng, giao dịch đang bị nghi ngờ đó có phải là gian lận hay không?

Vì vậy, yếu tố con người lúc này đóng vài trò quan trọng. Chính con người sẽ thực hiện công tác điều tra cũng như xác minh những giao dịch gây nghi ngờ.

Do vậy, nhân sự làm việc trong lĩnh vực này cần đảm bảo có đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn và được đào tạo bài bản để đảm bảo công tác xác minh, điều tra gian lận được tiến hành một cách có hiệu quả, tuân thủ theo các quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức.

Yếu tố thứ ba không thể thiếu đó là việc ban hành các quy trình phù hợp liên quan đến cơ chế báo cáo và xử lý gian lận một cách nhất quán và hiệu quả trong nội bộ ngân hàng.

Theo đó, quy trình cần đề cập tới các chế tài xử lý sau khi kết thúc quá trình điều tra, xác minh sẽ được áp dụng như từ chối giao dịch, cảnh cáo, sa thải, hay tìm kiếm sự can thiệp của pháp luật trong từng tình huống cụ thể.

Do vậy, theo quan điểm của tôi, việc đầu tư xây dựng cơ chế quản trị rủi ro gian lận hiệu quả, đồng bộ không chỉ đem lại lợi ích cho các ngân hàng Việt Nam trong việc giảm thiểu các tổn thất do các gian lận gây ra, tạo niềm tin cho khách hàng, mà còn nâng cao uy tín của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Ngày 22 và 26/10 vừa qua, tại TP. HCM và Hà Nội, EY Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Giải mã quản trị rủi ro gian lận và phòng chống rửa tiền của ngành ngân hàng ở Việt Nam trong thời đại chuyển đổi kỹ thuật số”.

Tại hội thảo, ông Saman Bandara chia sẻ, hiện nay, trong quá trình chuyển mình để đáp ứng với xu thế thị trường của thời đại công nghệ số 4.0, các tổ chức tài chính tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là số lượng tội phạm gian lận sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng.

Những đối tượng này thực hiện tấn công vào những kẽ hở công nghệ thông tin khi các tổ chức tài chính chưa đề cao và chú trọng vào các kiểm soát giảm thiểu gian lận từ công nghệ lên hàng đầu, hoặc gặp lúng túng trong quá trình thực hiện và triển khai tại chính đơn vị.

Ngoài chuyên gia của EY Việt Nam, tham gia hội thảo còn có các chuyên gia đầu ngành của EY Ấn Độ như ông Vikram Babbar, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ kế toán pháp lý và bà Bisman K. Sethi, Chủ nhiệm Dịch vụ kế toán pháp lý.

Các chuyên gia đã cũng cấp cho khách tham dự những vấn đề và xu hướng mới nhất trên thế giới, đưa ra một bức tranh tổng quan về phòng chống gian lận (Anti-Money Laundering) và rủi ro gian lận (Fraud) mà thế giới đang quan tâm và triển khai, bao gồm cả gian lận nội bộ và gian lận từ bên ngoài. 

Đây là điều thực sự cần thiết đối với các tổ chức tài chính tại Việt Nam khi các tiêu chuẩn và quy định được quốc tế hóa ngày một sâu và rộng hơn.

Tin bài liên quan